Khóc cười khi “phi công trẻ" lái "máy bay bà già”
Khi yêu bà chị già Thúy Hường hơn mình tới 5 tuổi, anh Sơn (Hà Đông, Hà Nội) rất lo ngại. Tuy nhiên, chứng kiến không ít cặp đôi phi công - bà già sống rất hạnh phúc bên nhau, anh Sơn tạm yên lòng và hạ quyết tâm cưới người tình trong mộng.
Anh chia sẻ: “Tôi là người thực dụng. Tôi kết hôn với Hường vừa vì yêu, vừa vì hài lòng với bài toán cuộc sống. Hường hơn tôi 5 tuổi, cô ấy có sự nghiệp rất vững chắc. Chẳng cần đến đồng tiền của tôi, thu nhập của cô ấy thừa sức lo lắng được cho gia đình và có một khoản không nhỏ gửi tiết kiệm. Hơn nữa, cô ấy rất chững chạc, không nhõng nhẽo, ỉ ôi như mấy nàng xì tin khác. Ở bên cô ấy, tôi có cảm giác rất yên tâm và thoải mái”.
Và anh tin chắc rằng, một “bà già” như Hường sẽ mang lại cho anh cuộc sống hạnh phúc, êm ấm và đầy đủ. Điều anh mong muốn cuối cùng cũng đã đến. Tuy nhiên, đi kèm với nó là bao rắc rối nảy sinh.
Từ khi lấy vợ, anh sợ nhất là mỗi lần giỗ Tết. Khi ấy, cả họ hàng tụ tập ở nhà bác trưởng. Thế là bao tình huống dở khóc dở cười xảy ra. Khổ nhất là cậu bé vài tuổi cũng có thể “hành” được anh.
Hôm đó, thằng bé 8 tuổi con nhà ông chú họ đang gặm đùi gà. Thấy anh, cu cậu vội chạy ra chào “Anh về rồi ạ?”. Sau đó, cu cậu quay sang vợ anh: “Cháu chào cô. Cô là dì anh Sơn ạ?”.
Câu hỏi vô tư của thằng bé khiến anh choáng váng. Làm sao cậu nhóc có thể nhầm vợ anh thành dì ghẻ của anh được cơ chứ (Bố anh mới lấy vợ hai được vài tháng). Sau sự nhầm lẫn của cậu bé, được thể, thanh niên trong họ lại ùa vào trêu chọc anh chị.
Anh Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng gặp phải nhiều rắc rối khi lái "máy bay bà già". Nhưng rắc rối này lại phát sinh từ chị Thoa - vợ anh.
Trước khi yêu và lấy nhau, anh vốn là cấp dưới của vợ nên với chị, anh luôn như một cậu nhân viên chân ướt chân ráo bước vào công ty. Chính vì vậy, tư tưởng “bắt nạt” luôn thường trực trong đầu chị.
Ở nhà, chị suốt ngày chỉ đạo anh phải làm cái nọ, cái kia trong khi chị rung đùi xem ti vi. Anh “phát biểu ý kiến” thì chị gạt phăng đi với lý lẽ: “Em làm bao nhiêu việc, mệt rồi, có còn trẻ trâu như anh đâu. Anh còn sức khỏe, anh phải đỡ đần vợ chứ”.
Thế là dù ấm ức nhưng anh vẫn lụi cụi đi lau dọn nhà cửa. Nhưng dẫu sao, cục tức này cũng dễ nuốt. Điều anh cáu hơn cả chính là khi ở nhà, chị xưng anh em ngọt xớt. Nhưng khi ra đường, chị quay ngoắt thái độ. May mắn lắm thì chị gọi tên, còn lại, chị toàn nói trống không: “Lấy hộ cái mũ với”, “Đi đường thẳng ấy”…
Anh hiểu cảm giác của chị. Vì chị già hơn anh nên ở cơ quan, mọi người hay trêu đùa. Những câu kiểu như “Thoa ơi, em mày đến rồi” hay “Thảo ơi, tao mượn ''máy bay' đi du lịch vài hôm nhé…”.
Vượt qua hay đầu hàng thị phi?
Anh Sơn - chị Hường luôn rơi vào tình trạng dở khóc dở cười vì nhiều người luôn “phong” cho chị cao hơn một chức. Bản thân anh khá xấu hổ nhưng điều anh bận tâm nhất chính là anh lo chị sẽ phiền lòng.
Tuy nhiên, trái ngược với thái độ của anh, chị tỏ ra rất tự nhiên. Khi bị mọi người vô tình nhầm hoặc cố tình trêu chọc, chị thường cười rất tươi trêu đùa lại bằng những câu rất tếu táo: “Anh ấy là Benjamin, càng ngày càng trẻ ra” hoặc “Từ ngày lấy chị, có bao nhiêu cái tốt đẹp của chị anh ấy lấy hết rồi còn đâu”…
Mỗi lần thấy chồng mặt mày thiểu não khi bị trêu chọc, chị lại khuyến khích anh: “Sao anh trông khổ sở thế, anh càng thái độ, họ càng trêu nhiều hơn. Bây giờ anh cứ tưng tửng, họ chán, họ sẽ dừng ngay thôi”.
Thấy vợ nói có lý, anh bắt đầu “trơ”. Ai trêu gì anh cùng hùa vào với họ. Thế là sau một năm, chẳng bao giờ anh còn nghe thấy những bình luận “Vợ già, chồng trẻ”, “phi công, máy bay” nữa.
Anh vui vẻ: “Đúng là lấy vợ già thích thật. Cô ấy nhiều tuổi hơn tôi nên bản lĩnh. Bây giờ tôi chẳng có mong ước gì hơn nữa. Hoan hô vợ già”.
Anh Thảo không được may mắn như anh Sơn. Thay vì tìm cách nói chuyện thẳng thắn với vợ, anh cứ âm thầm giữ cục tức trong mình. Lâu dần, anh coi chị như “cọp già”. Tình cảm vợ chồng cứ thế bay theo kỳ thị “phi công trẻ" lái "máy bay bà già”.
Chán vợ, anh liều lĩnh qua lại với một nhân viên mới trong công ty. Biết chuyện, chị không làm ầm lên mà âm thầm nhờ sếp trên tống cổ “con hồ ly” để chị gìn giữ hạnh phúc gia đình. Lẽ ra, sau đó, chị phải sửa đổi mình, không đối xử với chồng theo kiểu bề trên nữa. Thật tiếc, chị đã không làm như vậy.
Không muốn sống với vợ nhưng cũng chẳng buồn li dị, anh xin vào miền Nam làm việc. Anh cứ ở lì trong đó, khi nào chị nhớ anh, tự động bay vào, còn anh chẳng đoái hoài gì đến chị.
Mời bạn đọc gửi bài viết tâm sự, chia sẻ những clip, hình ảnh hay thắc mắc khó nói về tình yêu, hôn nhân đến chuyên mục Yêu và Sống và Tương tác bạn đọc. Mọi ý kiến chia sẻ bạn đọc có thể gửi về hòm thư: banbientap@xahoi.com.vn.