Một “hội nghị Diên Hồng” của giới nhạc sĩ, với sự có mặt của các tên tuổi lớn: Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Huy Thục, Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Đức Toàn, Trương Ngọc Ninh, Ngọc Đại, Hoàng Dương, Thế Song… đã diễn ra sáng 16-2 tại Hà Nội, nhằm tìm cách bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của mình.
Ông Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo hộ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cho rằng việc Công ty Mediamax cố tình tổ chức đêm nhạc Ru tình tại Hà Nội vào hai ngày 7 và 8-3, bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là giọt nước làm tràn ly khiến các nhạc sĩ hết sức bức xúc. Điều đó chứng tỏ ý thức tôn trọng pháp luật của giới tổ chức biểu diễn đang ở mức báo động.
Theo ông Phó Đức Phương, năm 2011, có tới 90% chương trình biểu diễn “lờ” đi việc xin phép sử dụng bản quyền tác giả âm nhạc, nghĩa là 90% các tác phẩm âm nhạc trong các chương trình biểu diễn vừa qua bị sử dụng trái phép. Điều đáng buồn thay, những chương trình vi phạm đó lại có sự tiếp tay của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành như Cục Nghệ thuật biểu diễn, sở văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT-DL) nhiều địa phương.
Sở dĩ Công ty Mediamax có thể cố tình treo băng rôn quảng cáo tổ chức đêm nhạc Ru tình tại Hà Nội bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình nghệ sĩ Trịnh Công Sơn là vì họ đang có trong tay giấy phép biểu diễn của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Khi đã có trong tay giấy phép này, cho dù ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh khẳng định việc tổ chức chương trình Ru tình của Công ty Mediamax không chỉ sai về pháp lý mà còn trái cả đạo lý thì bà cũng chỉ biết làm đơn “kêu cứu” chứ không có cách nào khác để dừng lại đêm nhạc.
Các nhạc sĩ tại cuộc gặp khiếu nại về bản quyền sáng 16-2. Ảnh: C.T.V
Ông Phó Đức Phương khẳng định cơ quan quản lý Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn chưa quan tâm đến quyền tác giả âm nhạc. Pháp luật đã công nhận tác phẩm là tài sản riêng của các tác giả, là sở hữu của người sáng tác, những tổ chức cá nhân sử dụng phải xin phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và phải trả phí bản quyền, nhất là mục đích sử dụng kinh doanh.
Theo ông Phương, cơ quan quản lý Nhà nước thay vì phải đứng về phía các nghệ sĩ để có trách nhiệm với lao động trí tuệ của họ nhưng lại cứ vô tư cấp phép biểu diễn chương trình, không quan tâm gì đến việc nhà tổ chức đã thực hiện nghĩa vụ với tác giả của các tác phẩm âm nhạc sử dụng trong chương trình hay không. “Cấp phép biểu diễn cho những chương trình chưa được phép sử dụng tác phẩm là tạo kẽ hở cho những hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ”- nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.
Ông Phương nêu gương Sở VH-TT-DL TPHCM đã rất chặt chẽ khi cấp phép biểu diễn.Sở này yêu cầu người tổ chức chương trình phải kèm theo hồ sơ xin phép giấy chứng nhận cho phép sử dụng bản quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm đối với các ca khúc sử dụng biểu diễn mới được cấp phép. Trong khi đó, việc cấp phép biểu diễn ở Cục Nghệ thuật biểu diễn và sở VH-TT-DL các địa phương khác lại rất lùng nhùng. “Chính điều này đã triệt tiêu quyền được Nhà nước bảo vệ lợi ích hợp pháp của quyền tác giả quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ” - ông Phương bức xúc.
Cơ quan thẩm quyền phải tôn trọng luật
Theo các nhạc sĩ và luật sư, nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu rõ ràng của luật và nghị định dưới luật nhưng điều quan trọng là các cơ quan thẩm quyền cấp phép biểu diễn đã “đóng dấu đỏ” trước khi có thỏa thuận bản quyền giữa tác giả và nhà tổ chức chương trình.
Nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng rằng cần có hành động phản đối quyết liệt trước việc chà đạp lên quyền tác giả đã được luật pháp quy định của các tổ chức, cá nhân hoạt động tổ chức biểu diễn và của các cơ quan có thẩm quyền cấp phép biểu diễn.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, các nhạc sĩ có mặt đã ký vào bản kiến nghị gửi cơ quan thẩm quyền yêu cầu tôn trọng Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Berne về âm nhạc; đề nghị làm rõ một số điều trong nghị định về tổ chức biểu diễn. Cũng trong cuộc gặp gỡ ngày 16-2, nhiều yêu cầu về bản quyền âm nhạc đã được các nhạc sĩ đặt ra: Các ca sĩ phải chịu trách nhiệm trước tác giả về bản quyền tác phẩm khi sử dụng để kinh doanh (có thu tiền), nghĩa là phải thỏa thuận với tác giả trước khi sử dụng tác phẩm. Các nhà tổ chức biểu diễn phải được phép của chủ sở hữu bản quyền khi sử dụng tác phẩm và chịu trách nhiệm về thực hiện bản quyền. Khởi kiện những đối tượng không thực hiện đúng luật pháp về bản quyền khi sử dụng tác phẩm âm nhạc. Cần làm rõ hơn về giới hạn quyền cho phép sử dụng tác phẩm giữa Trung tâm Bảo hộ tác quyền âm nhạc Việt Nam và các tác giả thành viên. Tăng cường các biện pháp giám sát việc sử dụng và xâm phạm bản quyền tác phẩm. Đề nghị báo giới vào cuộc bảo vệ tác quyền âm nhạc…