Từng bị fan cuồng lột hết quần áo
- Anh có rất nhiều người hâm mộ, trong số đó, có "fan cuồng" nào khiến anh phải “dở khóc dở cười”?
- Ôi những “ca nặng” như thế thì nhiều lắm. Lần tôi dự liên hoan phim ở Nghệ An, khán giả cứ đứng ở cửa phòng khóc, gào tên tôi thảm thiết mà tôi không biết xử trí thế nào. Có người lại ôm cổ hôn lấy hôn để xong còn cắn một cái khiến tôi đau điếng, chỉ biết nhắm mắt chịu trận. Rồi có lần tôi còn bị khán giả… lột hết áo quần luôn. Khán giả quây xung quanh, kéo rách hết áo của tôi để… chia nhau người cái tay, người cái vạt. Rồi họ đòi lột cả… quần khiến tôi phải kêu “trời ơi, làm gì vậy?” thì họ bảo “cho xin bộ đồ về làm kỷ niệm”.
Tôi có một fan cuồng ngày nào cũng gọi điện vài lần chỉ hỏi ăn cơm chưa, khỏe không, đang làm gì… đến mức tôi phát tức. Sau đó tôi không nghe máy thì cô ấy nhắn tin: “Em đang ở cầu Sài Gòn, chuẩn bị nhảy xuống dưới. Nếu anh không ra thì anh sẽ có tội với em”. Tôi chạy vội tới nơi thì thấy cô ấy đang ngồi… uống nước mía để đợi mình.
Một chuyện mới cách đây ít ngày, khi tôi đang dẫn một chương trình ở Vĩnh Long thì một khán giả nhảy xổ vào ôm, vật tôi ngã cái bịch xuống đất rồi ngồi lên trên như là cưỡi… heo vậy. Mọi người tưởng cô này bị… hâm nhưng hóa ra cô ấy “cuồng” quá. Những “pha” như thế này nhiều khi cũng khiến tôi hết hồn nhưng thực lòng tôi vẫn rất trân trọng, gìn giữ những tình cảm mà khán giả dành cho mình, đối với tôi nó rất thiêng liêng và là món quà tinh thần trên mỗi bước đường tôi đi.
- Thời gian gần đây, giám khảo được coi là “nghề nguy hiểm” anh cũng có vài lần trải qua những cảm xúc ở vị trí này, anh nhận xét thế nào?
- Tôi từng làm giám khảo một số chương trình rồi nhưng tôi nhận thấy tính cách của tôi không thể làm giám khảo được. Tôi không thấy thoải mái khi ngồi ghế giám khảo, khó chịu lắm. Tôi đã từng đi thi bốn năm cuộc thi mà không có cuộc nào đậu hết nên hiểu tâm trạng của thí sinh lắm. Làm giám khảo về tôi chỉ nhớ những người rớt, nó cứ canh cánh trong lòng, có khi còn buồn nhiều hơn họ.
- Thế còn về nghề MC, anh có bí quyết gì mà lại gặt hái được thành công ở một lĩnh vực “tay trái” của mình như vậy?
- Đúng là tôi đóng phim 10 năm mà chỉ có một giải Mai Vàng duy nhất nhưng khi chuyển sang làm MC mới hai ba năm đã nhận được rất nhiều giải Mai Vàng. Tuy nhiên cũng không dễ dàng thành công ngay đâu. Lần đầu tiên làm MC, tôi thất bại thảm hại khiến tôi trốn luôn. Ra đường chỉ nghe người ta nói đến từ “người dẫn chương trình” là gai ốc tôi nổi lên và tôi đi thẳng, không dám đứng lại nghe thêm câu nào nữa. Sau đó thật lâu tôi mới dám làm MC lại. Còn theo tôi cái quan trọng nhất của MC là vốn sống. Có vốn sống thì mới có thể nói, có thể ứng phó trước mọi tình huống được.
- Trong quá trình làm MC anh đã gặp “tai nạn” nào đáng nhớ nhất?
- Tai nạn thì nhiều lắm. Có một “tai nạn” mà chắc tôi sẽ nhớ suốt đời luôn. Đó là lần một người bạn rất thân năn nỉ nhờ tôi dẫn đám cưới cho họ. Tới nơi tôi tuôn một tràng dài đúng phong cách đám cưới, giới thiệu đầy đủ quan viên hai họ không sót một ai. Mọi người vỗ tay cho tôi nhiều hơn cả cô dâu chú rể nên tôi sung lắm.
Đến phần quan trọng nhất tôi dõng dạc: “Nào, kính thưa quý vị xin hãy nở những nụ cười thật tươi, những tràng pháo tay thật giòn giã để chúc mừng cho cô dâu và… hai chú rể!”. Nói xong câu đó tôi “dừng hình” luôn và nhận ra mình vừa nói sai. Tất cả hôn trường gần một nghìn người đều im phắc khi nghe câu “một cô dâu và hai chú rể” vì đó là một điều tối kỵ, điều xui xẻo nhất trong đám cưới. Tôi nghĩ lúc đó mà bước xuống là bị cô dâu chú rể và hai bên gia đình .. xông vào đánh liền. Mất mấy giấy sững lại rồi tôi phải chữa cháy luôn bằng cách nhận mình là… chú rể phụ. Mọi người mới thở phào và bật cười ầm ầm.
- Thế còn nghề “tay phải” là sân khấu, phim ảnh, mấy năm gần đây thấy anh hầu như không có vai diễn nào, vì sao vậy?
- Phim vẫn là niềm đam mê của tôi nhưng giờ tôi bận rộn quá không còn thời gian để nhận vai. Thêm nữa là hiện nay phim đang bão hòa, rất ít bộ phim có chất lượng thực sự. Với tình hình hiện nay thì tôi chưa thể tìm được vai tốt. Diễn viên thường đếm tiền xong mới đóng, đến hiện trường mới hỏi “tôi đóng vai gì?”, nếu vai chính thì hỏi “đóng với ai”, đến đó mới đọc kịch bản gỏn gọn có một trang giấy thì làm sao mà đòi hỏi có phim hay được. Ngày xưa đóng phim Người Hà Nội tôi phải ra trước 6 tháng, ăn ngủ như người dân Hà Nội, lang thang ngoài đường phố để cảm nhận được không khí, tâm hồn Hà Nội…
- Có thể vì thế nên thời các anh làm phim không giàu được?
- Đúng vậy, không thể giàu được. Nhiều khi tôi làm xong một bộ phim mà còn thiếu nợ nữa kìa. Có thời gian, tôi ở Hà Nội làm gần 10 phim mà làm xong chỉ mua được… một chiếc xe đạp.
Quyền Linh từng nhiều pha hết hồn vì fan "cuồng".
Thích Tết ở miền quê hơn thành phố
- Giờ trở lại với chủ đề ngày Tết một chút, những ngày này không khí trong gia đình anh thường như thế nào?
- Những năm trước thì ngày Tết, gia đình tôi buồn lắm. Tôi thường phải đi diễn suốt, hết sân khấu này đến sân khấu khác. Con gái tôi lớn lên bên sân khấu, từ hồi còn khóc oe oe đã được mẹ ẵm đi theo ba diễn rồi. Chỉ có khoảng hai năm trở lại đây, tôi không nhận chương trình Tết nữa để cả gia đình được cùng đón Tết bên nhau. Chúng tôi thường cố gắng về cả hai quê nội, ngoại trong dịp này.
Tôi thích cái không khí của bánh trưng bánh tét, bánh dày, của dưa hành, củ kiệu, tôi thấy yêu lắm. Tết miền quê mộc mạc, lặng lẽ hơn, yên bình hơn ở thành phố. Mọi người quên hết cực nhọc, khó khăn, những nỗi lo cơm áo toan tính đều biến mất mà chỉ còn những nụ cười hạnh phúc. Mọi người đến chơi với nhau giản dị nhưng trọn vẹn cái tình, bằng cả trái tim. Ở thành phố nhiều khi lời chúc chỉ là cửa miệng, bao lì xì dù “nặng” hơn nhưng có khi lại là vì một điều gì đó chứ không phải là vô tư. Mỗi lần thấy tôi về quê ăn Tết, mấy cô Tám, cô Bẩy hàng xóm từ xa đã gọi: “Nhớ sang nhà tao ăn miếng bánh tét nghe mày!”, những câu chào hỏi đó mộc mạc, thân thương mà tôi thích nhất. Năm nay tôi dự định sẽ ăn Tết ở quê qua rằm luôn.
- Trong những câu chúc Tết, anh thích được chúc như thế nào nhất?
- Ai cũng muốn giàu, muốn vươn lên nhưng họ lại kém may mắn hoặc chưa gặp được may mắn. Và làm bất cứ việc gì cũng phải có sức khỏe, sức khỏe là quý nhất. Nên tôi thích nhất là chúc sức khỏe và may mắn.
- Được biết khi anh còn nhỏ, gia đình anh rất khó khăn. Vậy ký ức về những cái Tết hồi đó của anh như thế nào?
- Hồi bé tôi yêu thích Tết vô cùng, ước mơ đến Tết có được bộ quần áo mới, được đôi dép mới. Nhưng nhà tôi làm gì có tiền mà mua, chỉ đi xin bà con thôi. Cho đến giờ tôi vẫn có cảm giác mong chờ Tết như thế. Cứ đến Tết là tôi đi mua cho mình bộ đồ mới mặc dù giờ thì quần áo của tôi không hề thiếu. Làm vậy để mình có lại cái cảm giác của ngày xưa. Hồi đó, gần đến tết là tôi “làm thêm” nhiều việc lắm như: ôm rơm, cắt cỏ, mò tôm, bắt cá… mang ra chợ bán để gom tiền mua đồ mới. Có năm thì mua được cái áo, có năm mua được cái quần thôi chứ không mua được cả bộ đâu. Đến khi tôi học năm thứ ba trường sân khấu điện ảnh mà vẫn chưa có tiền mua đủ một bộ quần áo một lúc.
Gia đình hạnh phúc của Quyền Linh hiện tại.
- Đến bây giờ, khi dạy con, anh có nhắc về những khó khăn mà mình đã trải qua hồi trước?
- Tôi thường dạy cho con tập những cái khó khăn trước tiên. Ví dụ trong nhà tôi có điều hòa nhưng tôi vẫn cho con nằm quạt. Tôi thường chở con đi chơi bằng xe máy. Tôi gửi con ở nhà trẻ bình thường. Nhiều bạn bè phản ứng là sao không cho con vào trường tốt hơn nhưng quan điểm của tôi là con người khác học được thì con tôi cũng học được.
Tôi muốn con cảm nhận được tất cả những cái đó để hiểu về cuộc sống xung quanh nó. Đến khi con cảm nhận được thì tôi mới chuyển qua trường tốt hơn. Giờ nhà tôi đầy đủ tiện nghi nhưng tôi nằm đất quen rồi. Nên thấy tôi ôm gối nằm dưới đất thì các con cũng ôm gối nằm dưới đất ngủ cùng ba. Cuộc sống không biết thế nào mà nói trước, biết đâu sau này gia đình gặp khó khăn thì con tôi vẫn chấp nhận được hoàn cảnh ấy. Bây giờ nhiều hôm chiều về, cha con tôi xúc mỗi người một tô cơm, chỉ chan nước tương thôi rồi bê ra trước cửa ngồi ăn với nhau rất ngon lành.
- Anh đang có hai cô con gái, anh có ước được thêm một cậu con trai cho đủ nếp đủ tẻ trong năm mới này?
- Với tôi thì con nào cũng quý. Quả thực là mẹ tôi cũng có ý muốn tôi sinh thêm một cậu con trai và tôi cũng hay bị trêu trọc là “chỉ được làm ông ngoại” nhưng tôi thấy hạnh phúc và chấp nhận những gì mình đang có. Cuộc sống tôi ngày xưa chỉ mơ đủ ăn mà điều đó khó lắm, được bữa nay còn lo ngày mai. Những gì tôi có bây giờ đã quá đủ so với ước mơ của tôi ngày xưa rồi nên không còn phải trăn trở gì nữa.
Hồi xưa, chưa đi làm những chương trình như Vượt lên chính mình, tôi cũng buồn hoài à. Tôi vừa mua được cái xe mới nhưng nhìn thấy người có xe đắt tiền hơn, đẹp hơn xe tôi là tôi buồn và nghĩ chừng nào mình mới mua được chiếc xe đó đây, thế là lại suy nghĩ, trăn trở. Nhưng từ khi đi làm từ thiện nhiều, tôi không còn những nỗi buồn kiểu như thế nữa. Tôi thấy yên bình, không muốn bon chen với ai nữa. Vì thấy cuộc sống của mình hiện tại đã may mắn, hạnh phúc đủ đầy hơn rất nhiều người rồi.
- Vậy trong không khí đầu năm mới như thế này, anh dành lời chúc gì cho khán giả?
- Tôi chúc khán giả luôn luôn có sức khỏe và gặp nhiều may mắn. Điều nữa cũng quan trọng là luôn sống yên bình. Nếu bạn có một cuộc sống yên bình thì bạn cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.