Quý tử phạm tội học làm người sau song sắt

Hồ Thanh Bình đã ở tù được 11 năm. Là con trai của một gia đình gia thế, từng có một tương lai tươi sáng, một con đường thênh thang trải hoa hồng.

Bình nói rằng anh muốn cảm ơn nhà tù, muốn cảm ơn những cán bộ quản giáo, những người bạn tù, những người đã dạy anh thành người.

Con đường lạc lối của quý tử giết người cướp của

Tôi từng là niềm ao ước của tất cả những bạn bè cùng trang lứa, từng khiến bạn bè phải ghen tỵ về cuộc sống quá đỗi bằng phẳng của mình. Tôi sinh ra trong một gia đình gia giáo, cuộc sống sung túc. Ông nội từng làm quan chức cao cấp của một Bộ, bố làm công an, mẹ làm ngân hàng. Nhờ gene di truyền cùa gia đình, nên từ nhỏ, tôi đã rất thông minh, học hành bao giờ cũng đứng đầu trường. Là con trưởng của cả dòng họ, nên bao nhiêu sự kỳ vọng, ông bà, bố mẹ đều đặt hết cả vào tôi.

Nhưng ngày đó, tôi không biết là mình hạnh phúc. Được ông bà, bố mẹ chiều, nên tôi vô cùng nghịch ngợm, phá phách, ở trường, tôi vừa đứng đầu danh sách học tập, vừa đứng đầu danh sách những học sinh cá biệt. Khi tôi học cấp 2, bố tôi đi tù vì trong một lần đi làm nhiệm vụ, ông đã bị tai nạn nghề nghiệp, bắn chết đối tượng. Không có bố ở nhà, bao nhiêu gánh nặng dồn hết lên vai mẹ tôi.

Nhưng tôi không những không biết thương mẹ mà còn nghịch phá nhiều hơn, vì cậy mình là con trưởng, là cháu đích tôn, nên được cả gia đình chiều chuộng. Tôi là một đứa trẻ ích kỷ. Ở trong nhà có cái gì ngon nhất, đẹp nhất, tốt nhất, tôi đều giành hết phần về mình, không bao giờ nghĩ đến người khác, kể cả đứa em út. Những thói xấu cứ lớn dần lên khi tôi trưởng thành, cho đến ngày tôi phải trả giá về những điều đó.

Năm 1999, tôi thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương. Quá hạnh phúc vì con trai đỗ đạt vào một trường đại học có tiếng, lại với số điểm cao chót vót, nên ngay khi tôi vào TP. HCM nhập học, mẹ đã mua cho một chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại. Xa gia đình, sự ngỗ nghịch và thói quen tự do, không ai quản lý của tôi càng có điều kiện phát huy.

Tôi lao vào các cuộc chơi game online thâu đêm suốt sáng, lao vào những trận cá độ, ăn thua đỏ đen. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã nợ gần 30 triệu đồng. Để giải quyết nợ nần, tôi mang xe đi cắm nhưng chỉ trả nợ được một phần nhỏ. Trong lúc bế tắc, tôi đã đi đến một quyết định sai lầm và phải trả giá đắt. Hôm đó mẹ tôi gọi điện báo tin sẽ vào TP. HCM xem tình hình ăn ở của tôi. Lo sợ mẹ phát hiện ra việc tôi chơi bời đến cắm cả xe máy, tôi đã nghĩ đến việc đi ăn cướp một cái xe máy khác để chuộc cái xe máy của mình ra, hi vọng che mắt mẹ. Tối hôm đó, tôi đã trở thành hung thủ giết người. Tôi chặn một người đi đường không hề quen biết và đâm chết người đó. Nhưng vì không có gan, nên khi thấy nạn nhân của mình kêu la, tôi đã bỏ chạy. Đến lúc biết hậu quả của việc mình làm đã dẫn đến cái chết của một người vô tội thì lương tâm tôi thức tỉnh. Tôi ra đầu thú và chấp nhận mọi sự trừng phạt của pháp luật.

Khi biết tin con trai phạm tội, mẹ tôi thậm chí còn không tin đó là sự thật. Gặp tôi, bà cứ gặng hỏi xem có phải tôi đã nhận tội cho ai không, vì bà không thể tin đứa con trai do mình mang nặng đẻ đau và chăm chút, dạy dỗ lại có thể gây ra tội ác tày trời như thế. Đến lúc tôi gật đầu xác nhận mọi chuyện, thì bà gần như chết lặng. Khi đó mẹ tôi mới 40 tuổi. Mẹ tôi vẫn thường được mọi người khen là trẻ như phụ nữ mới ngoài 30. Thế mà chỉ vài ngày sau khi tôi gây án, mẹ già hẳn đi, tóc bạc không biết từ đâu mọc lên, đến nỗi tôi không còn dám tin đó là mẹ mình. Biết được nỗi đau tôi gây ra cho mẹ quá lớn, tôi đã tự tử trong trại tạm giam mà không thành.

Ngày đứng trước vành móng ngựa, tôi bị tòa tuyên án chung thân trong sự chết lặng của người mẹ đang tan nát cả cõi lòng vì đứa con trai dại dột. Nhưng đó chính là lúc tôi tỉnh táo nhất và nhận thức rõ nhất tội lỗi của mình. Khi đó tôi đã nghĩ mức án chung thân vẫn còn quá nhẹ với mình. Vì tôi đã giết chết một trụ cột của gia đình, khiến hai đứa trẻ bơ vơ, mồ côi bố. Khi đó, tôi thầm hứa sẽ làm lại cuộc đời, sẽ làm tất cả để chuộc lỗi với mẹ, để sám hối với người đàn ông vô tội bị tôi giết hại.

Bài học từ chính những con người lầm lỡ

Ngày tôi gây án, từ đứa cháu, đứa con được cả gia đình kỳ vọng, tôi trở thành một kẻ tội đồ. Ông nội tôi, một người trọng chữ tín, cả đời sống trong vinh quang, chẳng thể nào chấp nhận nổi một đứa cháu dám giết người để cướp của. Nhục nhã với bà con lối xóm, cả năm trời ông không bước chân ra khỏi nhà, không dám nhìn mặt mọi người, không dám có mặt ở bất cứ chỗ đông người nào. Từ chỗ yêu quý, ông coi tôi như một đứa cháu nghịch tử. Mẹ tôi cũng vì tôi mà chịu không biết bao nhiêu cay đắng và những cái nhìn dè bỉu từ xung quanh.

Tôi bước qua cánh cổng trại giam khi mới 19 tuổi với tâm trạng của một quý tử được yêu chiều, cả đời chưa bao giờ có ý niệm gì về nhà tù, chưa bao giờ có ý niệm gì về một thế giới khác, với những cuộc đời khác, những số phận khác đen tối hơn, trái ngược hoàn toàn với thế giới đầy hoa hồng mà tôi từng có. Hồi mới vào tù, có phạm nhân nhờ tôi viết thư về cho gia đình, vì họ bảo họ không biết chữ. Lúc đó tôi giận dữ với họ lắm.

Tôi nghĩ họ trêu đùa tôi, vì tôi không thể tin được trên đời này lại có người không biết chữ. Thế nên tôi từ chối, không viết cho họ. Ngày mới vào, tôi cũng xa lánh tất cả mọi người. Vì tôi đủ thông minh để biết mình khác họ, gia đình mình giàu hơn họ, mình được ăn học đầy đủ hơn họ. Tôi không thích cách nói chuyện của những bạn tù, không thích cách ăn nói bỗ bã hay những câu chuyện tầm phào của họ. Thế nên tôi coi thường họ, tôi nghĩ họ không bằng mình, tôi xa lánh họ và tự đặt mình vào một vị trí cao hơn để nhìn xuống.

Nhưng các cán bộ quản giáo ở trại giam cũng như những người bạn tù đã dạy cho tôi nhiều bài học. Có một người bạn tù lớn tuổi đã dạy cho tôi phải biết sống gần gũi với mọi người hơn, phải biết yêu thương và tôn trọng những người tù khác, vì tôi không hề hơn gì họ, nhất là khi tôi đã sinh trưởng trong một gia đình tốt đẹp như thế mà lại đánh mất đi tất cả; vì cuối cùng, dù hạnh phúc hay khổ đau, dù sinh ra trong giàu có hay bần hàn, dù đã lầm đường lạc lối; phạm tội ác tày trời, dù đang ở trong song sắt nhà tù, thì họ vẫn là một con người cần được tôn trọng và đối xử bình đẳng.

Cũng nhờ những năm tháng ở sau song sắt, tôi nhận ra rằng cuộc đời không màu hồng như mình tưởng, rằng so với những số phận bất hạnh trong trại giam, so với những cảnh đời éo le của những phạm nhân cùng trại, thì tôi thực sự may mắn. Trại giam dạy cho tôi một điều, là không phải phạm nhân nào cũng xấu. Có những người thực sự vì hoàn cảnh xô đẩy mà phạm tội. Tôi cũng là người. Nhưng tôi được số phận ưu ái. Vậy mà tôi đã không biết nắm bắt nó mà còn tự hủy hoại mình. Sau 11 năm ở tù, tôi đã biết được rằng, con người sống thì phải có chính kiến, phải có lập trường và biết trân trọng những gì mình có. Sau khi học được bài học này, tôi tin, mình sẽ không bao giờ vấp ngã nữa.

Sự thay đổi tích cực của tôi đã thực sự được tất cả các cán bộ và phạm nhân trong trại giam ghi nhận. Từ một cậu quý tử chỉ quen được yêu chiều, tôi trở thành trưởng ban tự quản phạm nhân của phân trại, điều chưa từng xảy ra trong tiền lệ với một phạm nhân 29 tuổi như tôi, bởi từ trước đến giờ, yêu cầu dành cho những phạm nhân được cắt cử làm ở vị trí này là phải tuổi từ 40 - 50 và được phạm nhân trong phân trại nể phục. Mỗi lần mẹ lên thăm, nhìn thấy tôi trưởng thành, bà rất mừng.

Có lần lên, thấy tôi được Ban Giám thị đánh giá tốt, được khen ngợi và được giao nhiều trọng trách lớn, mẹ tôi đã khóc. Bà bảo với tôi: “Con đi tù là cái dở mà cũng có khi là cái may. Vì bây giờ mẹ mới biết con đã thực sự trưởng thành. Nhà tù đã dạy con thành người. Nếu cứ để con ở ngoài, mẹ không biết đời con sẽ ra sao”. Ngày tôi thông báo được giảm án từ chung thân xuống 20 năm, nói chuyện với mẹ mà cả hai mẹ con đều bật khóc, vì như vậy có nghĩa là tôi đã có ngày trở về, có cơ hội để làm lại từ đầu.

Nhờ những năm tháng sống trong nhà tù, tôi đã biết trân trọng những gì mình có. Bây giờ ở trong tù, tôi lại say mê học tâp, học từ tiếng Anh đến học các loại sách về quản trị kinh doanh. Tôi đã làm khổ gia đình nhiều. Sau những chuyện đã trải qua, tôi chỉ mong muốn được trở về, sống bên cạnh bố mẹ để làm một đứa con có hiếu. Tôi sẽ học hành tử tế, trau dồi kiến thức để tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Tôi sẽ dành tất cả nhữig năm tháng còn lại để chuộc lại lỗi lầm với bố mẹ tôi.