Hàng nghìn nhân sự mới sẽ có trách nhiệm chuyên đi bắt chó, mèo thả rông, mắc bệnh hoặc nghi dại.
Cấp số đăng ký cho… chó, mèo
Ngày 14/11, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký quyết định số 2891/QĐ-BNN-TY về việc phê duyệt kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012. Theo văn bản đính kèm quyết định này thì UBND cấp xã và chủ nuôi chó phải thực hiện nhiều quy định mới. Cụ thể, UBND cấp xã phải lập sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ nuôi chó trên địa bàn xã. Chi cục Thú y và Trạm Thú y phải có sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ nuôi chó trên địa bàn tỉnh, huyện. Thú y cấp xã và cấp trưởng thôn, ấp, khóm có trách nhiệm thống kê số lượng chó, mèo và số hộ nuôi chó, mèo để quản lý. Chủ vật nuôi phải thực hiện đăng ký cho chó với UBND xã và được cấp số.
Theo lý giải của Bộ NN&PTNT, mục tiêu của việc yêu cầu chủ hộ đăng ký, UBND các cấp cấp số vật nuôi là để nâng cao chất lượng giám sát, nâng cao ý thức của người dân trước tác hại mà chó, mèo thả rông gây ra. Cụ thể, mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng tới là sẽ có 80% đàn chó nuôi được quản lý, được tiêm phòng vaccine. Giảm số ca tử vong do bệnh dại xuống còn 30% so với số tử vong trung bình của năm trước.
Trước quy định mới này, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn ý kiến khi được tham khảo đều tỏ ra đồng thuận với chủ trương và mục đích nêu trên. Tuy nhiên, số người đồng thuận đặt ra hàng loạt câu hỏi về tính khả thi của quy định này.
Anh Bùi Trung Dân (Yên Thủy – Hòa Bình) cho rằng: “Việc yêu cầu đăng ký, cấp số để quản lý là tốt. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký ra sao, có mất phí hay không? Những người không đi đăng ký thì có bị chế tài nào bắt buộc?... Những thông tin này người dân cần được biết rõ bởi lượng chó, mèo trong dân, nhất là vùng nông thôn rất lớn. Tại địa phương chúng tôi, nhà ít có vài con, nhà nhiều có đến cả đàn”.
Về quy định cấp số cho vật nuôi cũng có nhiều ý kiến băn khoăn tương tự. Theo đó, vấn đề này nghe qua thì đơn giản nhưng trên thực tế thì sẽ gặp nhiều điều trái khoáy. Hàng loạt các câu hỏi được người dân đưa ra khi nghe thông tin về quy định này. Chị Phạm Thị Nhung (Bình Giang, Hải Dương) băn khoăn: “Khi cấp số xong người dân thực hiện mua bán, chuyển nhượng, cho tặng thì có phải sang số, đăng ký để cấp lại số? Với tâm lý người dân cùng đối tượng, diện bị điều chỉnh bởi quy định này quá lớn thì liệu quy định này có khả thi?”.
Lập đội bắt chó, mèo thả rông
“Lập các đội chuyên trách bắt giữ chó mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư” – đây là quy định mới mà Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các cấp chỉ đạo thực hiện. Theo quy định này, UBND quận/huyện, xã/phường/thị trấn phải thành lập các đội chuyên nghiệp phụ trách việc bắt giữ chó, mèo thả rông hoặc chó, mèo nghi mắc bệnh dại. Kinh phí hoạt động cho đội chuyên trách này sẽ được địa phương chu cấp. Chó, mèo sau khi bị đội chuyên trách nêu trên bắt thì sẽ được Trạm thú y nuôi nhốt, theo dõi sức khỏe để chờ gia chủ đến nhận. Trong trường hợp gia chủ không nhận thú đã bị bắt tại trạm Thú y thì sẽ bị tiêu hủy sau 72 giờ.
Khi tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương các cấp tại một số địa phương cho thấy tới thời điểm hiện nay, qui định này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Ông Trần Vũ Đại, Phó Chủ tịch UBND phường Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết chưa nhận được thông tin liên quan đến kế hoạch nêu trên của Bộ NN&PTNT. Theo ông Đại, khi có kế hoạch cụ thể phường sẽ triển khai thực hiện. Hàng năm phường đều tổ chức các đợt tiêm phòng. Chó, mèo sau tiêm sẽ được cấp sổ để theo dõi. Về việc cấp số cho chó, mèo, ông Đại cho rằng sẽ không khó để thực hiện.
Tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết đến ngày 27/11 vẫn chưa nhận được thông tin liên quan đến quyết định nêu trên của Bộ NN&PTNT. Ông Thọ cho rằng, quy định đăng ký và cấp số cho chó, mèo sẽ khó thực hiện. Nguyên nhân là do tình trạng giết mổ, mua bán, cho tặng những động vật nêu trên ở địa phương diễn ra phổ biến. Theo thống kê, hiện huyện Hương Sơn có 16.000 con chó, còn số lượng mèo thì không thể quản lý được nên chưa có con số cụ thể.
Ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội cũng đồng quan điểm khi cũng cho rằng sẽ khó thực thi quy định yêu cầu đăng ký, cấp số, thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, có nghi dại. “Địa bàn phường Mai Dịch còn mang nặng tính làng xã, lượng vật nuôi này trong dân rất lớn, kiểm soát rất phức tạp. Về phân loại thì có chó nhà, chó cảnh, chó nuôi làm kinh tế. Việc buôn bán, giết mổ, cho tặng thậm chí là chó… mất tích do bị bắt trộm, bỏ đi hoặc chết khiến việc kiểm soát rất khó”, ông Kiên nói. Về việc lập đội chuyên bắt chó, mèo nghi dại, ông Kiên đặt câu hỏi: “Làm thế nào để biết chó có biểu hiện dại để bắt? Hiện khi phát hiện có chó dại trên địa bàn thì chúng tôi có lực lượng dân phòng truy bắt và phần lớn là đánh chết để trừ hậu họa”.