Một cây sống và một cây chết
Chúng tôi có mặt tại xã Trường Sơn, một xã rẻo cao biên giới, nằm dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, uốn mình theo thượng nguồn của con sông Long Đại. Nơi đây có đến hơn 2/3 là người dân tộc Vân Kiều, chủ yếu sống dựa vào rừng.
Gặp ông Hồ T. dọc đường đi, hỏi về chuyện cây sưa, ông cho biết, chỉ nghe mọi người nói chứ không chứng kiến.
Thông tin mà ông nghe được, là cách đây hơn 1 tháng, có nhóm người ở xã Hiền Ninh chuyên đi săn sưa đã đạp trúng 2 gốc sưa (cây sống, cây chết) trong rừng của xã Trường Sơn. Họ đã bán 2 gốc sưa cho đầu nậu ngay trong rừng với giá 100 tỷ đồng. Cây sống được họ bứng cả gốc, còn cây chết thì được xẻ ra nhiều tấm để đưa đi.
“Người dưới xuôi lên làm chứ không phải người mình đâu. Họ kín lắm, đưa đi mất rồi dân mình mới biết. Nếu mà dân mình biết trước thì giàu to rồi, rào đường lại không cho họ đi thì làm răng mà họ đi được” - ông T nói.
Theo thông tin, lâm tặc đã thực hiện trót lọt phi vụ gỗ sưa từ lâu, nhưng lực lượng chức năng vẫn tăng cường kiểm soát.
Hỏi một chủ quán cà phê ngay trung tâm xã Trường Sơn, lúc đầu chị có vẻ e dè, không muốn nhắc đến vì sợ chúng tôi là công an.
Đến khi vãn khách chủ quán mới tiết lộ câu chuyện về 2 cây sưa mà chị biết: Cách đây hơn 1 tháng, trong một buổi chiều, không hiểu sao có rất nhiều xe ô tô con tập trung về trung tâm xã Trường Sơn và đi trên xe toàn là những người khá bặm trợn, cắt tóc đầu đinh.
Nhiều xe ô tô tạt vào quán chị, những người đi trên xe vẻ mặt rất nghiêm trọng, cứ tụm đầu vào nhau thầm thì to nhỏ.
Đến hơn 12h đêm rồi mà họ vẫn không rời quán, chị nhắc nhở thì họ nói, xin thông cảm, sẽ trả thêm tiền vì họ đang lỡ đợi bạn. Đến gần 2 giờ sáng, họ vội vã lên xe và đi mất.
Sáng ra, mọi người trong xã đến uống cà phê kháo nhau về chuyện 2 cây sưa được lâm tặc đưa về xuôi trong đêm, lúc này chị mới biết những người tối qua ngồi ở quán là đầu nậu từ Đồng Hới lên chờ áp tải sưa về.
Có một người trong xã đến uống cà phê khẳng định với chị: Anh ta vừa gùi thuê một khúc gỗ sưa dạng đe, nặng 1,4 tạ từ trong rừng ra tối qua cho các đầu nậu và anh được trả tiền đủ mua một chiếc xe máy xịn.
Anh này cho biết, họ thuê toàn người dưới xuôi lên gùi sưa vì sợ bị lộ, chỉ duy nhất khúc đe quá nặng nên họ mới nhờ đến anh. Và họ giám sát anh đến khi xe chở gỗ chạy đã mới cho về.
Còn cây sưa sống được đưa ra khỏi rừng bằng cách nào, và vận chuyển về xuôi ra sao thì chị chủ quán không biết. Trong lúc đó các đầu nậu rỉ tai nhau, cho rằng cây sưa sống được bứng nguyên cây, đưa ra Bắc bán và được tính bằng đô la Mỹ.
Đã tìm thấy dấu vết của sưa
Lãnh đạo đồn biên phòng 597 - Làng Mô, xã Trường Sơn cho biết: Sau khi nghe tin đồn về chuyện lâm tặc đốn hạ sưa trên địa bàn, một tổ liên ngành gồm đồn biên phòng, trạm kiểm lâm Trường Sơn, ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại đã đi kiểm tra.
Để vào đến hiện trường, tổ phải đi bộ mất 4 giờ đồng hồ. Tại đây, tổ công tác ghi nhận, một hố có đường kính rộng chừng 1,4m, trên rãnh núi đá vôi, nằm ở bình độ 600m so với mặt nước biển. Xung quanh cái hố, có một ít vai vỏ và mạt cưa còn sót lại.
Trong lúc đó, ông Đinh Phú Bình, Trưởng trạm kiểm lâm Trường Sơn cho rằng, đoàn chỉ phát hiện cái hố mà không hề có vai vỏ hay mạt cưa sót lại nên không thể nói đó là sưa, và không biết lâm tặc đã đào và đưa cây gì đi.
Khu vực này người dân địa phương gọi là hang Tu - Lồ Ô, thuộc vùng đệm của rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại.
Mặc dù chưa xác định là cái hố của cây gì, nhưng trước thông tin của người dân, các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn đã tăng cường tuần tra, kiểm soát.
Đến thời điểm này, vẫn chưa phát hiện một mẩu gỗ sưa nào. Riêng đồn biên phòng đã xử lý hơn 21 vụ, 91 đối tượng từ dưới xuôi lên thâm nhập trái phép khu vực biên giới, phạt gần 30 triệu đồng.
Tin từ Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho hay, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Quảng Bình, dưới sự chỉ huy của lãnh đạo vườn đã trở ra sau 4 ngày tiến quân vào rừng. Kết quả thu được: 1 roi điện, 1 bình xịt hơi cay, phá hủy 35 lán trại và đẩy đuổi 45 người ra khỏi khu vực rừng mà đoàn đi qua.
Việc đoàn công tác liên ngành của tỉnh kết thúc chuyến đi sớm hơn 3 ngày so với kế hoạch, trong lúc tình hình ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn rất nóng và không thu được một mẩu gỗ sưa nào đang là vấn đề quan tâm của dư luận, nhưng vẫn chưa được giải thích từ những người có trách nhiệm.