Cách đây 30 năm, cũng cơn bão với tên gọi số 10 đã đổ bộ vào Quảng Bình gây thiệt hại nặng nề. Trong trí nhớ của ông Nguyễn Phúc Hành, ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, sau cơn bão cả làng Cồn Nâm của ông chỉ còn lại lác đác vài ngôi nhà xiêu vẹo.
Cơn bão số 10 lần này cũng vậy, gió quật tứ phía. May mắn hơn ngày đó, nhà cửa người dân kiên cố hơn, không phải rời nhà níu cỏ để giữ mạng sống, nhưng 100% nhà trong làng Cồn Nâm bị tốc mái, cây cối gãy đổ, tan hoang không kém.
Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, cơn bão số 10 đổ bộ trực tiếp vào đây, gió giật cấp 14, gây thiệt hại cho địa phương hơn 3 nghìn tỉ đồng. Hơn 90% nhà dân bị tốc mái, nhà sập chưa thể thống kê chính xác. Nặng nhất là cơ sở hạ tầng viễn thông, lưới điện, trường học, trạm xá, đặc biệt có hơn 50 tàu đánh cá bị sóng đánh vỡ và chìm khi đang neo đậu tránh bão, riêng xã Cảnh Dương có đến 39 tàu. Có 4 người chết và mất tích, hàng chục người khác bị thương nặng trong bão.
Thống kê bước đầu của huyện Quảng Ninh cho thấy, có đến 80% nhà dân bị tốc mái, 20 nhà dân bị sập hoàn toàn, thiệt hại gần 500 tỷ đồng. Anh Trương Văn Thắng, bị sập nhà trong bão ở thị trấn Quán Hàu kể lại: Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng anh làm cách đây 5 năm cũng được xem là khá kiên cố, nhưng khi bão vào, nhà rung lên bần bật, cửa sổ và cửa chính lần lượt bị bung, gió thốc thẳng vào nhà.
“Hai vợ chồng tui ôm đứa con nhỏ ngồi co ro ở góc nhà, thấy mái nhà nâng lên dập xuống mấy lần, rồi gió nâng bổng cả mái nhà bay đâu mất. Không biết trốn ở đâu, vợ chồng tui ôm con chạy vào nhà vệ sinh trốn, được một lúc nghe đánh rầm một tiếng, cả 4 bức tường còn lại của ngôi nhà cũng đổ sập hoàn toàn, cùng lúc đó mái của nhà vệ sinh cũng bay mất. Hoảng quá, tui liều mạng ôm con, cùng vợ chạy qua nhà hàng xóm xin trú nhờ. Trên đường chạy, ngói, tôn của những nhà bên cạnh bị bung ra bay vèo vèo xẹt qua người. Sự sống sót của gia đình tui đúng là như một giấc mơ” - anh Thắng nói.
Trong khi đó, tại TP Đồng Hới, ngoài thiệt hại nặng về nhà cửa, cây xanh ven biển và trên các tuyến phố thì việc sập tháp thu phát sóng cao 140m, nặng hàng trăm tấn của VOV trên địa bàn đè chết hai nhân viên là anh Nguyễn Chí Thành, Lê Thanh Nghị và anh Trần Công Thắng bị thương nặng. Hơn 30 chiến sỹ công binh đã phải đào nền bê tông hơn 6 giờ đồng hồ mới đưa hai xác nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Được biết, tháp thu phát sóng này được VOV đưa vào sử dụng năm 2013, vốn đầu tư 13 tỷ đồng.
Cho đến nay, toàn bộ học sinh ở Quảng Bình đang nghỉ học và chưa biết lúc nào mới được tựu trường trở lại.
Cơn bão đi qua, cơ sở hạ tầng viễn thông, điện lưới, giao thông bị tàn phá, Quảng Bình xem như bị tê liệt hoàn toàn. Cây cối, cột điện đổ ngổn ngang chắn hết các tuyến đường. Trước sự hỗ trợ của các bộ ngành trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, một ngày, một đêm sau bão Quảng Bình cũng chỉ mới thông được một nửa làn trên tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến còn lại như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A và tỉnh lộ vẫn bị ách tắc cục bộ.
Mặc dù đã rất cố gắng, cùng với sự hỗ trợ nhân lực từ các đơn vị bạn nhưng điện lực Quảng Bình vẫn không thể thực hiện mục tiêu đóng điện trở lại 1 ngày sau bão nhằm phục vụ các đơn vị trọng yếu như bệnh viện, cơ quan đầu não của tỉnh. Cơn bão đã quật ngã hàng ngàn cột điện cao, trung, hạ thế. Theo điện lực Quảng Bình, họ chỉ mới nhận được duy nhất báo cáo từ huyện Lệ Thủy, thì ở đây đã có hơn 1.200 cột điện bị gãy đổ.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Bình chiều ngày 1/10: Toàn tỉnh có 5 người chết, 140 người bị thương, 2 người mất tích; 345 ngôi nhà bị sập đổ, 156.517 nhà bị tốc mái, gần 4.000 ngôi nhà bị ngập, 460 trường học và 98 công trình phúc lợi, trạm y tế bị tốc mái; 113 tàu thuyền bị hư hỏng và bị chìm; Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ gần 4,6 nghìn tỷ đồng.