Chi tiết rợn người này được công bố hôm 22/12, khi các thành viên Hội đồng bảo an LHQ lần đầu tiên đặt vấn đề ngược đãi nhân quyền ở Triều Tiên vào chương trình làm việc.
Trước đó hồi tháng 2, báo cáo 372 trang của ủy ban điều tra thuộc LHQ về sự ngược đãi nhân quyền đã được công bố, nêu “những hành vi dã man không thể nói nên lời”.
Trong đó, ủy ban điều tra mô tả những vụ buộc phá thai, bỏ đói hàng loạt tù nhân và cưỡng hiếp tù nhân.
Tại buổi họp HĐBA LHQ, nữ đại sứ Mỹ Samantha Power dẫn thêm những điều khủng khiếp, do những người Triều Tiên vượt biên từng trốn khỏi các trại tù Triều Tiên kể lại.
Bình Nhưỡng bác bỏ những câu chuyện này là “hư cấu”.
Theo Reuters dẫn lời bà Power: “Ahn Myong Chul là một cựu quản ngục ở nhà tù số 22, kể các quản ngục thường hiếp dâm các tù nhân.
Ahn kể trong một trường hợp, một nạn nhân có thai và sinh con, quản ngục Triều Tiên luộc con của nữ tù nhân rồi ném cho chó ăn”.
Báo cáo nêu sự việc này còn cho biết thêm: các quản ngục cấp cao có thể cưỡng bức đối với nữ tù nhân, nhưng tránh không để họ có thai. Người nào có thai thường bị bắt lao động nặng hoặc bị xử bắn bí mật.
Ahn còn kể một lần khác, một quản ngục “ngồi trên ghế, dùng lưỡi câu nối với miếng mỡ heo để buộc một nữ tù nhân phải bò như chó và nhào tới miếng mỡ”.
Bà Power còn trình với HĐBA về tù nhân Kim Young-soon, người kể rằng bà cùng các tù nhân khác rất đói, nên họ phải bới hạt ngô trong phân bò để ăn.
Báo cáo ước tính có khoảng 80.000 đến 120.000 tù chính trị đang bị giam nhốt trong 4 nhà tù lớn, nơi mà sự bỏ đói là một cách kiểm soát.
Danh sách tội ác trong báo cáo được so sánh với những hành vi dã man thời phát xít Đức, gồm “tiêu diệt, giết, buộc làm nô lệ, tra tấn, bỏ tù, cưỡng hiếp, buộc phá thai cùng các hành vi bạo lực, đàn áp, cưỡng chế và làm mất tích nhiều người, cùng cách hành vi phi nhân tính là cố tình kéo dài sự đói”.
Triều Tiên giận dữ từ chối tham dự cuộc họp này của HĐBA, nói với AP, rằng họ “hoàn toàn bác bỏ” nỗ lực đem vấn đề ngược đãi nhân quyền ra HĐBA.
Trước đây, Bình Nhưỡng gọi những người trốn khỏi Triều Tiên và giúp đoàn điều tra là “bọn rác rưởi”.
Các thành viên HĐBA lên án sự ngược đãi nhân quyền ở Triều Tiên, gọi cuộc sống ở nước này là “cơn ác mộng sống”.
HĐBA đặt vấn đề này ra bàn, sau khi bỏ phiếu bác sự phản đối của Trung Quốc, và nêu những vụ ngược đãi nhân quyền nghiêm trọng.
Bà Power nói: “Hôm nay, chúng ta phá vỡ sự im lặng của HĐBA. Chúng ta bắt đầu soi rọi ánh sáng và những gì được công bố đều khủng khiếp”.
Nói về báo cáo LHQ được công bố hồi tháng 2, bà Power nói các tội chống lại loài người được thực hiện “nhằm theo đuổi các chủ trương do cấp lãnh đạo cao nhất Triều Tiên phê duyệt”.
Bà nói: “Sự vi phạm nhân quyền này rất nghiêm trọng, có hệ thống và tràn lan”.
Nữ đại sứ Sylvie Lucas của công quốc Luxembourg nói: “Tôi không thể kể ra những hành vi dã man, vì sẽ làm tất cả chúng ta phải nôn mửa”.
Trung Quốc và Nga có quyền phủ quyết vì là thành viên thường trực HĐBA, đã ráng chặn nỗ lực lên án Bình Nhưỡng về vấn đề ngược đãi nhân quyền.
Đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi nói: “HĐBA phải ngưng làm bất cứ điều gì có thể làm tăng thêm căng thẳng”
Báo cáo của ủy ban điều tra LHQ và Đại hội đồng LHQ kêu gọi 15 nước thành viên HĐBA đưa vấn đề Triều Tiên ngược đãi nhân quyền ra Tòa án hình sự quốc tế.
Các nước thành viên thường trực HĐBA là Mỹ, Pháp, Anh nói họ sẽ xem xét kêu gọi này. Nhưng HĐBA không có quyết định nào hôm 22/12.
Hồi tháng 11, Triều Tiên cảnh cáo sẽ thử hạt nhân, sau khi ủy ban nhân quyền LHQ bỏ phiếu quyết đưa vấn đề này ra HĐBA, nơi có quyền thi hành các hành động liên quan hòa bình và an ninh quốc tế.