Quản lý chất lượng xăng dầu: Thả nổi hay nửa vời?

Đã xuất hiện nhiều nghi vấn các vụ cháy ôtô, xe máy gần đây liên quan đến chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, dễ thấy tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác trên cả nước, các điểm bán xăng tự phát vẫn đang đứng ngoài vòng kiểm soát của cơ quan quản lý.

Thả nổi

Qua khảo sát, phần lớn những khách hàng đã mua xăng tại những điểm bán hàng tự phát này đều khẳng định xăng bán không đủ số lượng và chất lượng cũng kém. Chị Hải Lý trú tại Thái Nguyên cho biết trong lần đi công tác, do không để ý kiểm tra xăng bị hết giữa đường phải đổ xăng tại một điểm tự phát, nhưng khi đổ xong 1 lít bị đòi 30.000đ. Sau lần đổ xăng dọc đường đó xe của chị thường xuyên bị chết máy và rất khó khởi động, khi mang đi sửa được thợ cho biết mua phải xăng pha, phải xúc lại chế hoà khí. Từ đó chị “cạch đến già” việc đổ xăng dọc đường.

Ngoài ra, hiện nay tại một số tỉnh vẫn đang thịnh hành một loại cây xăng mini được các “chuyên gia” chế từ bình gas và khung sắt, cần bơm tay và bình chứa đều bằng những vật liệu tiết kiệm, chỉ có tên cơ sở sản xuất nhưng không có địa chỉ và điện thoại liên hệ. Những cây xăng loại này đang rất thịnh hành tại các vùng quê vì nơi đây lượng phương tiện ít, các DN không đầu tư xây dựng cây xăng tiêu chuẩn và chính những “cây xăng” dạng này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Theo một người bán hàng tại Cao Phong - Hòa Bình để có một “cây xăng” mini chỉ cần đầu tư 1 triệu đồng là đủ bộ. Được biết, những “cây xăng” mini trên chưa được cơ quan đo lường cấp phép và kiểm định độ chính xác, người bán và người mua chỉ căn cứ các vạch ghi sẵn tính số lượng và tính tiền.

Chỉ cần 1 chai nhỏ đặt vệ đường là đã có thể trở thành "cửa hàng" bán xăng. Ảnh: Đặng Tiến

Cần kiểm định methanol

Theo ông Trịnh Minh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL TPHCM, các đợt kiểm tra kiểm định xăng dầu thời gian qua nhằm đánh giá chung về chất lượng, nhưng chưa có đưa chỉ tiêu chất methanol vào kiểm định. Tuy nhiên, trước dư luận và thực tế kiểm tra một số mẫu xăng ở Hà Nội và TPHCM có chất methanol vượt tiêu chuẩn cho phép bị nghi ngờ có thể là nguyên nhân gây ra cháy nổ ôtô và xe gắn máy trong thời gian qua, Chi cục TCĐLCL sẽ đưa chỉ tiêu methanol lồng ghép vào công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng xăng dầu trong thời gian tới.

Trước đó, trong các cuộc họp xử lý về 11 trường hợp cây xăng bán xăng kém chất lượng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cũng đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tại TPHCM phải đẩy mạnh kiểm tra chất lượng xăng dầu trên địa bàn. Trong bối cảnh cháy xe ôtô và xe gắn máy gia tăng, tiến sĩ Huỳnh Quyền - GĐ Trung tâm Công nghệ lọc hóa dầu ĐH Bách khoa TPHCM - cho biết, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho trung tâm nghiên cứu nguyên nhân có thể gây ra cháy nổ từ nhiên liệu. Theo tiến sĩ Quyền, từ đầu tuần tới trung tâm của ông sẽ bắt đầu nghiên cứu và kế hoạch trong vòng một tuần phải có kết luận.

Cũng theo tiến sĩ Quyền, chất methanol vượt tiêu chuẩn cho phép trong xăng bán trên thị trường có thể đi qua hai con đường. Thứ nhất, xăng sinh học E5 trong quá trình pha chế có kèm theo chất methanol, tuy nhiên vì methanol khó chiết tách nên có thể việc này không được thực hiện nên dẫn đến hàm lượng cao (tiêu chuẩn hiện hành quy định hàm lượng methanol trong xăng sinh học không vượt quá 3%). Thứ hai, trong quá trình phân phối, bán lẻ một số đối tượng pha methanol vào xăng nhằm đẩy chỉ số octan lên cao (chỉ số octan của methanol trên 120) để trục lợi bất chính.