Trong cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Garmin cho biết, tương tự chiếc BRP Gregorio del Pilar, tàu tuần duyên Dallas thuộc lớp Hamilton sẽ bị gỡ bỏ gần như toàn bộ hệ thống vũ khí trên tàu trước khi được chuyển sang Philippines.
Trước đó, năm 2011 khi được chuyển giao cho phía Philippines, chiếc BRP Greogorio del Pilar cũng bị gỡ bỏ hệ thống vũ khí phòng không và chỉ để lại pháo hạm Oto Melara 76mm.
Nguyên bản trang bị vũ khí của tàu lớp Hamilton gồm: 1 pháo hạm 76mm, 2 pháo phòng không 25mm Mk38 và tổ hợp pháo phòng không Phalanx.
Tàu tuần duyên Dallas (716) chuẩn bị chuyển giao cho Hải quân Philippines.
Đối với trường hợp tàu Dallas, các quan chức Bộ Quốc phòng Philippines kiên trì yêu cầu Mỹ giữ lại tính năng chính (vũ khí, radar cảnh giới trên không và hệ thống điều khiển hỏa lực). Nhưng theo Phó Đô đốc Alexander Pama, yêu cầu này đã bị phía Mỹ “từ chối khéo”.
Theo kế hoạch, ngày 24/5, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines tướng Jessie Dellosa và Chuẩn Đô đốc Jose Luis Alano sẽ tham gia buổi tiếp nhận tàu Dalas ở North Chrleston (Nam Carolina, Mỹ).
Tàu tuần duyên Dallas sau khi chuyển giao cho Philippines được đặt tên là BRP Ramon Alcazar – tên một vị thuyền trưởng tàu phóng lôi trong Thế chiến thứ II.
Theo người phát ngôn Quân đội Philippines Arnulfo Burgos Jr, Ramon Alcazar sẽ đảm nhiệm vai trò “ngăn chặn hoạt động có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của chúng ta như việc săn bắt đánh cá trộm, hải tặc và buôn bán ma túy”.
“Đường biên giới trên biển của chúng tôi có nhiều lỗ hổng vì vậy chúng tôi bảo vệ chặt chẽ và với việc tiếp nhận Ramon Alcazar sẽ tăng khả năng phòng vệ đáng kể của lực lượng vũ trang Philippines”, ông Burgos cho biết thêm.
BRP Ramon Alcazar thuộc lớp tàu Hamilton có lượng giãn nước 3.250 tấn, dài 115m, trang bị hai động cơ diesel và 2 động cơ tuốc bin khí cho phép đạt tốc độ 54km/h, tầm hoạt động hơn 22.000km, thủy thủ đoàn khoảng 180 người.