Kết cục, những kẻ ngang tàng, coi thường pháp luật đều phải trả giá đắt sau song sắt. Giờ đây, ngồi ngẫm lại những "chiến tích" thời "nông nổi", Nguyễn Xuân Hòa càng cảm thấy thấm thía giá trị của sự tự do và khao khát được trở thành người lương thiện.
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Chúng tôi gặp phạm nhân Nguyễn Xuân Hòa (SN 1985, quê ở TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tại trại giam Quyết Tiến (Tổng cục VIII, bộ Công an) khi anh ta đang phải thụ án 19 năm tù về các tội: "Giết người"; "Tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép"; "Cố ý gây thương tích". Ngồi đối diện với chúng tôi, Hòa tỏ ra khá điềm tĩnh, kể lại rạch ròi những tội lỗi trước đây mình từng gây ra.
Theo lời của Hòa, anh ta vốn sinh ra trong một gia đình rất cơ bản, bố mẹ đều là công chức đã nghỉ hưu. Ngay từ nhỏ, Hòa được bố mẹ hết mực chiều chuộng, tạo mọi điều kiện để cho con được bằng bạn bằng bè. Từ một cậu bé học giỏi, dần dần Hòa đâm ra mải chơi, lười học. Rồi đến năm lớp 11, cậu ta thấy đám bạn có xe máy mới, liền đòi bố mẹ cho đổi xe nhưng không được đáp ứng nên giận dỗi gia đình, rồi bỏ học luôn.
Dần dần, cậu ta trốn gia đình đi dạt và sau đó là xin ở hẳn nhà một tay anh chị có mặt ở xứ Thanh, để dễ bề phục vụ đại ca. "Thủ lĩnh" của Hòa không ai khác mà chính là Lê Khắc Cường (SN 1982, trú tại phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa). Đại ca này còn có biệt danh là Cường "trưởng", ông chủ vũ trường Vùng Trời Xanh, cầm đầu khoảng 30 tên đàn em là những kẻ có tiền án tiền sự đầy mình.
Vào những năm 2006 - 2008, trong giới giang hồ ở xứ Thanh, cái tên Cường "trưởng" nổi lên nhanh chóng. Băng nhóm của Cường "trưởng" luôn giành thế thượng phong, với những trận thư hùng, huyết chiến kinh hoàng, từng gây chấn động dư luận xứ Thanh.
Hòa kể, ngoài việc phục tùng những mệnh lệnh do đại ca Cường chỉ đạo như tham gia thanh trừng các băng nhóm khác, hoặc đi đòi nợ thuê thì Hòa còn học thêm nghề DJ để phục vụ cho vũ trường của Cường. Theo lời của Hòa, đám "chiến hữu" trong băng nhóm còn gọi hắn là Hòa "thân".
Hắn bảo rằng: "Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2007 đến tháng 6/2008, băng nhóm của chúng tôi liên tiếp gây ra 4 vụ án trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Hậu quả của những trận chiến đó đã làm một người chết và 8 người bị thương. Phải nói rằng vào thời điểm đó, chúng tôi là băng nhóm đi đầu trong việc sử dụng các loại súng quân dụng ở khu vực Thanh Hóa. Các băng nhóm khác chỉ cần nghe đến tên anh Cường "trưởng" là phải kính nể vài phần!".
Với nhiều người dân thành phố Thanh Hóa, có lẽ vẫn không thể quên được cảnh tượng kinh hoàng xảy ra vào đêm 30/6/2008. Khi đó, họ phải chứng kiến cảnh một nhóm côn đồ gồm 4 tên đi xe phân khối lớn, bịt mặt, dùng súng quân dụng rượt đuổi, bắn nhau dài trên cả chục tuyến phố. Bỏ lại phía sau tiếng nổ chát chúa, tiếng hò hét và động cơ rền rĩ là một người chết cùng bốn người bị thương, bên cạnh vỏ chai vỡ, dao kiếm còn vương lại khắp nơi...
Nhắc lại vụ án này, Hòa biện hộ: "Chẳng qua chúng tôi bị đối thủ nghênh chiến, chèn ép quá nên không thể kìm chế được, phải đứng lên. Tôi biết, những việc làm của mình sẽ có hậu quả như thế nào nhưng vì tình cảm anh em sống chết có nhau, nếu có cơ hội hi sinh vì anh Cường tôi cũng sẵn sàng. Đó là danh dự của anh em trong giới giang hồ với nhau!".
Bằng chất giọng lạnh lùng, Hòa kể, tối 30/6/2008, Lê Khắc Cường đang đưa bạn gái đi dạo phố thì gặp nhóm côn đồ khác do Nguyễn Duy Chiến, Bùi Cao Cường cầm đầu. Sẵn có mâu thuẫn từ trước nên khi thấy Cường "trưởng" độc cô nên nhóm của Chiến hò nhau rượt đuổi hạ sát Cường. Luồn chạy trên cả chục tuyến phố dài, Cường mới tháo thân thoát khỏi sự truy đuổi. Về tới nhà, Cường liền gọi ba đệ tử thân tín bàn chuyện trả thù, trong đó có Hòa.
Cả bọn đồng ý kế hoạch dùng súng K54 và súng AK để trả thù. "Tôi có nhiệm vụ đi tháo biển số xe và chuẩn bị khẩu trang cho mọi người che mặt. Sau đó bốn người chúng tôi đi thong dong trên phố tìm ở những nơi nhóm của Chiến hay qua lại.
Lúc đó là khoảng 11h đêm. tới phố Lê Hoàn thì đụng phải nhóm của Chiến, thấy chúng tôi có bốn người, nhóm của Chiến tưởng ngon xơi nên đã lao tới Khi cách khoảng 6 - 7m thì anh Cường bất ngờ đứng nhổm dậy bắn liền hai phát đạn, còn các "chiến hữu" cầm AK cũng khạc đạn liên tiếp. Chiến bị thương vào chân nên hô hào đồng bọn nháo nhác tìm đường thoát thân.
Một lát sau, nhóm của Chiến có đàn em đến ứng cứu. Cũng đêm đó, chúng tôi còn đụng trán với một băng nhóm khác cũng đang muốn xưng bá ở đất Thanh Hóa. Kết thúc cuộc đọ máu, đã có một người chết tại chỗ và vài người khác bị thương, nằm quằn quại trên đường".
Phút ân hận muộn màng
Giờ đây, ngồi sau song sắt, Hòa mới thấy thấm thía cái giá của sự tự do. Hắn bảo rằng: "Sau hơn 4 năm thụ án tại trại giam, tôi mới nhận ra rằng, ngày đó mình quá nông nổi, ngang tàng. Cứ nghĩ đánh nhau là oai hùng, là thể hiện được đẳng cấp. Nhưng mọi chuyện đâu phải thế, mất nhiều hơn là được. Các chiến hữu của mình giờ đây cũng đều ngồi bóc lịch sau song sắt hết cả rồi. Không biết, họ có ngộ được ra sai lầm đó hay không?".
Ngừng một lát, Hòa nói tiếp: "Mỗi lần nghĩ về hoàn cảnh bố mẹ già nghỉ hưu mà mỗi năm vẫn phải hai lần lặn lội từ quê nhà lên trại giam Quyết Tiến để thăm con, lòng tôi lại thấy đau thắt. Đúng là bố mẹ tôi suốt đời chỉ khổ vì con, chưa ngày nào được con báo đáp công ơn sinh thành thì lại phải vào nhà lao thăm con. Tôi biết tôi đã tự tay đánh mất rất nhiều thứ và khi mất rồi mới thấy được giá trị của nó".