- Bước ra từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, các em nhỏ trong "Giọng hát Việt nhí" ngay lập tức "chạy sô" và dính vào lùm xùm quanh chuyện "hét giá" cát-xê. Là một người hoạt động lâu năm trong ngành giải trí, ông có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Tuổi của các cháu như Phương Mỹ Chi hay Quang Anh chưa phải là tuổi nên đi vào ca hát chuyên nghiệp. Tuổi thơ của các bé nên dành cho việc học tập, bởi nếu không chú trọng học tập mà đi theo con đường trải ra trước mắt thì tương lai các cháu sẽ trở thành những ca sĩ thiếu nền kiến thức về văn hóa. Mà trong nền tảng của con người ở bất kỳ ngành nghề nào đều cần nền tảng về văn hóa, đây là điều không thể thiếu trong việc tạo nên nhân cách của mỗi người.
Từ khi mở ra chuyện về các ông bầu, hay các quản lý cho các tài năng âm nhạc nhỏ tuổi thì mới có việc đồng tiền trở nên "nặng ký" và "lên ngôi" quanh các em nhỏ. Nhiều người phải không khỏi ái ngại và xót xa khi bé mới nổi tiếng, mới có tiền cát-xê đã nói rằng muốn kiếm tiền để mua nhà cho ba mẹ. Cháu ước mơ đúng nhưng tuổi của các cháu nên dành cho việc học vì trước mắt cháu còn một con đường dài. Ví như bé Mỹ Chi có thể hát dân ca, bé Quang Anh có thể hát nhiều thể loại nhưng cuộc sống còn có nhiều kiến thức về âm nhạc chứ không chỉ có giọng hát.
Người ca sĩ bây giờ còn phải học về vũ đạo, về nhạc cụ, về giải phóng cơ thể, về lịch sử âm nhạc… Chỉ có hát không thôi thì không thể thành ca sĩ. Ở Việt Nam những sân chơi tạo ra giá trị ảo và chỉ có một giai đoạn nhất thời không thể đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của ca sĩ. Ngay các nhà tổ chức, các bầu, có thể dành nhau nâng giá cát-xê, lợi dụng lúc các em đang hot, đang nổi tiếng để lăng xê các em nhưng khi đưa vào mục đích thương mại xong, diễn xong và các em "nguội" hơn rồi thì họ không gọi nữa. Có nhà bầu nào ký suốt đời đâu, lúc đó sẽ tạo cho các em giá trị ảo và hẫng.
- Nhưng thưa ông, có người cho rằng cần phải biết tận dụng cơ hội khi tên tuổi của các em đang được khán giả quan tâm?
- Cũng có một số phụ huynh trước đây đưa con em mình trở thành tiếng hát thần đồng nhưng không chú ý rèn luyện về văn hóa. Hậu quả là đến khi em hết tuổi thần đồng thành một chàng thanh niên hay thiếu nữ, thì các em cũng chỉ bình thường như bao người mà thôi. Lúc đó có chạy theo bồi đắp văn hóa cũng quá muộn. Cũng có xảy ra những trường hợp một số cô diễn viên, người mẫu, hot girl chỉ mới có chút ít khả năng nhưng đã bỏ bê chuyện học hành, nên có lỗ hổng lớn về tri thức và văn hóa. Hậu quả nhãn tiền là xử sự trong cuộc sống kém văn hóa, trong đối nhân xử thế hay bị hụt hẫng. Điều đó cho thấy văn hóa vẫn là sự quyết định. Nếu tôi là phụ huynh có con em có tài năng thì dù gia đình có nghèo, có khổ đến mấy tôi sẽ vẫn lo cho các cháu đi học đầy đủ để phát triển con thành người.
Xuân Mai hay Xuân Nghi vốn đều là các em nhỏ có tài năng và được coi là "thần đồng" âm nhạc. Các em cũng vẫn đi học và phụ huynh không quá nặng việc các em phải kiếm tiền, nhưng càng lớn tài năng của các em càng bị rơi rụng. Xuân Mai bây giờ khi đã qua tuổi thiếu nữ cũng chỉ sàn sàn như các ca sĩ trẻ thôi, chứ không phải nổi tiếng hồi thiếu nhi thì lớn lên cũng nổi tiếng. Điều đó cho thấy có thể tài năng của các em chỉ có ở một gian đoạn nào đó. Người ca sĩ còn có cái vận, cái thời, không phải đã nổi rồi thì cứ nổi mãi, nếu không rèn luyện, không phấn đấu, không giữ được hình ảnh đẹp trong công chúng thì nghệ sĩ cũng mất đi. Dễ thấy là có nhiều người tự nhận là ngôi sao này, ngôi sao nọ nhưng cũng chỉ được một thời gian còn sau đó cũng lặn đâu mất tăm. Nghệ sĩ phải có văn hóa và nền tảng nghề nghiệp vững chắc.
Nhạc sĩ Thế Hiển.
- Theo ông, Phương Mỹ Chi có thể phát triển sự nghiệp lâu dài không?
- Phương Mỹ Chi mới chỉ có một bản năng hát về dân ca thôi, vẫn cần đặt vấn đề về nền tảng văn hóa của cháu sau này. Nếu gia đình sắp xếp được và vẫn chú trọng về văn hóa, thỉnh thoảng tham gia âm nhạc với tính chất là cuộc vui, không phải là chuyên nghiệp, hạn chế vấn đề biểu diễn kiếm tiền thì sẽ tốt hơn với sự phát triển của cháu bởi văn hóa vốn là nền tảng của người nghệ sĩ trong tương lai. Tôi muốn nhấn mạnh một điều: Tuổi của cháu chưa phải là tuổi phải đi kiếm tiền. Dù hoàn cảnh gia đình cháu nghèo nhưng học vấn và sự vững vàng về văn hóa sẽ giúp cháu làm những điều tốt hơn sau này.
- Vậy làm thế nào để các em có thể bồi dưỡng văn hóa và phát huy khả năng ca hát một cách tốt nhất, thưa ông?
- Theo tôi, vẫn học văn hóa là chính, tham gia ca nhạc là phụ và không lấy việc kiếm tiền làm "gánh nặng" trên đôi vai nhỏ bé của các em, không đẩy các em vào vòng xoáy của sự nổi tiếng, bởi như thế chính là hại các em.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã nói, đừng khoác cho các em một cái áo quá rộng trong lúc chọn bài hát thì bây giờ tôi cho rằng cũng đừng khoác cho các em sự hào nhoáng, rồi để các em thiếu đi phần cốt lõi là kiến thức, là văn hóa đối nhân xử thế trong cuộc sống.
Văn hóa mới là cái giúp các em phát triển lâu dài và toàn diện hơn. Các em có thể tham gia vào sân chơi của các nhà văn hóa thiếu nhi quận, huyện, thành phố nơi các em sinh sống. Nếu gia đình có điều kiện, cha mẹ có thể xin cho các em vào các trường đào tạo về âm nhạc, ở nơi đó các em có thể vừa học văn hóa vừa học nghệ thuật. Đó là cách định hướng tốt nhất cho các em, nếu có tham gia đi hát thì tham gia vào dịp hè, ngày lễ và việc học văn hóa là quan trọng nhất.