Mất mạng vì một cú đánh
21h30 ngày 2/8/2006, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam tiếp nhận một ca cấp cứu. Nạn nhân là nam giới, đang lâm vào tình trạng hôn mê sâu, không có phản ứng gì với các thử nghiệm sinh học của kíp bác sĩ trực.
Dù được cấp cứu tận tình, thế nhưng bệnh nhân trên đã không qua khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ phát hiện một vết thương có chiều dài khoảng 3cm ở vùng đỉnh đầu của nạn nhân.
9h sáng ngày 3/8, vụ việc được thông báo cho cơ quan điều tra. Tiến hành khám nghiệm tử thi, trên thân thể nạn nhân không có thương tích nghiêm trọng ngoài vài vết xước xát trong quá trình được đưa đi cấp cứu, chỉ đến khi khám nghiệm vết thương ở vùng đỉnh đầu, các điều tra viên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45, Công an tỉnh Hà Nam) mới tìm ra được nguyên nhân cái chết.
Nạn nhân được tìm thấy dưới gầm xe nhưng đó không phải hiện trường.
Đó là vết thương dài khoảng 3cm nhưng lại khiến nạn nhân xuất huyết não trên diện rộng. Công tác khám nghiệm tử thi khẳng định chính vết thương này đã “đẩy” nạn nhân vào tình trạng hôn mê sâu và cái chết chóng vánh sau đó.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm, các điều tra viên thống nhất rằng vết thương được gây ra bằng một lực tác động rất lớn, vì thế khó có khả năng nạn nhân “tự thương”, ví dụ như ngã đập đầu chẳng hạn. Đến đây, nghi vấn về khả năng xảy ra án mạng đã được xác lập.
Nạn nhân được xác định là Nguyễn Văn Tiến (SN 1962, ngụ Xuân Lộc, Đồng Nai). Anh Tiến làm nghề phụ xe đường dài, chuyên đi cùng ô tô đầu kéo chở bia từ miền Nam cho một công ty đóng ở địa bàn tỉnh Hà Nam. Người trực tiếp đưa nạn nhân vào cấp cứu tại bệnh viện là Nguyễn Hoàng Phi (SN 1983, ngụ xã Phú Cường, Định Quán, Đồng Nai). Phi là phụ xe thứ hai của chiếc xe chở bia kể trên.
Theo lời khai của nhân chứng này, đêm 2/8, khi lái xe nhờ gọi anh Tiến dậy có việc thì phát hiện nạn nhân đã hôn mê tại võng ngủ. Lay gọi hoài không được, Phi hốt hoảng báo với lái xe và vội vã đưa anh Tiến đi bệnh viện cấp cứu.
Căn cứ lời khai này, các điều tra viên của Đội trọng án khẳng định: “Cái chết của anh Tiến là một vụ án mạng”. Bởi theo các bác sĩ khám nghiệm tử thi, vết thương ở đỉnh đầu là vết thương chí mạng, khiến nạn nhân hôn mê ngay lập tức. Rất khó xảy ra khả năng anh Tiến đã bị chấn thương này nhưng vẫn tự tìm được về võng ngủ của mình rồi mới hôn mê. Như vậy, hiện trường phát hiện nạn nhân là hiện trường giả. Hung thủ đã sát hại nạn nhân ở nơi khác rồi mới đưa về đặt nằm trên võng, nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Ban chuyên án được thành lập với quyết tâm phải phá vụ án trong thời gian nhanh nhất để ổn định dư luận người dân và giới lái xe đường dài đang xôn xao bàn tán. Một mũi trinh sát được cử đi Đồng Nai để điều tra nhân thân của những người liên quan trong vụ án.
Hiện trường không dấu vết
Làm việc với cảnh sát, người lái xe cũng xác nhận những lời khai của Phi về việc phát hiện nạn nhân. Theo đó, khoảng 17h ngày xảy ra vụ án sau khi giao bia cho công ty, lái xe rủ 2 phụ xe đi ăn cơm. Anh Tiến tỏ vẻ mệt mỏi không muốn đi, chỉ có Phi đi cùng. Người lái xe cho biết việc nạn nhân không cùng đi ăn cơm với anh em là chuyện bình thường bởi anh Tiến đã khá lớn tuổi so với hai đồng nghiệp nên tính tình kín đáo hơn.
Trong bữa cơm, một số lái xe khác không thấy anh Tiến nên có hỏi thăm và khuyên “nên mua ít sâm nước để anh ấy uống cho đỡ mệt”. Nghĩ rằng anh Tiến phải di chuyển liên tục nên mất sức, lái xe đã mua vài hộp sâm nước định bụng mang về cho anh Tiến. Ăn uống xong, lái xe ở lại nhà hàng trò chuyện và cho Phi đi về trước. Đến gần 21h, lái xe mới về ô tô để ngủ, sai Phi đi gọi anh Tiến, Phi xuống chỗ võng ngủ, phát hiện nạn nhân đã hôn mê nên vội đưa đi cấp cứu.
Căn cứ lời khai này, có thể thấy thời gian từ 17h đến 21h là một “khoảng trống mênh mông” như lời các điều tra viên nhận định. Trong bốn tiếng đồng hồ ấy, trọng án đã xảy ra mà những người gần gũi nhất với nạn nhân là lái xe và phụ xe tên Phi đều không chứng kiến. Để đến khi phát hiện thì nạn nhân đã không thể nói năng gì được nữa.
Bằng cảm giác nghề nghiệp, các điều tra viên biết rằng họ đang phải đối mặt với một vụ án khó khi mà hiện trường chính cũng như động cơ gây án đều chưa thể xác định.
Mặc cái oi bức hầm hập phải lên từ mặt đường, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm vẫn lom khom chui dưới gầm xe, căng mắt quan sát từng chi tiết nhỏ nhất tại hiện trường. Tại đầu võng của nạn nhân, trinh sát phát hiện một vết nhỏ màu nâu đỏ, nghi là máu. Tiếp đó, quanh khu vực nạn nhân nằm có rất nhiều dấu vân tay.
Nhưng mẫu này đều được gửi đi xét nghiệm nhưng các điều tra viên không đặt nhiều kỳ vọng. Bởi theo lời khai của cả lái xe và phụ xe, khi phát hiện nạn nhân hôn mê, họ đã phải chui ra chui vào nhiều lần thì mới khênh được nạn nhân đi cấp cứu. Ngoài những dấu vết đó, nơi gầm xe không có sự xáo trộn nào để chứng minh ẩu đả đã xảy ra ở đây.
Chưa thấy hiện trường chính, khám nghiệm không dấu vết, không động cơ gây án, có thể nói các điều tra viên Công an tỉnh Hà Nam đang phải đối đầu với một vụ án cực kỳ phức tạp. Làm sao để giải mã án mạng này?
Còn nữa.../.