Vụ kiện hy hữu
Kết hôn được 5 năm, vợ chồng chị Minh (Hà Nội) vẫn không thể có con. Cùng với những mâu thuẫn trong thời gian chung sống, chồng chị đòi ly hôn. Nếu ra tòa, chị sẽ trắng tay bởi nhà đất do anh trai chồng đứng tên, tài sản của vợ chồng thì chẳng đáng là bao. Quá bức xúc, chị nhờ luật sư tư vấn để yêu cầu người chồng phải bồi thường tuổi thanh xuân và… trinh tiết. Theo chị, suốt 5 năm chị đã hy sinh vì chồng, bỏ cả ước mơ đi du học để làm dâu. Trước khi cưới chị, anh nói là có nhà cửa đàng hoàng, công việc thu nhập cao, thế nhưng sau đó chị mới biết nhà thì đi mượn, còn công việc của anh thì bấp bênh. Chị cho rằng mình bị lừa dối và yêu cầu bồi thường… Tuy nhiên, yêu cầu của chị không được Tòa chấp nhận.
Mới đây, báo chí có đưa tin về một vụ kiện khá hy hữu, theo đó TAND huyện Hòa Vang - Đà Nẵng thụ lý một vụ xin ly hôn giữa anh T.V.B và chị N.H.N. Hai vợ chồng sống ly thân gần 8 năm. Anh B. cũng đã có một mái ấm riêng mặc dù chưa ly hôn với vợ. Nay, vì muốn công khai mối quan hệ với người mới, anh B. đâm đơn ra tòa đòi ly hôn với chị N. Lúc đầu, chị N. đồng ý nhưng khi ra tòa thì kiên quyết không ly hôn. Tòa gặng hỏi mãi lý do vì sao ly thân đã lâu mà không chịu ly hôn, chị N. mới đưa ra lý do: “Lâu nay tôi sống không có chồng, phí hoài tuổi thanh xuân. Trong khi đó, chồng tôi lại vui vẻ với người khác nên tôi không cho ông ấy được toại nguyện”.
Xác định vợ chồng anh B. đã không còn tình cảm với nhau, chủ tọa hỏi chị N. nếu thuận tình ly hôn thì có yêu cầu gì? Chỉ chờ có thế, chị N. liền nhanh nhảu trả lời: “Tôi muốn anh ta phải bồi thường trinh tiết và tuổi thanh xuân”. Trong khi HĐXX đang lúng túng vì yêu cầu của chị N. thì anh B. liền đồng ý với giá là 30 triệu đồng và được chị… vui vẻ chấp nhận.
Tất nhiên, yêu cầu của chị N. và sự chấp nhận của anh B. trong trường hợp trên là sự thỏa thuận của hai người, chứ không phải là phán quyết của Tòa bởi hiện nay pháp luật chưa có quy định về bồi thường trinh tiết hay bồi thường tuổi xuân. Nếu chị N. yêu cầu bồi thường về vấn đề trên trong một vụ án độc lập thì Tòa cũng không có căn cứ để thụ lý. Việc bồi thường tuổi thanh xuân hay “đời con gái” nếu có trong thực tế chỉ là sự thỏa thuận mang tính tự nguyện của các bên hoặc giải quyết theo phong tục tập quán.
Nên bù đắp những thiệt thòi của phụ nữ?
Mặc dù pháp luật chưa có quy định, nhưng khi bàn về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, đã có ý kiến đề cập đến vấn đề này. Các ý kiến này cho rằng, khi chia tài sản khi ly hôn, người chịu thiệt thòi phần lớn là phụ nữ bởi họ bị phụ thuộc tài chính vào người chồng, mặc dù Luật quy định “lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập” và đi liền với việc chia tài sản khi ly hôn. Vì tài sản, thu nhập của phụ nữ nhìn chung thấp hơn so với nam giới đã tác động không nhỏ tới tiếng nói của họ trong gia đình và không ít người đã bị mất quyền nuôi con, nơi cư trú… thậm chí trắng tay khi gia đình ly tán.
Theo phân tích của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bất luận hôn nhân tồn tại ngắn hay dài, khi ly hôn, bất lợi luôn nghiêng về phụ nữ, nhất là những người đã có con. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, khi ly hôn, người phụ nữ cần phải được chia một phần tài sản dù tài sản đó được gây dựng trên cơ sở hỗ trợ của gia đình nhà chồng hoặc chỉ do người chồng làm ra. Đây cũng cũng chỉ là một phần bù đắp cho tuổi thanh xuân mà phụ nữ không bao giờ lấy lại được.
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, quy định này không phân biệt đối xử với nam giới mà hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ với tư cách là người mẹ đã được xác định trong các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong Luật Bình đẳng giới.
Cũng theo tổ chức này, thực tế đã có một số Tòa án nhận được đơn đề nghị bồi thường tuổi xuân của phụ nữ khi ly hôn nhưng lúng túng vì không biết phải xử lý như thế nào. Vì vậy, nếu Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi quan tâm điều chỉnh vấn đề điều kiện sống của gia đình sẽ là cơ sở pháp lý để Tòa án bảo vệ lợi ích cho phụ nữ và trẻ em một cách tốt nhất.
Nhìn từ góc độ giới, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lương Phan Cừ nhận định: Ngoài giá trị vật chất tài sản, người phụ nữ khi ly hôn còn phải chịu nhiều tổn thất về tinh thần, về tuổi thanh xuân và nhiều bất lợi khác so với nam giới. Theo ông Cừ, để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình, nhất là quan hệ khi có tình huống ly hôn, ly thân, bên cạnh việc xác định giá trị lao động của vợ, chồng trong phân chia tài sản thì cũng cần tính đến việc “bồi thường” về mặt tinh thần, về tuổi thanh xuân cho phụ nữ.
Thạc sĩ Hoàng Kim Chiến - Trưởng chi nhánh Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp: Nếu các bà vợ đặt ra vấn đề tuổi thanh xuân, thì phía người chồng cũng cho rằng vì hôn nhân không đạt mục đích, họ cũng mất đi quãng thời gian tương tự. Chính vì thế, rất khó xem xét việc bồi thường. Bởi một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ HNGĐ theo luật định là: "hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng" . |