Một người dân kéo tảo bẹ ở bãi biển California.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, i-ốt phóng xạ 131 (131-I) được mang trong không khí đã lan ra Thái Bình Dương trong vòng vài ngày sau thảm họa động đất sóng thần ngày 11/3, mặc dù chỉ với số lượng rất nhỏ. Mới đây, các nhà sinh vật học biển tại đại học bang California, Long Beach (CSULB) phát hiện đồng vị phóng xạ trong tảo bẹ biển, một trong những loài thực vật tích trữ i-ốt mạnh nhất trong vòng một tháng sau thảm họa.
“Chúng tôi đo được mức độ đáng kể lượng i-ốt phóng xạ trong mô của tảo bẹ Macrocystis, nhưng hầu như chúng không gây hại”, Steven L. Manley, một trong hai tác giả của nghiên cứu cho hay. “Mặc dù phóng xạ hầu như không gây hại cho con người vì có mức độ tương đối thấp, nhưng có thể ảnh hưởng đến những con cá ăn tảo vì chúng có tuyến giáp hấp thụ i-ốt”.
Theo AFP, nghiên cứu về “tác động của i-ốt phóng xạ 131 từ nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản đo được trong tảo bẹ Macrocystis” được đăng tải trên phiên bản trực tuyến của tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường.
Nhà máy Fukushima Daiichi, cách Tokyo 220 km về phía đông bắc, bị hư hại nặng nề sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3. Phóng xạ từ nhà máy này sau đó đã lan ra một khu vực rộng lớn và đổ ra biển, không khí và đất, cách vài tuần đến vài tháng sau thảm họa.
Hàng vạn người sinh sống xung quanh nhà máy đã buộc phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều cánh rừng tại khu vực này đang bị ô nhiễm nặng, trong khi công việc khử độc đang diễn ra một cách chậm chạp. Các chuyên gia cảnh báo, một số thị trấn có thể trở thành thị trấn ma không có người ở trong vòng 3 thập kỷ tới.