Phỏng vấn nóng 2 luật sư trước thềm phiên xử bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường

Theo dự kiến, ngày 14/4/2014, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên xét xử vụ án chết người ở Thẩm mỹ viện Cát Tường (số 45, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Ngôi nhà nơi từng là thẩm mỹ viện, sau thời gian dài gián đoạn, không ai dám tới thuê. Những ngày cuối tháng 3/2014, vừa mới có một người đàn ông tới thuê để mở quán internet. Theo những hàng xóm, ban đầu người này cũng có vẻ chần chừ, lưỡng lự nhưng sau đó đã quyết định “dũng cảm” thuê để kinh doanh. “Anh ta qua đây tìm hiểu rất nhiều lần, hỏi chúng tôi thông tin về cửa hàng, ngần ngại mãi, nhưng có lẽ thấy giá thuê rẻ nên cuối cùng đã chấp nhận”, một hàng xóm thuật lại.

Từ khi thuê lại căn nhà “chết người”, người này thường đi cùng một vài người khác tới sửa sang. “Anh ta ở đâu không rõ. Mỗi lần tới đây, để xe ở ngoài xong, là cùng mấy người mất hút vào trong, kéo cửa kín mít lại. Xong việc họ lại lặng lẽ ra về, không bao giờ giao lưu với hàng xóm xung quanh”, một hàng xóm khác nói.

PV cũng đã có cuộc nói chuyện với Luật sư Chu Thị Trang Vân (Phó chủ nhiệm Ủy ban hợp tác quốc tế, Liên đoàn luật sư Việt Nam) người nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Nguyễn Mạnh Tường (nguyên bác sỹ, chủ thẩm mỹ viện Cát Tường) về phiên tòa sắp diễn ra.

Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an

Nhận bào chữa cho bác sĩ Tường, bà thấy có điểm gì khác so với các vụ án bà từng tham gia?

- Tôi từng tham gia nhiều vụ án, mỗi một vụ án đều có một sự khác biệt. Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường không có gì phức tạp, chỉ có điều chịu nhiều sự quan tâm, sức ép của dư luận. Tôi nghĩ dư luận quan tâm đến sự việc, nên một số người cảm thấy phức tạp. Song dưới góc độ pháp lý, luật quy định rõ ràng thì cứ áp dụng theo luật để mà xem xét các tội danh và hình phạt.

Có người đặt tên cho bác sĩ Tường là “bác sĩ tử thần”. Vì sao bà lại nhận bào chữa cho bác sĩ Tường?

- Do xuất phát từ tinh thần tôn trọng pháp luật, tuân thủ theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng công lý. Bất kể một bị can hay bị cáo nào đều có quyền được bào chữa và mời người bào chữa. Bên cạnh đó, bào chữa là nghề nghiệp của tôi, và mình phải có trách nhiệm. Ví dụ như đã là một bác sĩ thì không thể thấy bệnh nhân có bệnh nặng mà từ chối được… . Nói đơn giản, đây chỉ là trách nhiệm của người làm nghề.

Đặt ví dụ nếu không phải là luật sư, mà chỉ là một người bình thường, bà có quan tâm đến vụ việc?

- (Cười) Khi gia đình bác sĩ Tường đặt vấn đề bào chữa với tôi, sự việc đã trải qua được một thời gian, ngay khi đó tôi đã hình dung được tội danh và trách nhiệm mà bị can Tường sẽ phải gánh chịu.

Bà có chịu áp lực nào khi nhận bào chữa cho bị can Tường?

- Chính vì vụ án đang được dư luận quan tâm nên từ khi nhận bảo vệ quyền và lợi ích cho bị can Tường, tôi đã nhận được rất lời hỏi thăm, bàn tán của người thân quen. Tuy nhiên, bỏ qua những áp lực đó, tôi vẫn trung thành với quyết định của mình. Tôi biết có nhiều lời nói ra nói vào, nhưng đây là công việc của mình nên mình phải có nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh vững vàng.

Bào chữa cho thủ phạm, bà có bình luận gì về nạn nhân hiện vẫn đang bị mất xác và gia đình của nạn nhân?

- Tôi hết sức thông cảm và chia sẻ với gia đình, người thân của bị hại. Những mất mát này không ai có thể bù đắp được. Dưới góc độ chủ quan của họ thì đương nhiên họ rất đau lòng, nghĩ rằng là cần phải trừng trị thích đáng. Gia đình những nạn nhân bao giờ cũng có tâm lý như vậy. Nhưng tôi nghĩ gia đình bị hại cũng sẽ tin vào pháp luật, tin vào sự công tâm của pháp luật, tội danh ra sao – xử lý đến đó; bảo vệ quyền và lợi ích cho tất cả các bên.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

PV cũng đã có cuộc nói chuyện với luật sư Nguyễn Anh Thơm, người được chỉ định bào chữa cho bị can Đào Quang Khánh (bảo vệ của thẩm mỹ viện Cát Tường, người đã cùng bác sỹ Tường ném xác nạn nhân). Luật sư Thơm nói: “Tôi từng tham gia bào chữa cho nhiều người ở tuổi vị thành niên, nhiều tội còn đặc biệt nghiêm trọng hơn của Khánh rất nhiều. Nhưng tiếp xúc với Khánh nhiều lần, tôi thấy Khánh chỉ là một cậu thanh niên ở tuổi mới lớn, còn thiếu hiểu biết pháp luật”.

Bảo vệ Đào Quang Khánh

Ông gặp áp lực gì khi bào chữa cho bị can Khánh?

- Vì dư luận đang lúc “nóng” nên trước khi vào vụ này, cũng có những áp lực nhất định. Ví dụ dư luận lúc đó còn chưa biết hành vi cụ thể là như thế nào, có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau lên án Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh. Lúc đó bản thân luật sư cũng chịu phải những áp lực từ dư luận. Luật sư phải cố gắng bảo vệ quyền lợi cho người được bào chữa dù họ là người như thế nào. Không có ai muốn mình gây ra tội ác và phải rơi vào vòng lao lý.

Ông có đồng ý với ý kiến cho rằng Khánh là chủ mưu?

- Theo quan điểm khoa học pháp lý, chủ mưu là kẻ khởi xướng ra sự việc hay đưa ra kế hoạch để người khác thực hiện. Còn trong vụ án này, theo cáo trạng truy tố, đúng là cũng có dấu hiệu hay một số nét tương đồng cho rằng Khánh là “chủ mưu”. Chính xác, theo cáo trạng, Khánh là người “xúi giục” Tường mang xác nạn nhân đi vứt dưới sông, vứt xe.

Vậy quan điểm của ông thế nào về hành vi của Khánh?

- Khánh chỉ là tòng phạm. Tất cả những việc này là do bác sĩ Tường. Bởi Khánh không phải là người gây ra nguyên nhân cái chết. Việc Khánh có xúi Tường hay không thì cũng còn phải làm rõ trong phiên tòa sắp tới. Theo tình tiết và diễn biến của vụ án, Khánh chỉ là một người đưa ra sáng kiến do sự nông nổi, bồng bột, thiếu hiểu biết của tuổi trẻ. Tường mới là người quyết định. Bản thân Tường cũng đã có ý định đem đi vứt xác, còn Khánh chỉ gợi ý vứt ở nơi nào.

Ông còn điều gì chia sẻ với bạn đọc?

- Tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho ngày diễn ra phiên xét xử sắp tới. Sẽ có nhiều tình tiết mới được làm sáng tỏ tại phiên tòa.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

PV cũng tìm tới gia đình Khánh. Tại ngôi nhà 8b, ngõ 100, phố Sơn Tây (Hà Nội), hiện hữu một sự im lìm vắng lặng. Một hàng xóm cho biết, từ ngày con trai bị bắt giam giữ, ngôi nhà của vợ chồng ông Đào Quang Tiến và bà Nguyễn Thị Yến (bố mẹ Khánh) lúc nào cũng khép cửa. “Ông Tiến hàng ngày vẫn lầm lũi đi làm xe ôm kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Bà Yến bệnh tình chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Dù rất bức xúc trước hành vi của Khánh nhưng chúng tôi vẫn thấy thương và tội nghiệp cho vợ chồng ông Tiến”, hàng xóm ái ngại cho hay.