Phật giáo Việt Nam
Phật giáo du nhập vào nước ta từ khá sớm. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại thì phật giáo du nhập vào nước ta từ trước công nguyên. Phật giáo cổ Việt Nam được tiếp thu trực tiếp từ Ấn Độ, và mang màu sắc của phật giáo "Tiểu thừa". Sau này Việt Nam còn tiếp nhận sự du nhập của Phật giáo từ Trung Quốc, mang màu sắc "Đại thừa".
Trong các câu truyện cổ tích và dân gian Việt Nam thương xuất hiện ông "bụt", từ này xuất phát từ cách phát âm tiếng Việt của từ "buddha" (bậc giác ngộ) của Phật giáo Ấn Độ. Sau này Phật giáo Trung Quốc du nhập vào nước ta, từ "bụt" mới dần được thay bằng từ "Phật", vì trong tiếng Hán, từ "buddha" được phát âm là "Phật đà".
Sau khi du nhập vào nước ta, Phật giáo nhanh chóng hòa quyện vào văn hóa dân tộc, và trở sớm trở thành "Quốc giáo" của Việt Nam. Dưới những triều đại phong kiến Việt Nam trước đây còn có chức quan dành riêng cho tăng lữ. Đặc biệt là dưới thời Đinh - Lý - Trần, những tăng lữ đóng góp rất nhiều vào việc trị quốc an dân, và nhiều vị vua xuất gia làm hòa thượng như "Phật hoàng" Trần Nhân Tông.
Qua thời gian, Phật giáo ngày càng phát triển và đi sâu vào đời sống của người dân Việt Nam. Ở mỗi một ngôi làng miền quê, không khó để tìm thấy một ngôi chùa nhỏ. Hiện nay nước ta có khoảng 14.500 ngôi chùa, đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam.
Phong tục đi chùa đầu năm
Cùng với sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam, từ lâu nhân dân ta đã hình thành phong tục đi lễ chùa đầu năm. Hàng năm, vào thời khắc giao thừa, người dân lại cùng nhau lên chùa thắp hương xin lộc đầu năm.
Trong đêm giao thừa, mọi người lên chùa xin lộc để về xông đất, xông nhà mong gặp nhiều may mắn. Có người xin một cành lộc trong chùa để mang về với ý nghĩa mang tài lộc về nhà. có người lại thắp nhang khấn phật tại chùa rồi mang nén nhang đó về cắm lên bát hương tại nhà với ý nghĩa mang lửa về nhà mong no ấm, an vui.
Phong tục đi chùa đầu năm không chỉ để cầu an vui, may mắn, mà còn là để tìm kiếm sự bình lặng trong tâm hồn. Chùa chiền là nơi thanh tịnh, trang nghiêm, là nơi con người ta sống thật với bản ngã. Nhân dân ta lên chùa đầu năm là để tránh xa những tất bật, bon chen của cuộc sống hàng ngày, để tìm kiếm sự thanh tịnh, tĩnh tâm.
Phật giáo luôn hướng con người ta đến "chân - thiện - mỹ", nên phong tục lên chùa hàng năm cũng thể hiện mong muốn hướng thiện, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, và nhắc nhở con người ta tránh xa những "tham - sâm - si", tránh xa những dục vọng, những điều sai trái trong cuộc sống.
Phong tục truyền thống đang trở nên xấu xí
Trong dòng chảy tất bật của cuộc sống, nhiều phong tục truyền thống đang bị lợi dụng, biến tướng, trá hình. Phong tục đi chùa đầu năm cũng không phải ngoại lệ.
dịch vụ đổi tiền lẻ nợ rộ dịp đầu năm
Chùa chiền là nơi thanh tịnh, giản dị, phật tử và người dân lên chùa cốt ở cái tâm, chỉ cần mang theo nén hương và giúp đỡ chùa vài đồng nhang khói. Thế nhưng giờ đây, người ta lên chùa với mâm cao cỗ đầy, với toan tính xin được giàu sang, phú quý, thăng quan phát tài. Ngày nay người ta ra sức mặc cả với thần phật, ra sức "hối lộ" các "bậc bề trên".
Nếu bạn dạo qua các ngôi chùa lớn dịp đầu năm, bạn sẽ thấy nhan nhản những quán đổi tiền lẻ, viết sớ thuê, bưng lễ hộ,... vơi giá cả cũng rất "trên trời". Ví như dịch vụ đổi tiền lẻ ở những chốn linh thiêng đó, bạn sẽ phải chấp nhận những mực giá "10 ăn 5", "10 ăn 7" tùy loại tiền lẻ mà bạn muốn đổi. Ở chùa Hương, chùa Yên Tử, phủ Tây Hồ,... người viết sớ thuê, xem bói, bán vàng mã nhiều không kém người đi lễ chùa. Những người đó đang lợi dụng lòng kính phật để mặc sức "buôn thần bán thánh", làm xấu đi hình ảnh đẹp đẽ của chống linh thiêng.
Để xây dựng một nền văn hóa hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc, trước hết chúng ta phải gìn giữ và phát huy nét đẹp vốn có của văn hóa truyền thống, đấu tranh chống lại những biến tướng trá hình, lợi dụng truyền thống để mưu lợi cá nhân. Đó là một việc mà chúng ta phải bắt đầu ngay từ lúc này.