Chuyên mục Giải đáp pháp luật của PLVN vừa qua nhận được một số yêu cầu giải đáp liên quan đến điều kiện hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ và những dịch vụ mà các cơ sở thẩm mỹ tư nhân được phép cung cấp. Ngoài ra, bạn đọc đặc biệt là nữ cũng muốn biết các quy định về việc sử dụng silicone - “cứu cánh” đối sống mũi và vòng 1 của nhiều chị em.
Đáp ứng yêu cầu nói trên của độc giả, trong số này chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết các quy định hiện hành trong lĩnh vực này.
Có 5 năm thực tế mới được hành nghề
Về câu hỏi “điều kiện thành lập phòng khám thẩm mỹ tư nhân” của chị Trương Thị Hạnh (Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội), pháp luật quy định bằng cấp và thời gian thực hành của người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để mở các phòng khám chuyên khoa phải là bác sỹ đã thực hành ít nhất 5 năm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có 3 năm thực hành chuyên khoa. Ngoài ra, do tính chất đặc thù của hoạt động này nên Thông tư số 07/2007/TT-BYT ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về ngành nghề Y, Y học cổ truyền và Trang thiết bị y tế tư nhân, còn có quy định bắt buộc như sau: “Riêng phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bác sỹ phải có thêm chứng chỉ chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ hoặc Giấy chứng nhận chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do trường đại học y đào tạo và cấp”.
Điểm 9.1 Khoản 9 Mục V Thông tư số 07/2007/TT-BYT nói trên cũng sẽ giúp ông Phạm Ngôn (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) biết được điều kiện và phạm vi chuyên môn hành nghề đối với phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, qua đó giúp ông và người thân trong gia đình có thể nhận biết được cơ sở nào đã “quá lời” trong quảng cáo như thắc mắc mà ông đã gửi về Tòa soạn. Cụ thể, Thông tư này nêu rõ: “Người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ… Phải có đủ dụng cụ, trang thiết bị tế phù hợp với phạm vi hành nghề, có hộp thuốc chống choáng, thuốc cấp cứu chuyên khoa; phòng khám phải có diện tích ít nhất là 10m2, phòng phẫu thuật có diện tích ít nhất là 12m2, phòng lưu bệnh nhân có diện tích ít nhất 12m2, tường của tất cả các phòng đó phải được ốp gạch men hoặc vật liệu chống thấm bảo đảm vệ sinh vô trùng, chiều cao không thấp hơn 3,1m… Việc phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng đã được xác định trong chứng minh nhân dân chỉ được thực hiện sau khi người có yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ đã có đơn gửi cơ quan Công an nơi cấp chứng minh nhân dân”.
Cấm silicone lỏng trong thẩm mỹ
Trên thực tế, rất nhiều cơ sở làm đẹp vì lợi nhuận đã bất chấp quy định của pháp luật thực hiện việc nâng ngực mặc dù theo giấy phép chỉ được làm mi mắt, sửa cằm, nâng mũi. Việc các cơ sở tư nhân tự ý nâng ngực không chỉ vượt quá đòi hỏi chuyên ngành trong lĩnh vực y khoa bởi nó là một cuộc đại phẫu mà còn trái với quy định của Thông tư số 07/2007/TT-BYT. Cụ thể, theo văn bản của Bộ Y tế thì phạm vi hành nghề của những cơ sở này chỉ là: “Xăm môi, xăm mi, hút mụn; cấy tóc, cấy lông mày; nâng gò má thấp, nâng sống mũi; xử lý các nếp nhăn mi trên, mi dưới… Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, nâng vú, thu nhỏ quầng vú; thu gọn thành bụng, thu gọn mông, đùi; căng da mông, đùi; lấy mỡ cơ thể; căng da mặt”.
Ở nước ta đã có văn bản cấm sử dụng silicone lỏng trong thẩm mỹ. Bởi theo các chuyên gia trong lĩnh vực y học, có thể dùng túi ngực, sống mũi, van tim… bằng silicone. Tuy nhiên, chỉ là loại silicone y khoa, thường là dạng đặc cứng mới được sử dụng trên người. Trong thực tế, đã có một số trường hợp bị biến chứng do bơm silicone lỏng vào cằm. Sau khi bơm một thời gian, cằm đã xảy ra biến chứng.
Hy vọng các quy định khái quát nói trên sẽ giúp những bạn đọc đang có ý định kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ làm đẹp tránh được những vi phạm, rủi ro khi tiếp cận với hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ.