Phó Tổng GĐ Petrolimex: Sẽ sa thải nếu phát hiện nhân viên gian lận

“Quan điểm của lãnh đạo TCty là nếu xác minh chính xác nguồn tin, sẽ kiên quyết xử lý nhân viên bằng hình thức cao nhất là sa thải. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu trong hệ thống, đảm bảo chất lượng xăng dầu đến NTD”.

Ngay sau thông tin lật tẩy “công nghệ” pha xăng rởm được một tờ báo đăng tải, ông Vương Thái Dũng - Phó Tổng GĐ Petrolimex - người phát ngôn của TCty này - cho biết:

Trước thông tin về “công nghệ” pha xăng rởm có liên quan đến Petrolimex, lãnh đạo TCty đánh giá như thế nào và có động thái gì, thưa ông?

- Hiện nay địa bàn được xác định có “công nghệ” pha xăng là tại phía nam. Ngay trong sáng 9.1, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị cấp dưới là Cty vận tải xăng dầu lập tức kiểm tra, báo cáo TCty về các biển số xe được nêu cụ thể trong bài báo, xác định độ chính xác đến đâu. Còn tại phía bắc, qua ghi nhận của chúng tôi thì chưa từng xảy ra việc này.

´ Hiện quy trình NK, vận chuyển đến nơi tiêu thụ là các cửa hàng xăng dầu, đại lý của Petrolimex được giám sát ra sao?

- Chúng tôi đảm bảo NK sản phẩm xăng dầu theo đúng các tiêu chuẩn đã quy định của Bộ KHCN phù hợp với tiêu chuẩn VN đã ban hành, TCty không pha chế bất kỳ chất gì vào sản phẩm và thường xuyên giám sát, kiểm định chất lượng bán đến cây xăng trong hệ thống. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các trường hợp, nhân viên có gian lận ăn cắp, rút ruột xăng dầu. Trước đây, chúng tôi đã từng xử lý nhiều trường hợp nhân viên ăn cắp xăng dầu dưới nhiều hình thức và đã xử phạt ở mức cao nhất, buộc thôi việc. Nhưng chưa phát hiện trường hợp nào nhân viên tự ý pha chế các chất lỏng khác vào xăng.

Chúng tôi khẳng định, những vụ việc tiêu cực như ăn cắp xăng trong nội bộ là có và chúng tôi đã xử lý nghiêm khắc.    

Trường hợp, nếu qua kiểm tra, phát hiện nhân viên nào có hành vi gian lận, tự ý pha chế xăng như báo chí đã nêu, quan điểm của lãnh đạo TCty là sẽ xử lý ở mức cao nhất, làm trong sạch đội ngũ và đảm bảo uy tín của Petrolimex.

Việc kiểm soát chất lượng xăng dầu đến nơi tiêu thụ còn nhiều kẽ hở. Ảnh: Kỳ Anh

´ Nếu đúng sự thật như báo chí phản ánh thì sự việc đã đến mức hết sức nghiêm trọng, không chỉ là việc làm bột phát của 1 - 2 nhân viên trong ngành mà đã thành đường dây có tổ chức, hoạt động như vậy, mà TCty không hề hay biết? Bên cạnh hệ thống cửa hàng trực thuộc, hiện Petrolimex còn có khoảng gần 2.000 đại lý, tổng đại lý lấy hàng trực tiếp. Liệu Petrolimex có quản lý được hệ thống đại lý này?

- Hoạt động của các đối tượng gian lận xăng dầu hết sức tinh vi, nhiều khi kiểm tra cũng khó phát hiện. Chúng tôi khẳng định là trong quá trình kinh doanh xăng dầu, TCty đã ban hành quy chế quản lý nội bộ, đảm bảo giám sát thường xuyên, chặt chẽ chất lượng xăng dầu khi ra lưu thông. Đối với các đại lý, tổng đại lý của TCty, chúng tôi cũng quy định chặt chẽ trong hợp đồng. Chúng tôi đảm bảo chất lượng xăng dầu từ đầu nguồn đến đại lý, còn đại lý bán xăng đến người tiêu dùng, đại lý cũng phải có trách nhiệm. Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ cháy xe với nghi vấn được đưa ra về chất lượng xăng dầu, nhưng chưa có trường hợp nào xảy ra với các cây xăng thuộc sở hữu của Petrolimex. Bên cạnh việc giám sát của chúng tôi, thì việc kiểm tra chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường rất cần sự phối hợp của các ngành chức năng và cả người dân cùng vào cuộc. Nếu phát hiện cây xăng nào của Petrolimex có sai phạm, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

- Cảm ơn ông.

Còn kẽ hở trong kiểm tra, quản lý chất lượng xăng dầu

Hiện nay, các cơ quan chức năng hầu như chỉ kiểm tra chất lượng xăng dầu tại DN đầu mối, cửa hàng kinh doanh xăng dầu chứ không để ý nhiều đến quá trình lưu thông vận chuyển. Không những vậy, việc kiểm tra chất lượng xăng dầu tại các điểm kinh doanh cũng mới chỉ kiểm tra theo từng đợt, một số cửa hàng chứ chưa thể kiểm tra lấy mẫu tại tất cả các trụ bơm của các cửa hàng trên địa bàn TPHCM.

Năm 2011, đoàn liên ngành kiểm tra xăng dầu TPHCM do Chi cục Quản lý thị trường làm trưởng đoàn đã kiểm tra 94 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, phát hiện 36 vụ vi phạm, xử phạt hành chính số tiền hơn 543 triệu đồng. Trong đó, có 5 cửa hàng vi phạm về chất lượng xăng dầu (chỉ số octan không đạt); 9/458 cột đo nhiên liệu được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn về đo lường; 6 cửa hàng vi phạm về phòng cháy chữa cháy; 3 cửa hàng vi phạm về niêm yết giá, 2 cửa hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, 1 cửa hàng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hết hạn sử dụng...

Một thành viên đoàn kiểm tra cho biết, trên thực tế có một điều bất cập về kiểm tra chất lượng xăng dầu. Đó là khi cơ quan chức năng phát hiện ra mẫu xăng dầu kém chất lượng thì lượng hàng có mẫu đưa đi kiểm nghiệm đó đã được bán, tiêu thụ hết. Bởi, theo quy trình lấy mẫu kiểm tra hiện nay, sau khi sử dụng máy test nhanh để phát hiện mẫu xăng dầu không đạt chất lượng, đoàn kiểm tra sẽ lấy mẫu chính thức để gửi đến trung tâm kiểm nghiệm.

Thông thường, thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm này, lượng hàng có mẫu đưa đi kiểm nghiệm vẫn được lưu thông, kinh doanh bình thường. Thế nên, khi có kết quả kiểm tra không đạt chất lượng, dù cửa hàng kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính, NTD cũng đã mua, tiêu thụ hết số xăng không đạt trên và chẳng được ai đền bù thiệt hại.

Ông Nguyễn Tường Minh - Tổng Thư ký Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ NTD TPHCM (AFCA) - kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm có biện pháp cứng rắn như niêm phong, cấm lưu thông ngay đối với những lô xăng dầu có dấu hiệu kém chất lượng qua kết quả test nhanh không đạt để tránh trường hợp bị tẩu tán, gây thiệt hại cho NTD.