Khi điện ảnh Campuchia được xướng danh là một trong 5 ứng viên xuất sắc nhất hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, tranh tượng vàng Oscar năm nay với “The Missing Picture” (Bức tranh bị mất tích) thì điện ảnh Việt đang lặng lẽ chuẩn bị cho lễ trao giải Cánh diều với những ngổn ngang của một nền điện ảnh trong cơn lốc thị trường, phim giải trí áp đảo phim nghệ thuật, phim “thảm họa”, phim hài nhảm vẫn đang ăn khách...
Nhìn lại năm 2013, không thấy tên phim VN xuất hiện tại các LHP danh giá thế giới. Tại các LHP hạng A khác cũng vậy.
Khi một nền điện ảnh trẻ mới hồi sinh như Campuchia đã gây dựng được tên tuổi trên bản đồ điện ảnh thế giới thì các nhà quản lý, các nhà làm phim Việt phải nhìn lại và suy nghĩ.
Kể từ “Mùa len trâu” được gửi dự Oscar tranh giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2006, đến nay ĐAVN đã có thêm 5 phim lần lượt gửi tranh Oscar là “Áo lụa Hà Đông”, “Chuyện của Pao”, “Đừng đốt”, “Khát vọng Thăng Long”, “Mùi cỏ cháy”. Đã có Hội đồng duyệt phim VN dự Oscar riêng, nhưng rồi, bao phen đem phim đi đều bị loại ngay vòng ngoài.
Đành tự “an ủi” tình thế là đi để học hỏi kinh nghiệm làm phim với các cường quốc điện ảnh, là để ĐAVN được nước ngoài biết đến, là có dịp tiếp cận các thị trường điện ảnh thế giới... Đã có lúc ĐAVN đã có cơ hội chạm vào những biểu tượng danh giá của các LHP Venice, Cannes, nhưng đó chỉ là những nỗ lực cá nhân đơn lẻ và thực sự so với các nước trong khu vực còn rất khiêm tốn.
“Bi, đừng sợ!” của Phan Đăng Di đoạt 2 giải của Hiệp hội các nhà phê bình tại Cannes 2010, nhưng chỉ ở là hạng mục cho phim dài đầu tay, rồi “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên cũng đoạt giải ở Venice 2009 trong các hạng mục nhỏ dành cho các nhà phê bình phim. Trước đó, “Khi tôi 20” của Phan Đăng Di cũng được chọn vào Venice...
Còn Oscar, duy nhất phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng là lọt vào top 5 phim đề cử tranh Oscar phim nói tiếng nước ngoài, nhưng “Mùi đu đu xanh” chỉ câu chuyện VN...
Đừng đổ lỗi hoàn toàn cho công nghệ làm phim, các yếu tố kỹ thuật - khi phim VN từng gặp nhiều trắc trở, khó khăn ở khâu này, nhưng giờ đây với xu hướng làm phim “đa quốc tịch”, việc làm hậu kỳ ở nước ngoài đã phổ biến hơn, thì đó không còn là vấn đề quá lớn.
Cái thiếu ở đây vẫn là tài kể chuyện, ngôn ngữ điện ảnh và tầm cỡ vấn đề đặt ra. Cho dù chuyện phim hay vấn đề phim đặt ra là của một cá nhân, một quốc gia, hay một tầng lớp xã hội điển hình nào đó, thì đó lại là vần đề mà cả thế giới quan tâm, mang tính toàn cầu, mang tính đặc trưng, biểu tượng của thời đại.
Về điểm này, những phim của Iran có thể coi là “bậc thày” xuất phát từ truyền thống kể chuyện “ngàn lẻ một đêm” của họ. Ngay cả phim có tính chất bạo lực thì vẫn thấm đẫm tính nhân văn, giá trị sống rất nhân bản, tạo ấn tượng khó có thể quên.
Phim Việt thì sao? Đừng bao giờ nói phim ít tiền thì không làm phim tốt được. Chỉ cần nhìn vào kịch bản nội dung phim, thấy rõ khoảng cách diệu vợi với phim đoạt giải nước ngoài.
Sự tinh tế, khám phá được những ngõ ngách trong tính cách Việt qua các phim của các đạo diễn Việt kiều tiêu biểu là Trần Anh Hùng qua những “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”... là một minh chứng đậm nét.
Hay so sánh với phim của các nước trong khu vực, tại Cannes 2013, Campuchia có "L’Image Manquante" tranh giải và đoạt giải ở hạng mục "Góc nhìn độc đáo", dành cho phim thể nghiệm. Philippines cũng góp mặt với 2 bộ phim là "Death March” và "Norte, "The End Of History". Còn Singapore đoạt giải "Phim truyện đầu tay xuất sắc".
Điện ảnh Thái Lan thì đã từng gây chấn động với Cành cọ Vàng LHP Cannes 2010 cho "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives" của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul. Và nếu xem các phim này mới thấy cách kể của họ tài tình thế nào, sự sáng tạo vi diệu đã chạm đến những tầng sâu cảm xúc của người xem... Mà điều đó thì phim ĐAVN chưa thể có được.