Cho yêu thương quay về là bộ phim đầu tiên khai trương giờ phim mới lúc 20h của VTV9 (Ảnh: Sóng Vàng)
Ðơn vị được VTV9 lựa chọn làm đối tác hợp tác sản xuất phim là Công ty Sóng Vàng - một đại gia trong lĩnh vực quảng cáo truyền thông. Ngoài Sóng Vàng, Công ty Sao Thế Giới - một đại gia khác - cũng đang đảm nhiệm giờ phim 17h30 trên VTV9. M&T Pictures (nằm trong Công ty quảng cáo Ðất Việt) cũng đang là đơn vị sản xuất chính cho giờ phim Việt lúc 13h trên HTV7. Không chỉ thầu các giờ phim này, ba công ty này còn sản xuất khá nhiều phim cho các kênh truyền hình khác như HTV7 (20h), HTV9 (22h), Vĩnh Long 1, SCTV14…
Nhà sản xuất: nguồn vốn mạnh mới không hụt hơi
Xu hướng sản xuất phim truyền hình đang tập trung vào các đại gia trong lĩnh vực quảng cáo truyền thông bởi lý do quan trọng là họ có nguồn vốn và giỏi chạy... quảng cáo. Việc thu hồi vốn ở phim truyền hình khá lâu, kéo dài từ một đến hai năm. Nếu không có nguồn vốn mạnh sẽ dễ bị hụt hơi. Nhiều hãng phim bán nhà, vay nợ để làm phim. Ôm nợ mấy tỉ đồng, đến lúc phim phát sóng còn hồi hộp chờ xem có đủ lượng quảng cáo cho mỗi tập phim hay không (nếu đủ thì nhà đài mới trả đủ số tiền như thỏa thuận, nếu không đủ thì tiền giảm bớt...).
Người trong nghề còn truyền tai nhau về "bi kịch" của một bộ phim từng phát sóng trên một đài lớn rằng nhà sản xuất phải bỏ ra khoảng 5 tỉ đồng để làm ra 32 tập phim. Sau khi phim phát sóng, lượng quảng cáo không đến nỗi tệ nhưng không đạt như thỏa thuận với nhà đài từ trước nên số tiền thu về chỉ được hơn 2 tỉ đồng. Thời buổi khó khăn, ngay cả với một công ty lớn như BHD - từng sản xuất các bộ phim truyền hình "nặng ký" như Bỗng dưng muốn khóc, Cô gái xấu xí, Ngôi nhà hạnh phúc… - một năm rưỡi nay vẫn chưa khởi động dự án tiếp theo, kể từ khi bộ phim Cho một tình yêu phát sóng trên VTV3 vào tháng 10/2010.
Hãng phim Phước Sang từng có mấy đoàn phim hoạt động trong cùng một thời điểm nay cũng đang án binh bất động. Những hãng phim mới như Hãng phim Chợ Lớn, Ðại Nam, Nam Sài Gòn... sản xuất một hai phim rồi cũng mất hút.
Phim Tay chơi miệt vườn do M&T Pictures sản xuất sẽ phát sóng trên kênh SCTV14 trong thời gian tới (Ảnh: M&T Pictures)
Hãng phim và nhà đài: phận gia công và sự an toàn
Sản xuất phim ào ạt nhưng vì là những công ty truyền thông quảng cáo nên các công ty này đều tìm đến những cơ sở chuyên môn của Nhà nước (Hãng phim Giải Phóng, Hãng Phim truyện VN, Hãng Phim truyện 1...) lẫn tư nhân (Hãng phim Thằng Mõ, Miđi, Sena…) để ký kết hợp đồng gia công. Riêng phần lớn các bộ phim của Công ty Sao Thế Giới do Hãng phim Thiên Nam An - một hãng phim nằm trong hệ thống công ty này - đảm nhiệm.
Khá nhiều nhà sản xuất và đạo diễn đều cho rằng sự hợp tác giữa nhà đài với các đại gia là chuyện bình thường. Bà Bích Thủy (bút danh: Châu Thổ - nhà biên kịch) - giám đốc Hãng phim Sena - cho biết: "Theo tôi, việc các công ty truyền thông quảng cáo lớn "nắm giữ" một số giờ phim nhất định trên truyền hình cũng có mặt tích cực. Muốn có tiền, các hãng phim chỉ chuyên sản xuất như chúng tôi phải đi vay ngân hàng, khoảng 4 tỉ đồng cho 30 tập phim. Mất sáu tháng để sản xuất nhưng chúng tôi cũng không biết chắc phim có được phát sóng hay không, thời gian nào phát, có thu đủ quảng cáo không... Con đường chông chênh như vậy nên chúng tôi không dám phiêu lưu. Chỉ những đại gia có sẵn tiền và giỏi trong việc bán quảng cáo mới đủ khả năng để làm thôi. Chúng tôi đành chấp nhận phận gia công".
Ðạo diễn Trần Lực - giám đốc Hãng phim Ðông A - nhìn nhận: "Tôi nghĩ điều này cũng bình thường vì hiện nay nhà đài sống bằng nguồn thu quảng cáo. Còn bản thân các công ty trên giỏi việc thu hút quảng cáo. Hợp tác với họ sẽ giúp nhà đài dễ dàng thu được quảng cáo hơn so với các hãng phim chỉ chuyên về sản xuất. Sự an toàn vì thế sẽ cao hơn". Tuy nhiên đạo diễn Trần Lực băn khoăn: liệu việc tập trung vào một công ty quảng cáo nào đó có làm cho các bộ phim mang sắc màu giống nhau?
Phim Một nửa bóng tối do Sao Thế Giới sản xuất phát sóng trên kênh VTV9 vào tháng 9 tới (Ảnh: Sao Thế Giới)
Chất lượng liệu có bỏ ngỏ?
Thật ra chuyện đại gia nắm giữ giờ phát sóng trên truyền hình đã có từ năm 2005, khi Hãng phim Lasta phối hợp với HTV khai phá giờ vàng phim Việt (lúc đó chỉ phát sóng mỗi buổi một tập và Lasta trực tiếp sản xuất). Nhiều khán giả xem phim giờ này từng rên xiết vì... bội thực quảng cáo. Không chỉ vậy, việc quảng cáo sản phẩm (như xe hơi, dầu ăn, kẹo cao su, nước uống....) khá lộ liễu trong nội dung của nhiều phim phát sóng vừa qua cũng là vấn đề gây nản lòng khán giả. Nay với việc đại gia quảng cáo đầu tư phim ảnh, nỗi lo quảng cáo bủa vây người xem không phải là một nỗi lo xa.
Và càng không hẳn là xa vời nỗi lo về một "thực đơn" giải trí nghèo nàn cả về nội dung lẫn hình thức, bởi chẳng công ty nào dại đầu tư vào các đề tài khó sản xuất lẫn thu hồi vốn như lịch sử, cổ trang, chính luận... Liệu hình thức này có công bằng cho những hãng phim nhỏ lẻ khác muốn làm ra những bộ phim đa dạng cho khán giả nhưng lại khó có cơ hội lên lịch phát sóng? Như trường hợp Huyền sử thiên đô - một bộ phim lịch sử có chất lượng khá phải nằm kho đến mấy tháng trời.
"Suy cho cùng các công ty quảng cáo truyền thông cũng vẫn là các nhà kinh doanh. Chắc chắn họ không đặt nặng vấn đề về nghệ thuật hay giáo dục mà tập trung nhiều đến việc thu hồi vốn. Nếu họ liên kết với đơn vị sản xuất tốt thì người xem có được sản phẩm hay, còn gặp phải những nơi làm gian dối thì khán giả hứng chịu hết. Việc kết hợp giữa nhà đài với công ty quảng cáo truyền thông có lẽ là giải pháp tốt hiện nay. Tuy nhiên điều đó sẽ tốt hơn nếu nhà đài có hợp đồng ràng buộc chặt chẽ hơn để làm ra những bộ phim chất lượng tốt nhất..." - nhà biên kịch Châu Thổ hi vọng.