Rừng đen - một phim nhà nước gây được ấn tượng tốt về chất lượng nghệ thuật lại rất lận đận trên đường ra rạp đến nỗi lỡ hẹn với Oscar 2008 - Ảnh tư liệu
Phim nhà nước lại thường được biết đến sau các kỳ trao giải, các liên hoan phim hơn là được nhìn nhận khách quan từ khán giả. Bà Ngô Phương Lan - cục phó phụ trách Cục Ðiện ảnh - đã chia sẻ với phóng viên cái nhìn toàn cảnh về hiện trạng đầu ra của phim nhà nước.
* Trong khi có nhiều phim tư nhân rất dở vẫn có con đường đàng hoàng ra rạp, bán vé...; phim được Nhà nước đặt hàng hay tài trợ không phải khi nào cũng là phim khó xem nhưng lại khó đến được với người xem. Ví dụ mới nhất, Mùi cỏ cháy, Tâm hồn mẹ - hai bộ phim nhà nước đã giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ vẫn chưa có cơ hội ra rạp...
- Hai bộ phim Tâm hồn mẹ, Mùi cỏ cháy (và cả Rừng đen nữa) đều là phim do Nhà nước tài trợ, không phải là phim đặt hàng với 100% kinh phí sản xuất từ ngân sách nhà nước. Theo Luật điện ảnh, phim tài trợ thì các hãng sản xuất có thể tự phát hành, doanh thu sẽ phân chia theo quy định.
Tâm hồn mẹ có lẽ đang trong dự kiến phát hành của Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện VN, còn Mùi cỏ cháylà tác phẩm "đinh" trong Ðợt phim kỷ niệm 40 năm thành cổ Quảng Trị và giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước nên sẽ ra mắt công chúng vào dịp 30-4-2012.
Cục Ðiện ảnh đang lên kế hoạch phối hợp với các cơ sở điện ảnh để phim được đến với công chúng cả nước một cách xứng đáng, chắc chắn sẽ có những đổi mới so với những gì quen thuộc vẫn thấy trong các tuần phim kỷ niệm. Chúng tôi đang tìm cách tốt nhất để chứng minh giá trị và hiệu ứng xã hội của những bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị như Mùi cỏ cháy.
Bà Ngô Phương Lan - cục phó phụ trách Cục Điện ảnh - Ảnh: CĐA
* Một con số thống kê cho thấy hiện có trên 32.000 ghế ngồi cho các cụm rạp trên cả nước, chiếm gần 50% là của tư nhân (Megastar, Galaxy, BHD...). Phim nhà nước mỗi lần "phủ sóng" có tham vọng chiếm bao nhiêu phần trăm số ghế đó?
- Việc phim có ra rạp được hay không trước tiên phụ thuộc bản thân tác phẩm đó có hay, có hấp dẫn không, theo đó tỉ lệ "phủ sóng tại rạp" sẽ khác nhau. Phải thừa nhận không nhiều phim do hãng phim nhà nước sản xuất tạo được "cơn sốt" ở các cụm rạp như phim tư nhân.
Tuy nhiên, con số thống kê trên mới chỉ nói chủ yếu đến số ghế ở các cụm rạp tại một số thành phố lớn, trong khi cả nước chúng ta có 63 tỉnh- thành, mỗi tỉnh- thành đều có tối thiểu một rạp chiếu phim, cùng với đó là mấy trăm đội chiếu bóng lưu động địa phương và hàng trăm đội chiếu bóng trong hệ thống phát hành phim quân đội...
Tôi cho rằng ngoài việc "phủ sóng" một phần ở các cụm rạp, các phim do Nhà nước đầu tư hầu như đã "phủ sóng" các vùng miền của đất nước.
* Tư nhân thường có lịch ra mắt phim ngay từ khi chuẩn bị bấm máy. Còn với phim nhà nước, dường như đến bây giờ kinh phí làm phim vẫn chỉ là kinh phí thực hiện phim chứ không có phần nào dành cho việc quảng bá phim?
- Ðúng là phim do Nhà nước tài trợ hoặc đặt hàng chưa được quảng bá, tiếp thị xứng đáng. Trong thời bao cấp thì quả là điện ảnh có sức mạnh khó nghệ thuật nào địch nổi, chỉ cần phim "ra lò" là hàng triệu người háo hức chờ xem. Còn bây giờ nếu không giỏi quảng cáo, lăngxê thì phim khó trụ được ở rạp.
Chính vì vậy, cần nhìn việc quảng bá phim của các hãng nhà nước cả ở hai góc độ. Về chủ quan, các hãng phim nhà nước vốn không quan tâm và không có nghề trong việc này. Về khách quan, đúng là ngân sách cho quảng bá phim không được bố trí thỏa đáng. Tôi cho rằng cần được thay đổi trong bố trí ngân sách, từ cả phía chủ đầu tư (cơ quan được trao quyền quyết định việc tài trợ, đặt hàng sản xuất phim) và cơ quan bố trí ngân sách (cơ quan tài chính).
Nhưng để làm được việc này, các hãng phim nhà nước cần có những nhà sản xuất phim thật sự để họ chăm chút cho bộ phim xuyên suốt các khâu từ đầu vào đến đầu ra.
* Sắp tới, Cục Ðiện ảnh có những dự định gì để thay đổi được hiện trạng trên, để phim nhà nước được "bình đẳng" với tư nhân ở rạp chiếu?
- Cục Ðiện ảnh đang chuẩn bị một hội nghị toàn quốc chuyên về phát hành và phổ biến phim, dự kiến tổ chức vào quý 2 tới. Mục đích là đánh giá công tác phát hành và phổ biến phim trong mấy năm qua, tìm giải pháp khắc phục những bất cập trong phổ biến phim hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách đối với phổ biến phim ở các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cần tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết hoạt động phát hành, phổ biến phim và chiếu bóng trong tình hình hiện nay ra sao? Sự phối hợp giữa trung ương và địa phương phải như thế nào để giữ được sự liên hoàn của hoạt động điện ảnh? Các công ty liên doanh nước ngoài có thể đóng góp được gì ngoài việc kinh doanh tại các cụm rạp sang trọng? C
hắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề phải đặt ra và cần thống nhất trong hội nghị. Không biết có quá lạc quan không, nhưng tôi thấy dường như cũng đã hé dần những dấu hiệu khả quan. Tất nhiên là không thể nóng vội mà cần thời gian để mọi việc đủ độ chín.
22 phim nhà nước, chỉ vài phim "quen mặt" Tổng hợp từ một số thống kê cho thấy hiện tại ở VN có 15.877 ghế thuộc về các cụm rạp tư nhân kiêm phát hành như Megastar, Galaxy, Lotte Cinema, BHD Star Cinema..., 16.799 ghế còn lại thuộc về các rạp nhà nước hoặc Nhà nước liên doanh. Trong năm năm vừa qua đã có 22 phim Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ được sản xuất theo số lượng... giảm dần từng năm. Cụ thể: năm 2007 có Chuông reo là bắn, Khi nắng thu về, Giá mua một thượng đế, Vũ điệu tử thần, Chớp mắt cùng số phận, Hoài vũ trắng, Trái tim bé bỏng. Năm 2008: Em muốn là người nổi tiếng, Rừng đen, Trăng nơi đáy giếng. Năm 2009: Ðừng đốt, Chơi vơi, Ðược sống, Không cân sức. Năm 2010: Nhìn ra biển cả, Trung úy (chỉ chiếu duy nhất dịp LHP quốc tế VN lần thứ nhất, chưa chiếu ở bất cứ đâu), Hoa đào, Vũ điệu đam mê, Long Thành cầm giả ca, Vượt qua bến Thượng Hải. Năm 2011: Tâm hồn mẹ, Mùi cỏ cháy. Trong số 22 phim kể trên chỉ có vài phim "quen mặt" với khán giả như: Chuông reo là bắn, Chơi vơi, Vũ điệu đam mê... vì các phim này đã được phát hành bởi nhà phát hành phim tư nhân là Ðào Thu Film và Galaxy. |