Trên Facebook cá nhân của nhiều khán giả, dù có những lời cảm thán “chưa thỏa mãn, chưa đủ sợ...” dành cho bộ phim kinh dị Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần, thế nhưng không thể phủ nhận sức hút từ sự tò mò, muốn được thưởng thức một bộ phim kinh dị Việt của đông đảo khán giả trẻ. Thế nên, không khó lý giải khi Đoạt hồn đã có khoảng 160.000 lượt khán giả trên toàn quốc, dù là một phim giới hạn độ tuổi người xem (cấm người dưới 16 tuổi) và ra rạp vào giữa mùa hè - thời điểm “vàng” của các bom tấn Hollywood.
Có thể nói Đoạt hồn là bộ phim mở ra một thời kỳ mới của phim kinh dị VN, khi lần đầu có một tác phẩm trong nước khai thác trực diện đề tài ma quỷ nhập hồn, hầu đồng, chơi ngải và những tín ngưỡng tâm linh nhưng vẫn qua ải kiểm duyệt để ra rạp công chiếu. Phim được đánh giá cao ở hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo, những góc quay có sức ám ảnh người xem và diễn xuất ấn tượng của diễn viên, nhưng chưa thực sự thuyết phục trong cách xử lý kịch bản. Cái mà Đoạt hồn làm tốt nhất chính là không khí của một bộ phim kinh dị, thực sự tạo được cảm xúc hồi hộp theo dõi từng diễn tiến cho khán giả. Tuy nhiên, phim không có nhiều tình tiết để khiến khán giả phải luôn sống trong không gian đặc quánh sự lo lắng và cảm giác sợ sệt... đặc biệt là đoạn kết rối rắm và khó hiểu.
Xét về yếu tố rùng rợn, kỹ xảo thì Đoạt hồn có “chất” hơn hẳn những phim được gắn cụm từ “kinh dị” trước đây của VN. Phim kinh dị Việt thường bị cho là làm chưa đủ để khán giả sợ, phần lớn do khâu hóa trang, kỹ xảo và âm thanh còn yếu. Tất cả các yếu tố đáng lý phải được đẩy mạnh thì lại rất sơ sài và không tạo được hiệu ứng rùng rợn cho phim kinh dị “made in VN”.
Rào cản kiểm duyệt
Như đã nói, dù Đoạt hồn chưa hoàn toàn là một bộ phim đáp ứng kỳ vọng cho dòng phim kinh dị Việt, nhưng rõ ràng đây là phim tiên phong cho một thời kỳ mới, “cởi mở” hơn về sự “sáng tạo” trong việc thực hiện một bộ phim kinh dị tại VN.
Phim kinh dị Việt đã xuất hiện từ vài thập niên trước với nhiều phim như Lệ đá, Con ma nhà họ Hứa, Xác chết trên cao nguyên, Ngôi nhà oan khốc, Chiếc mặt nạ da người, Cái chết lúc nửa đêm, Suối oan hồn... ; gần đây là Mười, Bóng ma học đường, Giữa hai thế giới, Lời nguyền huyết ngải, Bẫy cấp 3, Cột mốc 23, Ngôi nhà trong hẻm, Quả tim máu, Scandal... Trên thế giới, thể loại phim ly kỳ, kinh dị luôn thu hút một lượng lớn khán giả, và với thị trường phim Việt cũng không ngoại lệ khi nhiều phim mang yếu tố kinh dị, tâm linh liên tục được các hãng triển khai dồn dập. Có thể nói, khi hai thể loại quen thuộc của phim Việt là hài và tình cảm đã được các đạo diễn dọn đủ món, đủ khẩu vị cho khán giả thưởng thức đến mức không còn chiêu nào mới, thì thị trường phim Việt đã “mở đường sống” cho mình, vét túi tiền khán giả bằng cách bắt đầu chuyển hướng sang khai thác những dòng phim khác, kiểu như phim kinh dị. Thế nhưng, băn khoăn lớn nhất của các nhà sản xuất, đạo diễn khi chọn thể loại phim kinh dị vẫn chính là “vượt qua rào cản kiểm duyệt” để được ra rạp. Ai cũng hiểu Hội đồng Duyệt phim quốc gia nếu có thẩm định, cắt xén hay cấm chiếu một bộ phim nào đó cũng đều dựa theo cái “khung” của Quy chế duyệt phim và những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh của luật Điện ảnh VN. Tuy nhiên, cái khung ấy còn quá mơ hồ, chung chung và hiện đã “lỗi thời” so với sự phát triển của điện ảnh cũng như trình độ thưởng thức của khán giả.
Có thể thấy, những vấn đề phức tạp của chuyện kiểm duyệt và cách phân loại khán giả còn khá hạn chế ở VN là một trở ngại cho các phim kinh dị Việt. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ: “Làm phim kinh dị đã khó. Làm phim kinh dị cho khán giả Việt và chinh phục thị trường Việt lại càng khó hơn. Có thể nhiều đạo diễn muốn làm “tới bến” thể loại phim kinh dị, sẽ dọa khán giả chết khiếp hơn nữa, nhưng ai mà biết liệu nó có bị cắt hay không”. Thế nên, phim kinh dị Việt hiện tại chỉ mới dừng ở mức chất lượng chưa đủ để khán giả sợ, và thực tế thì chỉ có các nhà làm phim sợ hãi khi thực hiện mà thôi.