Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả các ngành giống nhau sẽ có chung tên ngành và mã ngành thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nhiều trường vẫn chưa có mã ngành, trong khi thí sinh không biết điền hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) sao cho chính xác.
Nhiều thông tin về ngành, mã ngành tuyển sinh đến nay vẫn chưa thống nhất. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (TP.HCM) được giáo viên hướng dẫn cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi - Ảnh: Như Hùng
Theo TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), thực tế một ngành có thể có nhiều chương trình đào tạo khác nhau (chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết quốc tế...), nhưng theo mẫu hồ sơ ĐKDT năm nay lại không phân biệt được việc này.
Không phân biệt chương trình
“Lẽ ra trong hồ sơ ĐKDT phải có mục “chương trình đào tạo” để phân biệt các chương trình khác nhau. Bên cạnh đó, cùng một ngành đào tạo nhưng ở từng trường sẽ có sự khác nhau, cụ thể như ngành luật ở trường kinh tế sẽ khác so với ngành luật ở trường luật nhưng hiện nay ngành này đều có chung mã nên không thể phân biệt được” - TS Quang nói.
Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, một số trường đưa ra “sáng kiến” hướng dẫn thí sinh ghi theo cách riêng của từng trường và cho biết sẽ xử lý thông tin sau. Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) đã hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ ĐKDT bằng cách ghi đúng mã ngành theo quy định chung, nhưng trong mục “chuyên ngành” thí sinh phải ghi rõ “chương trình do Trường ĐH Quốc tế cấp bằng” hoặc “chương trình liên kết...”. Như vậy nhà trường phải tốn thêm thời gian để xử lý lại những thông tin này.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - bức xúc: “Khi đăng ký mã ngành với Bộ GD-ĐT để xây dựng danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ CĐ, ĐH, chúng tôi đề nghị phải có mã ngành cho các ngành khối sư phạm kỹ thuật của trường để phân biệt với các ngành khối công nghệ nhưng không được bộ giải quyết. Vì thế, hiện nay mã ngành của 10 ngành đào tạo ở hai khối này như nhau, không phân biệt được. Khi thí sinh đăng ký các ngành khối sư phạm kỹ thuật sẽ bối rối và nhà trường cũng không thể phân biệt”.
Chính vì vậy, theo ông Dũng, khả năng điểm chuẩn của các ngành sư phạm kỹ thuật và công nghệ của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm nay sẽ như nhau, trong khi những năm trước điểm của hai khối này chênh lệch nhau 1,5 điểm. “Đây là sự bất cập rất lớn, trong khi khuyến khích thí sinh vào các ngành sư phạm nhưng các em lại không được đăng ký ngay từ đầu”- PGS.TS Dũng nói.
Đồng thời, ông Dũng cho biết thêm: “Có lẽ nhà trường phải xử lý theo cách khi các em trúng tuyển vào trường rồi mới cho đăng ký ngành. Hoặc chúng tôi cũng đang tính đến việc cho thí sinh đăng ký lại vào ngày làm thủ tục dự thi để phân loại rõ ràng hơn”.
Trường có trường không
Một vấn đề đang gây khó khăn cho thí sinh và các trường cũng lúng túng là đăng ký ghi mã ngành. Nhiều chuyên ngành trước đây có mã ngành riêng nhưng nay phải gom lại chung thành một nhóm ngành. Với quy định như hiện nay không thể hiện rõ được chuyên ngành thí sinh có nguyện vọng đăng ký.
Thực tế, nhiều trường ĐH nếu chỉ dựa theo thông tư 14 phải “ép” một số chuyên ngành qua một ngành có sẵn trong thông tư này. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) trước đây có các ngành luật kinh doanh, luật tài chính - ngân hàng - chứng khoán, luật thương mại quốc tế nhưng theo thông tư 14 của Bộ GD-ĐT lại không có những tên ngành này nên nhà trường phải “ép” chung vào ngành luật kinh tế (mã ngành D380107).
Trong khi đó, Trường ĐH Luật Hà Nội lại có ngành luật thương mại quốc tế (mã ngành D110101) và Khoa luật - ĐHQG Hà Nội cũng có ngành luật kinh doanh (mã ngành D380109).
Nếu so sánh thông tin từ cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 với thông tư 14 còn có một loạt mã ngành được các trường bổ sung không có trong thông tư này. Cụ thể: ngành quản trị luật (mã ngành D110103 - Trường ĐH Luật TP.HCM), ngành cấp thoát nước (mã ngành D110104 các trường: ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng Hà Nội), ngành thống kê kinh tế (mã ngành D110105 - Trường ĐH Kinh tế quốc dân)...
“Việc này sẽ gây bất lợi cho thí sinh vì sẽ xảy ra trường hợp thí sinh trúng tuyển vào ngành mình không yêu thích do không có phân biệt mã ngành rõ ràng ở các trường chỉ dựa vào mã ngành cấp IV theo thông tư 14 của Bộ GD-ĐT” - một chuyên gia nhận định.
Các cụm đều tổ chức thi khối A1
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi lãnh đạo địa phương của các cụm thi quốc gia đề nghị phối hợp với Bộ GD-ĐT, các trường ĐH đảm bảo tốt nhất các điều kiện cần thiết cho kỳ thi tuyển sinh năm 2012. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, trưởng các cụm thi liên trường chịu trách nhiệm tổ chức thi gồm các khối thi chung (trong đó có khối A1), trừ các khối thi năng khiếu thí sinh phải thi tại trường tổ chức thi.
TS Lê Xuân Vinh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn cho biết: “Mặc dù năm nay Trường ĐH Quy Nhơn không tuyển khối A1 nhưng với trách nhiệm là trưởng cụm, chúng tôi vẫn tổ chức thi cho thí sinh khối A1 của các trường như những khối thi bình thường khác. Việc này tương tự những năm trước, ở các khối thi D2, 3, 4... dù có vài thí sinh vẫn tổ chức thi bình thường”.