Lộ hàng loạt ảnh khó coi về sư thầy
Trước đó, vào cuối tháng 9 vừa qua, hình ảnh vị Đại đức này chụp cùng một cô gái trẻ đẹp đã được phát tán trên mạng Facebook cá nhân mang tên H.M. Thoạt xem qua, đây chỉ là những bức ảnh bình thường về một cặp nam nữ yêu nhau. Người đàn ông đội mũ, mặc áo thun, quần sooc jean, vẻ mặt khá mãn nguyện khi được 1 cô gái trẻ ôm choàng, âu yếm… Có tấm ảnh còn ghi lại cảnh cô gái này “thơm má” người đàn ông kia.
Sự việc chỉ trở nên ầm ĩ khi 1 số phật tử từng đi viếng chùa Khánh Quang (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) – ngôi chùa khá lớn và có tiếng ở Cần Thơ, nhận ra người đàn ông trong ảnh chính là Đại đức Thích Minh Nhựt – Thành viên Ban Trụ trì chùa này! Đến lúc này nhiều người khác mới ngỡ ngàng khi nhận ra đúng là trên các bức hình, người đàn ông không có tóc lộ ra 2 bên, cái mũ kết chỉ che phía trên đầu!
Và chính chủ nhân trang FB mang tên H.M.., khi tung thêm nhiều bức ảnh chụp vị sư này, đã kèm theo lời bình như một sự xác nhận: “… Dưới đây là những hình ảnh mà 1 người đã khoác lên mình chiếc áo nâu sòng, từ bỏ tất cả những hình ảnh khó coi, ôm ấp phụ nữ, thế còn gì là người tu hành nữa? … Ông thầy này chùa Khánh Quang”. Tiếp đó, là những hình ảnh vị sư này ngồi xoạc chân bấm điện thoại, vô tư gác chân lên ghế để ngồi ăn quán.
Ngay sau khi phát hiện những hình ảnh nhạy cảm nói trên, Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Cần Thơ đã xác minh và cho thấy đó đúng là hình ảnh của Đại đức Thích Minh Nhựt. Qua làm việc, vị Đại đức này cũng thành khẩn xác nhận đấy là ảnh thực chứ không phải ảnh ghép. Dự kiến, sau khi tạm đình chỉ vị Đại đức này, sẽ có cuộc họp mở rộng để có quyết định xử lý cuối cùng về nhà sư vi phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người tu hành trong mắt mọi người.
Nhà sư bị gài bẫy?
Đại đức Thích Minh Nhựt tên thật là Phan Hạnh Ph., sinh năm 1981, đã theo đường tu hành khá lâu. Còn nhân vật nữ chụp cùng vị sư này là chủ quán nhậu nội ô TP.Cần Thơ, hơn 30 tuổi và khá xinh đẹp.
Những ngày qua, một số nguồn tin cho rằng, cô gái trong ảnh là người bạn học thân thiết hồi nhỏ của Đại đức Thích Minh Nhựt. Sau khi rời ghế nhà trường, người vào “trường đời”, người theo đường tu hành. Gần đây vô tình gặp nhau, nghĩ cũng từng là bạn thân thiết và cũng vì quá vui mừng tao ngộ, nên họ mới vô tình có những hình ảnh thân thiết đến vậy?
Tuy nhiên, chị P. – người từng là bạn học của Đại đức Thích Minh Nhựt, thú nhận: “Đúng là hồi đi học, Ph. - Đại đức Thích Minh Nhựt_ từng rất thân thiết, luôn “cặp kè” với 1 cô bạn hoc xinh đẹp. Nhưng hoàn toàn không phải là cô gái trong những tấm hình được đưa lên FB!”. Và chính chị P. cũng khẳng định trong số tất cả bạn học hồi xưa, không hề có cô gái này.
Theo một số người thân cận với ông Đại đức này, thì cô gái trên chính là người đã “gài bẫy” ông! Gần đây, sau khi làm quen, cô ta chủ động săn đón, thể hiện tình cảm thân mật, rủ đi chơi, ăn uống và chụp hình… Nhiều khả năng cô ta định dùng những bức hình này để làm áp lực với ông Đại đức, đòi hỏi quyền lợi gì đó, nhưng do nhà sư không chấp nhận, biết đã không còn hy vọng “đổi chác” gì, nên cô nàng quyết định tung hình lên Facebook?
Sư Nhựt thừa nhận những bức ảnh trên không phải ảnh ghép mà chính nhà sư chụp
Cấm chỉ để răn, muốn tự răn mình thì chỉ có cái tâm
Ở Nhật hiện nay, hình ảnh các nhà sư đứng cạnh những cô gái đẹp, thậm chí có những cử chỉ thân mật là điều bình thường. Đơn giản, vì tại Nhật, có một số hộ phái Phật giáo đã cho phép nhà sự được kết hôn. Và khi kinh tế suy thoái, nhiều cô gái trẻ đẹp muốn lấy nhà sư làm chồng bởi các vị sư ở quốc gia được coi là tầng lớp khá giả.
Ở Nhật, các sư có nguồn thu nhập khá cao. Trước hết là từ việc báo đáp của người dân sau khi họ tụng kinh và làm Phật sự. Ngoài ra,các chùa còn được phép bán đất làm mộ phần. Ở xứ sở “mặt trời mọc” đất đai khá khan hiếm, nên 1 phần mộ có giá trị vài triệu yên Nhật là điều bình thường. Ngoài ra, thân nhân người đã khuất, sau khi xây cất mộ phần cho người thân, hàng năm còn đều đặn gửi 1 khoản tiền để các sư coi sóc, chăm nom mộ… Sau khi cưới vợ, sinh con, các sư có thể tìm nhà sống ở gần chùa, hàng ngày vẫn vào chùa làm Phật sự.
Nhưng ở Việt Nam, đã khoác lên người chiếc áo nhà tu là đã xem như gác bỏ mọi thứ trần tục, xem tiền tài, sắc đẹp, của cải… như những thứ hư không. Và “sắc” là 1 trong những điều cấm kỵ của nhà sư!
Có nhiều người từng phê phán rằng, một vài vị sư bây giờ đam mê vật chất quá, như mê Iphone, mê xe tay ga, thậm chí chỉ thích ngồi ô tô bạc tỷ. Tất nhiên, một vài cá thích “đam mê” vật chất quá đáng đã bị dư luận lên án và các vị chức sắc của Phật giáo cũng đã có hình thức răn đe. Cũng có người quan niệm “thoáng” rằng sư cũng là người, cùng làm “nghề” nên trong cuộc sống vẫn phải cần sự trợ giúp của các phương tiện đi lại, liên lạc như xe cộ, điện thoại… Thời nay, gia chủ có việc hữu sự, cần nhà sư giúp cầu kinh, làm lễ, có thể chỉ cần nhấc điện thoại lên. Tiện quá đi chứ! Đâu có ai muốn ngồi chờ hàng giờ đồng hồ để nhà sư quá bộ đến, hoặc ngồi trên chiếc xe cọc cạch rồi hư hỏng giữa đường? Âu cũng là tiện cho cả đôi bên. Còn tiền cúng chùa, đã chấp nhận “gửi lòng thành" của mình vào thùng Phước Thiện rồi thì chuyện chi xài, lo chuyện nhà chùa, lo cho phật tử… thấy nào là chuyện của các sư, đừng thắc mắc!
Nhưng “sắc” thì không thể! Thậm chí, nhiều người còn truyền tai nhau, ở các chùa thường trồng rau răm – 1 loại rau được xem như thần dược để dằn lại ham muốn sắc dục. Thực ra, nếu đã chấp nhận xuống tóc, mặc áo cà sa, thì mọi thứ để khắc trị ham muốn đời thường đều nằm trong tâm. Chính tâm chúng ta sẽ quyết định mọi hành động, chỉ có người tâm không vững mới phải nhờ đến sự trợ giúp.
Không ai chấp nhận chuyện nhà sư ở Việt Nam có… vợ, hoặc tằng tịu với một số cô gái. Đó là cấm kỵ của nhà Phật từ bao đời nay! Cấm chỉ để răn, còn muốn tự răn mình thì như đã nói, chỉ có cái tâm. Mà cái tâm mình còn không răn được chính mình, thì làm sao giảng lời kinh tệ? Nếu còn ham “sắc”, ham của cải vật chất thì đừng khoác áo nâu sòng.
Trở lại chuyện của Đại đức Thích Minh Nhựt. Cho dù tâm ông có sáng đi chăng nữa, nhưng những hành động của ông thật khó để công chúng chấp nhận. Ông đã tự bôi xấu lên chức danh Đại đức của chính mình và làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp đẽ của những nhười tu hành chân chính.