Phi “thảm họa” bất thành… sao!

Đó là nhận định của hầu hết nhà chuyên môn, nghiên cứu, quản lý văn hóa tại Hội nghị "Nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn" vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Nhận định ấy quả là rất sáng suốt khi thời gian qua, những khán giả chân chính đã phải "chấp nhận" những món ăn tinh thần phi nghệ thuật, đầy "thảm họa" ở tất cả những lĩnh vực của văn hóa nghệ thuật.

“Thảm họa” thời trang

Năm nay, bộ trang phục của ca sĩ kiêm diễn viên Minh Hằng được dư luận đánh giá: vượt qua thời gian, thẩm mỹ của nhân loại… để vượt lên dẫn đầu “top thảm họa” thời trang lên sân khấu vì nó được may hoàn toàn bằng ren. Mà đã may bằng ren thì mặc coi như không mặc. Đã vậy, khi biểu diễn Minh Hằng còn phanh toàn bộ ngực áo để khoe… áo “chip”. Đúng là, Minh Hằng đã “thiếu” văn hóa, nhận thức, “thiếu” tinh tế để lựa chọn trang phục này. Nhất là khán giả của sân khấu đêm ấy đều là những người đáng kính như bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lãnh đạo địa phương tỉnh Quảng Bình.

Tương tự, Thu Minh – nữ ca sĩ với giọng hát đầy lôi cuốn, ma mỵ, bất kỳ lúc nào cũng có thể “đốt cháy sân khấu” bằng những ca khúc: “Đường cong”, “Chuông gió”… cũng “diện” trang phục “độc nhất vô nhị” lên sân khấu mà tất cả các thời trang “kinh dị” khác đều phải… “ngước nhìn”. Quần ngắn đến nỗi không thể ngắn được hơn đi kèm với một chiếc áo trong suốt, Thu Minh đã mặc nó trong chương trình nghệ thuật lớn, quy tụ nhiều ngôi sao của giới showbiz và đặc biệt rất nhiều khán giả trẻ tham dự. Đương nhiên, trong trang phục như vậy, da thịt của Thu Minh lộ hết. Để “hấp dẫn” hơn, cô còn đẩy ngực cao hơn… mặt. Thì cũng đúng thôi, phương châm của Thu Minh trong trang phục biểu diễn là luôn nửa kín nửa hở những phần nhạy cảm trên cơ thể của phụ nữ và cô đã chứng minh điều đó. Ai muốn nói gì thì nói, bất bình thế nào thì bất bình, mặc quần áo thế nào là việc của cô. Kể cả khi những trang phục ấy làm cho cô thường xuyên có mặt trong “top” những “sao mặc xấu” được xếp hạng trên một tờ báo mạng.

Mới đây, người đẹp Dương Yến Ngọc cũng “sa” vào lối ăn mặc như vậy trong một sự kiện. Nhưng vì bị phản ứng mạnh mẽ, Yến Ngọc đã ngỏ lời xin lỗi mặc dù có người cho rằng, thực ra đó chỉ là chiêu “PR” láu cá cho bản thân.

“Thảm họa” nhạc Việt


Ca sĩ Thu Minh

Không chỉ hình thức mà ngay cả âm nhạc, là sản phẩm văn hóa có tác động, định hướng tinh thần của con người thì một số ca sĩ, diễn viên… cũng gây “thảm họa” kinh hoàng. Dù đã trở thành “xưa cũ” nhưng bài hát “Làn da nâu” của Phi Thanh Vân có thể coi vẫn giữ đầu bảng thảm họa trong lĩnh vực này. Lời bài hát chỉ duy nhất có câu: “Em có một khát khao. Em có một ước ao. Làn da nâu, làn da nâu”  mà được lặp đi lặp lại từ khi mở đầu cho đến kết thúc bài hát. “Giỏi” nhất ở chỗ Phi Thanh Vân còn dám công khai và “ra mặt” khẳng định đó là sản phẩm, “đứa con tinh thần” của mình. Cô còn ra tiếp “Làn da nâu 2” mặc dù dư luận lên án gay gắt, thậm chí khiếp đảm với những “dự án” âm nhạc của cô.

Nối gót đàn chị, Huyền thoại – nhóm nhạc trẻ vừa ra đời một album mà xét về giai điệu, lời ca “thảm họa” không kém gì so với nhạc phẩm của “thế hệ trước” Phi Thanh Vân. Album có lời hát: “Cái ông thầy (thầy giáo) gì đâu mà lúc nào cũng nghiêm nghị, lên trả lời bài mà cứ cho zero”. Hay “… Còn nhớ mình năm ngoái là đại ca trong lớp, giờ hàng ngày 5 tiết học phải ra quỳ ở hành lang thật là bức xúc lắm. Trời ơi, sao mà ghét ông thầy quá!”. Ông tổ của ngành âm nhạc (nếu xác định được) nếu sống lại, nghe được nhạc phẩm này chắc phải “chắp tay bái phục” về sự “sáng tạo”, sự “nên thơ” trong ca từ của bài hát… Chưa hết, album này còn xuyên tạc: “Cô và mẹ là hai con cáo. Mẹ và cô đấy hai mẹ mìn” dựa trên bài hát “Cô và mẹ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Không cần phải bình luận gì thêm bởi album này cho thấy rõ không chỉ góp phần gây nên thảm họa trong âm nhạc Việt mà nó còn làm suy đồi đạo đức, những giá trị truyền thống trong đạo thầy – trò, mẹ – con vốn vẫn được nâng niu, kính trọng từ thủy tổ loài người cho đến nay.

Thảm họa phim truyền hình Việt

Phim Việt cũng đang lâm vào tình trạng ngày càng có nhiều hơn phim “thảm họa” ra đời, thậm chí có phim chiếu giờ vàng còn bị ngưng phát sóng. Chưa nghiêm trọng như các lĩnh vực khác, nhưng có thể điểm mặt chỉ tên những phim có chất lượng kém như “Cầu vồng tình yêu”, “Xin thề anh nói thật”, “Anh chàng vượt thời gian”… Chưa khi nào phim truyền hình lại bị cả người trong lẫn ngoài cuộc phàn nàn nhiều như thời điểm này. Người trong nghề thì rùng mình vì chất lượng còn khán giả thì  tẩy chay vì những bộ phim nhạt nhẽo.

Sau nghị định sẽ là luật

Có thể nói tất cả những “thảm họa” văn hóa trên đây sẽ làm cho thẩm mỹ, đạo đức của con người, xã hội ngày càng suy đồi, bấn loạn, những chân giá trị sẽ bị phủ nhận dẫn đến hệ lụy khôn lường trong đời sống của con người.  Theo các nhà chuyên môn, để xảy ra những thảm họa như vậy, nguyên nhân trước hết chính là do công tác quản lý chưa chặt chẽ, chưa nghiêm minh, chế tài chưa đủ sức răn đe đặc biệt là trong xử lý những sai phạm. Bởi chính những sai phạm từ “tiểu” tích thành “đại” sẽ trở thành “thảm họa” trong văn hóa. Cụ thể như hát nhép, trang phục hở hang, nhạc phẩm phi giá trị, nghệ thuật… thay vì xử phạt hành chính như hiện nay phải cấm phát hành, biểu diễn công khai trước công chúng.

Nội dung quy định phải rõ ràng, cụ thể chứ chung chung như: “Cấm ăn mặc hở hang, phản cảm”, nhưng thế nào là hở hang, phản cảm lại không quy định rõ ràng. Nguyên nhân thứ hai là “tâm”, “tài” của một số nghệ sĩ không vẹn toàn dẫn đến dở chiêu trò theo phương châm “phi thảm họa bất thành sao” để thu hút sự chú ý của khán giả, đánh bóng tên tuổi… Thứ ba chính là do một số phương tiện truyền thông, thậm chí cả khán giả vì họ đã tung hô, đón nhận thái quá, dễ dãi đối với những sản phẩm mang tính “thảm họa”.

Để cải thiện đồng thời loại bỏ những thảm họa văn hóa nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: “Trước hết, sẽ trình Chính phủ Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn. Sau đó sẽ tiến hành các bước cho sự ra đời Luật Biểu diễn”. Ông Biên còn khẳng định: “Khi Luật ra đời, chắc chắn những gì được coi là phi văn hóa, phi nghệ thuật, những “thảm họa” sẽ được loại bỏ bằng cách cấm vĩnh viễn hoặc một thời gian nhất định (tùy theo mức độ) chứ không xử phạt hành chính như hiện nay”. Và người ta đang rất hy vọng, trông chờ vào những gì ông Biên nói…