Theo chuyên gia này, chiếc máy bay MH17 đã bị bắn hạ bởi một chiếc MiG-29 của Ukraine, nhưng người điều khiển chiếc máy bay MiG-29 hung ác đó rất có khả năng lại là một phi công người Ba Lan.
Hai hộp đen của máy bay MH17 được bàn giao cho các quan chức Malaysia. Ảnh: AFP-TTXVN
Không có tên lửa trong thảm kịch MH17
Bác bỏ giả thuyết của Mỹ và Ukraine cho rằng chiếc máy bay MH17 đã bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không từ bệ phóng di động Buk-1M do lực lượng đòi liên bang hóa ở Đông Ukraine bắn lên, ông Valentin Vasilescu phân tích: “Một tên lửa đất đối không, với đầu nạn nặng từ 40 – 70 kg, không phát nổ bên trong mục tiêu của vụ tấn công, mà nổ ở gần mục tiêu đó, với khoảng cách từ 50 – 100m. Sự kích nổ của đầu đạn tạo ra một sóng sốc sẽ phát tán các mảnh vỡ ở vận tốc cao”.
“Mặc dù các mảnh vỡ này có thể đâm thủng thân của một chiếc máy bay, nhưng không thể phá hủy chiếc máy bay Boeing 777 thành các mảnh nhỏ tách rời bởi chính kích thước của chiếc Boeing 777 (dài 73m, sải cánh lớn). Điều này chỉ có thể xảy ra với một chiếc máy bay nhỏ hơn từ 7 – 10 lần”, ông khẳng định.
Ông Valentin Vasilescu lập luận “các mảnh vỡ trên, khi va vào một chiếc Boeing 777, có thể làm đứt hệ thống dẫn nhiên liệu, khiến nhiên liệu lan ra thân và cánh, làm cả chiếc máy bay bốc cháy”.
“Tương tự như vậy, nếu hệ thống thủy lực bị phá hủy, chiếc Boeing 777 sẽ phải ở trong tình trạng mất kiểm soát. Do đó, nếu một chiếc máy bay khổng lồ như chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị một tên lửa đất đối không tấn công, phi hành đoàn sẽ có thể đưa ra lời cảnh báo về tình hình trên máy bay. Nhưng chúng ta không nhận thấy bất kì điều gì như vậy trong các ghi chép về vụ việc”, ông Valentin Vasilescu nói.
Như thông tin có được từ các hộp đen của máy bay, MH17 đã gãy tan trong không trung. Nhưng khả năng này chỉ xảy ra trong trường hợp đã có một cú bổ nhào xuống từ độ cao 3.000m, khi chiếc máy bay vượt qua giới hạn vận tốc cực đại. “Nếu chiếc máy bay quay tròn, thông thường các phi công sẽ mất khả năng kiểm soát. Tình trạng giảm áp suất ngay lập tức tại buồng lái cũng có thể xảy ra”, ông nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Douglas Barrie của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết những phần rìa của một mảng vỏ buồng lái bên phải bị cong từ trong ra ngoài. Điều này chỉ ra khả năng của một vụ nổ xảy ra bên trong máy bay. Khả năng này hoàn toàn có thể nếu chiếc Boeing MH17 bị bắn hạ bởi một tên lửa có ngòi nổ cận đích (proximity fuze) sẽ tự động kích nổ khi bay gần mục tiêu.
Theo chuyên gia này, chiếc Boeing 777 không thể bị bắn hạ bởi một tên lửa Buk-M1 do không ghi nhận có bức xạ điện từ, trên bầu trời cũng không thấy khói dày hay sự ngưng tụ trắng trong độ cao 10 – 35 km từ mặt đất, những dấu hiệu, nếu có, sẽ tồn tại trong nhiều phút sau một vụ phóng tên lửa.
Còn ông Valentin thì cho rằng, ngay cả một quả tên lửa không đối không có ngòi nổ cận đích như R-60 cũng không thể là tác giả của thảm kịch MH17 bởi nếu R-60 được sử dụng, các mảnh vỡ sẽ bay vòng 360 độ và tấn công toàn bộ thân của chiếc máy bay chứ không chỉ nhắm vào khoang lái. Bên cạnh đó, các tên lửa không đối không được trang bị thiết bị cảm biến nhiệt sẽ nhắm vào phần nóng nhất của chiếc máy bay, như các động cơ.
Trong khi đó, chiếc máy bay Boeing có khoang lái bị phá hủy. Cái chết của các phi công và sự giảm áp suất trong khoang lái khiến chiếc Boeing xoay liên tục, và chiếc máy bay vỡ ra ở độ cao 2.000m. Trong không khí đã không có dấu hiệu của lửa lẫn vụ nổ bom nào.
Lực lượng cứu hộ Ukraine tìm kiếm thi thể các nạn nhân, tại Grabove, Donetsk ngày 19/7. Ảnh: AFP/ TTXVN
Sát nhân trên bầu trời
Ngoài ra, ông Douglas cũng lưu ý, ông không phải là người duy nhất có quan điểm này. Đơn cử có ông Gordon Duff, một cựu binh từng tham gia Chiến tranh Việt Nam, gần đây đảm nhận vai trò cố vấn an ninh, tin rằng chiếc Boeing của Malaysia không thể bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không hoặc không đối không. Theo ông này, chỉ có thể có hai khả năng: hoặc đã có một vụ nổ bom trong máy bay, hoặc có “một khẩu súng trên một máy bay chiến đấu của Ukraine” đã được sử dụng để bắn hạ MH17.
“Kẻ lên kế hoạch tấn công là người có đầu óc ma mãnh, bởi chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ bằng một khẩu súng trên một máy bay khác. Khẩu súng này để lại những dấu vết khiến người khác tin rằng đó là một quả bom nhỏ nổ bên trong chiếc máy bay”, ông nói.
Trong khi đó, trong một bản báo cáo về vụ việc, chuyên gia người Canada Michael Bociurkiw có viết, một phần của thân máy bay có những chấm nhỏ “hình dáng như mảnh bom, gần như là các lỗ đạn của một khẩu súng máy”. Ông cho biết những vết tích này được chính các quan chức an ninh hàng không Malaysia kiểm tra. Do đó, ông Bociurkiw tin rằng chiếc Boeing MH17 bị bắn hạ bởi các loại vũ khí nhỏ hoặc vũ khí tự động trên một chiếc máy bay chiến đấu có hỏa lực cao.
Một thông tin khác được viện dẫn ra để nâng tính tin cậy của giả thuyết này là những tình tiết trong bài báo của phóng viên Olga Ivzina (tập đoàn truyền thông BBC) đăng ngày 23/7/2014 nhưng sau đó bị cắt bỏ. Bài báo cung cấp bằng chứng cho thấy người dân sinh sống tại khu vực Donetsk xác nhận có sự hiện diện của một chiếc máy bay khác trên bầu trời trong khu vực đó, nơi thảm kịch xảy ra.
Trở lại với những lập luận của chuyên gia quân sự người Romania, ông Velentin Vasliescu đánh giá bằng chứng do các chuyên gia quân đội Nga cung cấp về sự tham gia của một máy bay chiến đấu của Ukraine trong vụ phá hủy chiếc máy bay Boeing của Malaysia khá thuyết phục.
Ông kể lại, tại buổi họp báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/7/2014, các quan chức Nga đã chỉ ra rằng vào thời điểm chiếc máy bay MH17 biến mất khỏi các màn hình radar, các trạm radar của Bộ Quốc phòng Nga nhận thấy sự có mặt của một chiếc máy bay khác, được cho là một chiếc Su-25.
Chiếc máy bay này (Su-25) có khả năng đạt độ cao tới 10km và có thể được trang bị với các tên lửa không đối không với tầm bắn 12km, có khả năng tấn công các mục tiêu từ khoảng cách 5km. Vào thời điểm trên, chiếc máy bay không xác định đã tiếp cận chiếc Boing 777 ở khoảng cách từ 3 – 5km và sau đó tiếp tục tuần tra địa điểm vụ rơi máy bay.
Bàn tay ai nhuốm máu?
Bản đồ khu vực: Kiev (vòng tròn đỏ), Donetsk (vòng tròn vàng), Ivano-Frankivsk (vòng tròn xanh). Ảnh: Google Earth
Tuy nhiên, chuyên gia Romania lại tin rằng đó không thể là một chiếc Su-25 của Ukraine, bởi một chiếc Su-25 của Ukraine không thể đạt độ cao 10.300m và tấn công chiếc Boeing 777 trong khi khả năng đào tạo phi công của Ukraine còn rất hạn chế và Su-25 của nước này lại quá già cỗi.
Theo ông Vasilescu, trên màn hình radar, biểu hiện của chiếc Su-25 tương tự như MiG-29, bởi các máy bay này có diện tích bề mặt như nhau. “Một chiếc MiG-29 có độ cao giới hạn là 18.013m, vì vậy đạt độ cao 10.300m mà chiếc máy bay Malaysia đang bay vào thời điểm không phải là nhiệm vụ bất khả thi”.
Ông phân tích thêm: “Chiếc Su-25 không có đủ gia tốc cần thiết do vận tốc tối đa là 975kh/h, vì vậy nó không thể đuổi kịp chiếc Boeing 777 từ khoảng cách 58km với vận tốc 900km/h ở độ cao 10.000m, đồng thời duy trì vận tốc khoảng 200 – 300m/giây, để tấn công bằng các vũ khí trên máy bay”.
“Trong khi đó, một chiếc MiG-29 có hai động cơ đẩy, điều này cho phép nó đạt vận tốc 2.000km/h. Không lực Ukraine có máy bay MiG-29 có khả năng chặn chiếc Boeing 777. Các máy bay chiến đấu này nằm ở gần Kiev và Ivano-Frankivsk”, chuyên gia kết luận.
Vasilescu cho biết thêm chiếc MiG-29 của quân đội Ukraine được trang bị súng GSh-301 30mm, với tốc độ 1.500 vòng mỗi phút. Khẩu súng được nạp 150 viên đạn chứa hợp kim vonfram. “Những viên đạn này đi xuyên qua mục tiêu, để lại dấu vết là một vòng tròn hoàn chỉnh. Chúng không nổ bên trong buồng lái, chúng không gây cháy, nhưng có thể giết phi công và phá hủy buồng lái, có thể thấy dấu vết của các lỗ tròn với phần rìa mở bung ra ngoài ở mặt đối diện.
Với tất cả các lập luận trên, chuyên gia Romania cho rằng chiếc máy bay Boeing MH17 của Malaysia bị bắn hạ bởi một khẩu súng trên một chiếc MiG-29.
Để gợi ý cho câu hỏi ai là người đã lái chiếc MiG-29 của Ukraine, chuyên gia Romania lưu ý, các phi công quân đội Ba Lan là những người được đào tạo bài bản nhất ở đông nam châu Âu và có kinh nghiệm qua nhiều giờ bay (180 – 200 giờ mỗi năm).
“Họ quen thuộc với bầu trời của Ukraine, họ tham gia và các cuộc tập trận mà không lực Ukraine đã tổ chức trong 4 hay 5 năm qua. Không lực Ba Lan có 31 chiếc MiG-29, 16 trong số đó được tân trang lại bởi các chuyên gia của công nghiệp vũ trụ Israel. Những chiếc máy bay này sử dụng nhiều thiết kế điện tử áp dụng cho hàng không (các màn hình màu đa chức năng, các vũ khí được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS, hỗ trợ kết nối dữ liệu…)”, chuyên gia người Romania nói.
Để kết thúc cho giả thuyết của mình, ông Velentin Vasilescu cho hay, các phi công Ba Lan được đào tạo bởi các bậc thầy người Israel, những người có nhiều kinh nghiệm trong việc phá hủy nhiều loại mục tiêu trên không.