- Tại sao phải thành lập Quỹ bảo trì đường bộ?
Đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong quá trình khai thác, sử dụng, đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật. Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã quan tâm bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống quốc lộ và khoảng 20-30% nhu cầu quản lý bảo trì đối hệ thống đường bộ địa phương. Do vậy phải thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ để huy động thêm nguồn từ người sử dụng đường bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
- Cơ sở pháp lý của việc thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ?
Việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ theo quy định tại Điều 49 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Trong đó quy định Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương được bảo đảm từ quỹ bảo trì đường bộ (trừ đường chuyên dùng và đường được đầu tư xây dựng từ kinh phí ngoài ngân sách). Chính phủ quy định cụ thể việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ ở trung ương và địa phương.
- Mục đích thành lập Quỹ bảo trì đường bộ?
Mục đích thành lập Quỹ bảo trì đường bộ nhằm huy động các nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ để cùng với ngân sách nhà nước dần từng bước đáp ứng nhu cầu vốn công tác quản lý, bảo trì đường bộ; thực hiện nguyên tắc theo cơ chế thị trường, người sử dụng các dịch vụ phải trả tiền để nhận được dịch vụ ngày càng tốt hơn. Quỹ bảo trì đường bộ trung ương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; Quỹ bảo trì đường bộ địa phương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương.
- Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ quy định phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong những nguồn hình thành Quỹ Bảo trì đường bộ. Ai sẽ phải nộp khoản phí này?
Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ theo quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ bao gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (sau đây gọi chung là xe ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (sau đây gọi chung là mô tô); người nộp phí là chủ sở hữu hoặc người sử dụng phương tiện.
Nhiều tuyến đường xấu xuống cấp đang chờ được sửa chữa. (Ảnh: Tùng Nguyễn)
- Phương thức thu, nộp phí sử dụng đường bộ theo quy định Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ?
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ quy định phương thức thu, nộp phí sử dụng đường bộ như sau:
Đối với xe ô tô đăng ký trong nước: Giao các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi tiến hành kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đối với xe ô tô đăng ký nước ngoài tạm nhập lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam: Giao các Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các Sở Giao thông vận tải thu khi phương tiện làm thủ tục nhập cảnh.
Đối với xe mô tô: Giao ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể để Ủy ban nhân dân cấp xã, phường thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô đảm bảo đơn giản, thuận tiện, tránh thất thoát.
- Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ chưa quy định mức thu phí sử dụng đường bộ, mức thu cụ thể như thế nào, cơ quan nào quyết định?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ thì Bộ Tài chính là cơ quan ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe ô tô và khung mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm đối với xe mô tô, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn trong khung mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô do Bộ Tài chính quy định.
Theo Đề án thành lập Quỹ bảo trì đường bộ, dự kiến mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô thu từ 180 ÷ 1.440 nghìn đồng/1 tháng (tùy theo tải trọng của xe, xe có tải trọng càng nặng, mức thu càng lớn); mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô từ 80 ÷ 225 nghìn đồng/1 năm (tùy theo dung tích xy lanh của xe, xe có dung tích xy lanh càng lớn, mức thu càng cao). Phí sử dụng đường bộ thu được từ mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó. Phí sử dụng đường bộ thu được từ ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%.
- Nội dung chi của Quỹ bảo trì đường bộ?
Quỹ trung ương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Nội dung chi của Quỹ bao gồm:
Chi bảo trì công trình đường bộ: Chi bảo dưỡng thường xuyên; Chi sửa chữa định kỳ (hoạt động được tiến hành theo kế hoạch nhằm khôi phục tình trạng kỹ thuật của tài sản mà bảo dưỡng thường xuyên không đáp ứng được); Chi sửa chữa đột xuất (khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão hoặc các nguyên nhân bất thường khác để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông).
Chi quản lý công trình đường bộ: Lưu trữ, quản lý và khai thác hồ sơ hoàn công công trình đường bộ; Lập hồ sơ quản lý công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ công trình đường bộ; giải tỏa hành lang an toàn đường bộ; Theo dõi tình hình hư hại công trình đường bộ; tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên....
Chi hoạt động của Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ, Văn phòng quỹ bảo trì đường bộ và các đơn vị được giao quản lý kinh phí của Quỹ bảo trì đường bộ.
Các khoản chi khác có liên quan đến bảo trì, quản lý công trình đường bộ.
- Tại sao khi thành lập Quỹ bảo trì đường bộ lại chuyển đổi phương thức thu phí sử dụng đường bộ từ thu qua trạm như hiện nay sang thu hàng năm theo đầu phương tiện?
Với phương thức thu phí qua trạm như hiện nay, chỉ có phương tiện khi đi qua trạm thu phí sử dụng đường bộ mới phải nộp phí, phương tiện không đi qua trạm không phải nộp phí. Nếu quy đổi chiều dài đường bộ được thu phí của 1 trạm tương đương với 70 km đường bộ (tương ứng với khoảng cách giữa hai trạm thu phí theo quy định của Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính) thì với 59 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ như hiện nay mới đảm nhận việc thu phí tương ứng với chiều dài 4.130 km quốc lộ (70 km x 59 trạm).
Nếu so với tổng chiều dài của hệ thống quốc lộ là 17.228 km thì chiều dài quốc lộ được thu phí chiếm tỷ trọng 23,97%. Nếu so với tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường bộ là 256.684 km thì chiều dài đường bộ được thu phí chiếm tỷ trọng 1,61%. Do vậy để đảm bảo mọi phương tiện tham gia giao thông đều có nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ thì phải thay đổi phương thức thu phí từ thu qua trạm sang thu hàng năm theo đầu phương tiện.
- Tại sao không chọn hình thức thu phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu mà lại thu hàng năm theo đầu phương tiện?.
Phí sử dụng đường bộ thu qua xăng dầu là một trong những phương án thu đã được đưa ra khi xây dựng đề án; phương thức thu này có nhiều ưu việt, nhiều nước đã áp dụng. Tuy nhiên, ở nước ta, phương thức thu này không công bằng, có lĩnh vực sử dụng xăng nhưng không phải cho mục đích giao thông đường bộ mà cho mục đích khác (như máy phát điện, máy bơm nước, máy thủy công suất nhỏ vùng đồng bằng sông cửu long; các loại xuồng...); có khoảng 70% đối tượng sử dụng dầu diesel nhưng không cho mục đích giao thông đường bộ (tàu hỏa, tàu biển, tàu đánh cá, máy thi công...), cho nên phương án được lựa chọn là thu qua đầu phương tiện.
- Với phương án được lựa chọn là thu phí qua đầu phương tiện theo Nghị định đã ban hành, có ý kiến cho rằng, sẽ là không công bằng khi xe đi ít vẫn phải đóng nhiều, mà xe đi nhiều như taxi, xe khách cũng đóng cùng một mức như xe gia đình?
Phương thức thu phí nào cũng có những tồn tại nhất định của nó. Thu theo đầu phương tiện có thể chưa phản ánh chính xác tuyệt đối việc người sử dụng phương tiện nhiều, ít; phương tiện kinh doanh có thể sử dụng đường nhiều hơn phương tiện phục vụ gia đình. Tuy nhiên cũng phải chấp nhận vì sự công bằng chỉ là tương đối, sẽ có chia sẻ giữa người này, người kia để cùng đóng góp chung cho sự nghiệp bảo trì đường bộ.
- Việc thu phí qua đầu phương tiện đối với xe máy được cho là sẽ rất rắc rối khi không kiểm soát được lượng xe di chuyển từ tỉnh này đi tỉnh khác, đăng ký một nơi nhưng lại sử dụng một nơi?
Về cơ bản với mô tô, xe máy người dân chủ yếu đi trong địa bàn địa phương. Tuy nhiên, cũng có thể đi sang các tỉnh lân cận, xe tỉnh này đi sang tỉnh kia và ngược lại. Mặt khác, việc thu phí để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tại địa phương cũng là trách nhiệm của chính quyền các cấp.
- Vấn đề xử lý các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ hiện nay khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động?
Các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước sẽ xóa bỏ, các trạm đang chuyển quyền thu phí cũng sẽ dừng khi hết hạn hợp đồng, còn các trạm thu phí công trình BOT vẫn sẽ giữ nguyên vì đó là hình thức thu hút vốn đầu tư.
- Có ý kiến cho rằng, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, phải chăng có việc phí chồng lên phí giữa phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ với phí sử dụng đường bộ?
Không có hiện tượng “phí chồng lên phí” khi thực hiện thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí sử dụng đường bộ. Hai loại phí này khác nhau cả về mục tiêu thu, đối tượng thu... cụ thể như sau:
Về mục tiêu: Phí sử dụng đường bộ thu để tạo nguồn quản lý bảo trì đường bộ đối với đường do Nhà nước đầu tư; thu để quản lý bảo trì và hoàn vốn đầu tư đối với đường đầu tư để thu hồi vốn (đường BOT, PPP…); Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; thu để tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư cho các công trình đảm bảo an toàn giao thông.
Về đối tượng: Phí sử dụng đường bộ thu với tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy. Trong khi đó Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ chỉ thu một phần nhỏ trong số đó; cụ thể là xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe mô tô, không thu phí đối với xe công (xe của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an; xe của cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài).
Về tính pháp lý: Phí sử dụng đường bộ là loại phí đã có trong danh mục phí, lệ phí và đang thực hiện; trong khi đó, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ là một loại phí mới, đã được Quốc hội cho chủ trương để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành (Nghị Quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII về chất vấn và trả lời chất vấn).