Văn hoá phát ngôn là câu chuyện muôn đời của nghệ sĩ, những người vốn có đời sống gắn liền với hào quang, danh vọng. Chuyện nghệ sĩ vạ miệng, lên báo cạnh khoé, “đá” nhau đã không còn xa lạ với công chúng. Thậm chí, cả hành động phi đạo đức như việc một nam ca sĩ khoá môi nhà sư cũng chỉ ầm ĩ được một dạo rồi trở nên bão hoà giữa những ồn ào, thị phi, phức tạp của đời sống showbiz Việt. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là dường như căn bệnh này, dù được phát hiện đã lâu nhưng càng ngày càng trở nên trầm trọng, lan rộng và không có thuốc chữa.
Thích ăn thua và văn hóa khẩu chiến, vỗ mặt
Bàn đến vấn đề này có lẽ phải nhắc đến câu chuyện của nữ ca sĩ Mỹ Lệ và nhạc sĩ Lưu Thiên Hương. Cuộc khẩu chiến gay gắt giữa "mỹ nhân ngư" và tác giả "Người hát tình ca" đã thực sự làm cho Cặp đôi hoàn hảo năm thứ hai nóng bừng. Dù rằng trước đó, hầu hết các tiết mục tham gia đều được đánh giá là nhạt. Một câu chuyện bên lề với những tranh cãi không chính thống lại vô tình trở thành điểm nhấn của một gameshow giải trí. Khán giả tò mò theo dõi không phải chủ yếu để thưởng thức nghệ thuật mà là để xem "những người trong cuộc đó" tiếp tục xử lý và kết thúc cuộc khẩu chiến đó như thế nào. Cặp đôi hoàn hảo vì thế đã trở nên nhảm nhí, nhàm chán, lố bịch và kệch cỡm trong con mắt nhiều người.
Điều đáng nói, cuộc khẩu chiến của Lưu Thiên Hương và Mỹ Lệ nổ ra ngay sau khi trên nhiều ấn phẩm báo chí xuất hiện những ý kiến cho rằng Cặp đôi hoàn hảo năm nay quá mờ nhạt so với năm ngoái. Mà nguyên nhân chủ yếu là do thí sinh thiếu tài năng, thiếu sự bùng nổ và sáng tạo. Cơn bão khẩu chiến này, vì thế được cho là một chiêu bài của nhà sản xuất nhằm hâm nóng chương trình để lôi kéo sự chú ý của khán giả.
Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Tiếp nối cuộc khẩu chiến ồn ào giữa thí sinh và giám khảo là những bất đồng, khiếm nhã trong nhận xét của các giám khảo. Chiêu trò đánh trống, khua chiêng của nhà sản xuất một lần nữa được thể hiện rõ nét trong liveshow thứ 8 diễn ra vào tối 14/4 mới đây của chương trình này. Những nhận xét được cho là "vỗ mặt" của giám khảo khách mời Việt Tú dành cho đạo diễn Lê Hoàng đã khiến nhiều người nóng mặt. Một thông tin bên lề cho biết, sự xuất hiện của vị đạo diễn trẻ này được xem là một giải pháp để nhằm "chấn chỉnh" lối cho điểm đang trở nên sa đà cảm tính và vô tội vạ của đạo diễn phim "Gái nhảy". Quả thực "âm mưu" này đã hoàn toàn thành công. Việt Tú đã đóng vai xuất sắc khi anh liên tục có những phản biện thẳng thắn trước những nhận xét của Lê Hoàng.
Thái độ tự tin thái quá của Việt Tú nhận được sự cổ vũ của rất nhiều khán giả. Nhưng với con mắt của người trong nghề, một nhà báo đã thẳng thắn bóc mẽ chiêu trò của nhà sản xuất. Anh khẳng định: "Việt Tú hôm nay buộc phải đóng vai khó. Đó là phải “dìm hàng” Lê Hoàng bằng mọi cách". Khán giả không khó để nhận ra sự trầm lặng khá bất thường của vị đạo diễn nổi tiếng với những phát ngôn chua ngoa và sâu cay. Nhưng lần này, Lê Hoàng lại im lặng, nhẫn nhịn một cách đáng ngạc nhiên. Mà lại nhẫn nhịn trước những buộc tội vô lý kiểu như "Lê Hoàng có vấn đề về nhạc cảm".
“Ném đá Lê Hoàng mới... sang trọng”
Nối máy với Lê Hoàng ngay ngày hôm sau khi liveshow này kết thúc, người viết nhận được sự chia sẻ khá cởi mở của vị đạo diễn nổi tiếng khó tính này. Vẫn là cách trả lời dí dỏm mà sâu cay rất Lê Hoàng, anh cho biết: "Tôi ngồi đấy không phải để chấm điểm các vị ban giám khảo nên việc họ đồng ý hay phản bác không phải là điều khiến tôi bận tâm".
Anh so sánh theo kiểu hài hước: "Thực ra việc ông Việt Tú dành cho tôi những câu nói phủ đầu là điều hoàn toàn dễ hiểu. “Ném đá” một thằng Tèo thì bình thường quá. “Ném đá” một người như ông Lê Hoàng mới sướng, mới sang trọng chứ. Người “ném đá” cũng được sang trọng lây. Và tôi biết, sau cái sự "khởi xướng" của Việt Tú hẳn sẽ có nhiều người a dua, vỗ tay theo lắm, vì họ chờ đợi điều này lâu rồi. Nhưng có hề gì đâu, tôi vẫn là tôi. Và tôi vẫn chấm điểm theo cách của tôi. Điểm 7 hay điểm 10 tôi đưa ra có thể khác biệt với suy nghĩ của nhiều người.
Ai đó sẽ nói rằng Lê Hoàng thích chơi trội nhưng đi ngược lại hay phá tan mọi quy chuẩn để được nổi bật không phải là cách của tôi. Đơn giản là tôi luôn tin vào mình, vào những cái mà mình cho là đúng. Cái độc đáo của một vị giám khảo là luôn giữ vững và bảo vệ được lập trường, quan điểm của mình. Nếu anh bị cuốn theo đám đông nghĩa là anh đã đánh mất bản sắc. Bạn có thể xuất hiện ở đám đông nhưng đừng bao giờ a dua theo nó, và tốt hơn hết đừng bao giờ thuộc về nó cả. Người xưa có câu: "bất độc bất anh hùng" (Không cô độc thì không thành anh hùng), điều này với tôi hoàn toàn đúng".
Sau màn đối đáp giữa Lê Hoàng và Việt Tú, ban giám khảo dường như trở thành tâm điểm của chương trình (chứ không phải là các thí sinh). Sự lấn át này vô tình đẩy thí sinh vào một vị thế khó hơn. Nhưng biết làm sao? Một khi khán giả đã lên tiếng, người chơi không thể làm hấp dẫn hơn thì nhà sản xuất buộc phải vận dụng đối tượng còn lại, ấy là giám khảo. Hoặc là khơi mào ở họ một cuộc khẩu chiến, hoặc buộc họ phải sắm thêm những vai trò khác để mọi con mắt phải đổ dồn vào đó. Chiêu trò đã được dàn xếp ấy của nhà sản xuất, ban giám khảo dù muốn hay không cũng phải chịu!
Nhờ màn đấu khẩu bất ngờ, Lê Hoàng và Việt Tú trở thành tâm điểm ở live Show 8 của Cặp đôi hoàn hảo.
Giám khảo gameshow cũng phải học cách nhí nhố?
Đạo diễn Lê Hoàng là cái tên được nói nhiều nhất trong những năm gần đây. Đặc biệt khi vị trí của anh liên tục được hoán đổi từ việc làm phim đến chuyện chăm chỉ ngồi làm giám khảo. Sự có mặt của Lê Hoàng với những phát ngôn độc đáo và không giống ai của anh ở các gameshow dường như đã trở thành một giải pháp an toàn cho nhà tổ chức lẫn chương trình. Nhưng một người sắc sảo, thông minh như anh cũng có lúc bị “ném đá” tơi tả. Mà chung quy lại cũng chỉ bởi lối ăn nói, nhận xét khác người.
Nhưng Lê Hoàng trở thành cái tên hot trên ghế nóng các gameshow, trở thành con cưng của nhà tổ chức sự kiện bậc nhất Việt Nam hiện nay không chỉ bởi nhờ trí thông minh, sự hiểu biết. Yếu tố hoàn thiện và làm nên sự ưu ái ấy phải kể đến cái tài "nhí nhố" rất có duyên của anh. Cái sự "nhí nhố" mà theo anh nó giống như con dao hai lưỡi trước công chúng. Nó có thể làm họ cười sảng khoái, cũng có thể bị nhăn mặt, bịt mũi, nghiêm trọng hơn là “ném đá” và tẩy chay. Nhưng cuộc chơi nào chẳng thế, tất cả đều phải tuân thủ tỉ lệ 50/50, nghĩa là một mất một còn. Nhà sản xuất nào cũng đầy những âm mưu. Mục đích cuối cùng của họ là làm sao để chương trình được hot. Cho nên mọi hiện tượng này, nghi án kia đều nằm trong sự tính toán ấy.
Lê Hoàng từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến việc anh bị đồn đoán "bỏ bê" điện ảnh để lấn sân gameshow. Có lẽ vì lòng tự trọng của một đạo diễn? Nhưng trong cái cách từ chối ấy, có điều gì xót xa, ái ngại. Có phải thế không mà anh đột nhiên chống chế với người viết: "Giám khảo chỉ là việc làm thêm cuối tuần thôi. Tôi đâu có bỏ bê sự nghiệp chính của mình". Nhưng những gì công chúng đang thấy lại hoàn toàn ngược lại với lời anh nói. Cái xô bồ, hỗn tạp, ầm ĩ của các gameshow dường như đang cuốn phăng và điều khiển số đông các hoạt động nghệ thuật. Những giá trị chân chính có lẽ phải rất vất vả mới tìm lại được dòng chảy của mình?
Chẳng cái tôi nào to, chẳng cái tôi nào bé
Trao đổi về văn hoá phát ngôn của người nổi tiếng, nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa cho biết, bà cảm thấy mình quá lỗi thời với những cách nói mới mẻ, lố lăng của các nghệ sĩ hiện nay. Họ thiên về lối phát ngôn gây sốc hơn là việc đem ra những nhận xét nghiêm túc để nhằm giúp người khác rút kinh nghiệm sau đó. Người ngồi trên ghế nóng phải ý thức được vai trò quan trọng, bởi mỗi phát ngôn đều phản ánh con người và trình độ của họ. Hơn nữa chúng còn góp phần định hướng thái độ nghề nghiệp của người được nhận xét. Khen hay chê không phải là vấn đề. Quan trọng là chúng ta cần có sự chừng mực, khách quan. Tuyệt đối không nên lạm dụng cái tôi và làm ảnh hưởng hay tổn thương tinh thần người khác. Gameshow giải trí cũng là một chương trình nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì phải giữ được giá trị văn hoá cơ bản.