Vào năm 2006, các nhà khoa học của Đại học Bangor tại xứ Wales phát hiện một con trai biển gần một bờ biển tại Iceland. Do không biết nó là một con vật đã sống tới vài trăm năm, họ đặt nó vào một tủ lạnh, rồi mở vỏ của nó để nghiên cứu, Science Daily đưa tin.
Cứ sau mỗi mùa hè, giai đoạn mà thức ăn của trai biển rất dồi dào, một vân mới xuất hiện trên vỏ của chúng. Dựa vào số đường vân trên vỏ con trai, nhóm nghiên cứu cho rằng nó đã sống khoảng 400 năm, nghĩa là nó chào đời khi nhà Minh vẫn thống trị Trung Quốc. Vì thế họ gọi nó là Minh. Tất nhiên, con trai biển chết ngay sau khi các nhà khoa học mở vỏ của nó.
Mãi gần đây, sau khi phân tích kỹ hơn vỏ của Minh, nhóm nghiên cứu mới phát hiện ra rằng tuổi thực của nó là 507 năm, nghĩa là lớn hơn tới một thế kỷ so với kết quả ban đầu. Họ cảm thấy tiếc vì đã vô tình giết con vật sống lâu nhất trên trái đất.
"Chúng tôi đã kết luận sai trong lần trước và tỏ ra hơi vội vàng khi công bố kết quả trên tạp chí chuyên ngành", Paul Butler, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Độ tuổi 507 năm đồng nghĩa với việc Minh ra đời sau khi nhà thám hiểm Columbus phát hiện châu Mỹ. Nó lặng lẽ sống dưới đáy đại dương khi những sự kiện trọng đại nhất thế giới diễn ra - như cách mạng công nghiệp, hai cuộc chiến tranh thế giới.
Một số nhà sinh học hải dương nhận định con trai biển sống quá lâu do quá trình trao đổi chất diễn ra rất chậm bên trong cơ thể nó.