Đây là sự kiện của Bộ TT&TT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức nhân dịp Hội nghị Linh trưởng quốc tế lần thứ 25 do Việt Nam đăng cai tổ chức với sự tham gia của 900 nhà khoa học từ 50 quốc gia trên thế giới đang diễn ra tại Hà Nội. Đây cũng là dịp thuận lợi để giới thiệu về những cố gắng và kết quả của Việt Nam trong công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung cũng như việc bảo tồn các loài linh trưởng nói riêng.
Bộ tem gồm 4 mẫu tem và 1 blốc do họa sỹ Đỗ Lệnh Tuấn, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế, giới thiệu về 5 loài linh trưởng đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng. Bộ tem được thiết kế dọc, tràn lề, khuôn khổ 31 x 46 mm; blốc có khuôn khổ 65x100 mm.
VOỌC MŨI HẾCH Rhinopithecus avunculus và VOỌC CÁT BÀ Trachypithecus poliocephalus
VOỌC CHÀ VÁ CHÂN XÁM Pygathrix cinerea và VOỌC MÔNG TRẮNG Trachypithecus delacouri
Bằng việc phác họa sống động hình ảnh các loài linh trưởng trong sinh cảnh tự nhiên, bộ tem đã khắc họa được những nét đặc trưng của những loài linh trưởng đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam. Bộ tem là một thông điệp gửi đến mọi người dân Việt Nam cũng như cộng đồng dân cư thế giới “hãy chung tay bảo tồn linh trưởng trước khi chúng có thể bị tuyệt chủng”.
Trao đổi thêm về công tác thực hiện thiết kế bộ tem này, họa sỹ Đỗ Lệnh Tuấn cho biết họa sỹ đã đi thực tế tìm hiểu về loài linh trưởng này và với sự giúp đỡ của chuyên gia thú linh trưởng, ông Tilo Nadlerm, Giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, họa sỹ đã trực tiếp được tiếp cận, quan sát voọc quần đùi, voọc chà vá chân trắng, chân đen; voọc Cát Bà. Họa sỹ Đỗ Lệnh Tuấn cũng đã thiết kế rất nhiều phương án cho bộ tem, bởi theo anh thiết kế bộ tem này không đơn giản như là vẽ một bức tranh, mà vẽ để phân biệt và phải chuẩn. Bộ tem phải được thiết kế để thể hiện, lột tả được bản chất, tính cách của từng con voọc, bởi có con đuôi rất dài, có con đuôi rất ngắn để bạn đọc thấy được thú linh trưởng này như thế nào.
Bloc tem: VƯỢN ĐEN TUYỀN ĐÔNG BẮC Nomascus nasutus
Theo số liệu thống kê và được tổ chức quốc tế đánh giá: Việt Nam có 26 loài linh trưởng, trong số đó có 4 loài đặc hữu, 5 loài được liệt kê trong danh mục “25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới" (ở mức độ cực kỳ nguy cấp cần được bảo vệ khẩn cấp) trong đó “Voọc Cát bà”, “Voọc mông trắng”, “Voọc mũi hếch”, “Chà vá chân xám” đã được giới thiệu trên tem phát hành năm 2002, tuy nhiên số lượng các loài này còn trong tự nhiên đã giảm sút nghiêm trọng. Riêng “Vượn đen tuyền Đông bắc” mới được phát hiện trở lại năm 2002, thuộc loài linh trưởng “hiếm nhất và bị đe dọa nhất trên thế giới” được đưa vào giới thiệu trong bộ tem phát hành lần này.
Hầu hết các loài linh trưởng này đang bị đe dọa tuyệt chủng. Mặc dù hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập trên toàn quốc, song công tác bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng sinh cảnh của rừng tự nhiên, nạn khai thác gỗ trái phép, hoạt động săn bắn và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng ký phát hành đặc biệt bộ tem "Thú linh trưởng Việt Nam"
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tại buổi lễ phát hành đặc biệt bộ tem đã cho biết việc phát hành bộ tem là một trong những hoạt động thiết thực của Bộ TT&TT trong việc thông tin, truyền thông về công tác bảo tồn loài linh trưởng Việt Nam cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam về công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung và các loài linh trưởng nói riêng. Bộ tem còn là một thông điệp nhắc nhở và nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Bộ tem cũng là một lời chức tốt đẹp cho sự thành công của Hội nghị linh trưởng quốc tế lần thứ 25 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức tại Việt Nam.
Chủ tịch Tổng công ty Bưu điện Đỗ Ngọc Bình tặng bộ tem cho ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp
Ông Tetsuro Matsuzawa, Chủ tịch Hiệp hội Linh trưởng quốc tế cho biết Việt Nam có tính đa dạng rất cao về loài linh trưởng. Ở Nhật Bản chỉ có duy nhất một loài khỉ và ở Bắc Mỹ, châu Âu, nước Anh không có loài linh trưởng nào phân bố trong khi ở Việt Nam có tới 26 loài. Việt Nam phải luôn luôn tự hào về loài linh trưởng. Điểm thứ hai là trong sự đa dạng các loài linh trưởng và chúng ta là một trong những loài đó. Bảo vệ các loài linh trưởng là bảo vệ chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn nghĩ rằng chúng ta là họ hàng của những con khỉ, vượn và linh trưởng khác.
Tính đến thời điểm này, đã có 20 loài linh trưởng xuất hiện trên 31 mẫu tem, 1 mẫu bloc của 13 bộ tem Bưu chính Việt Nam.