25 tuổi, số huy chương mà Phạm Phước Hưng giành được còn nhiều hơn cả tuổi đời: trên 30 huy chương các loại. Nhưng đã có lúc Hưng tưởng phải chia tay với môn thể thao gắn bó ngót 20 năm: sáu năm trước, Hưng phát hiện bị bệnh lao cột sống. Với ý chí, Hưng đã tự trao cho mình chiếc huy chương vàng khi chiến thắng được bệnh tật.
Lửa thử vàng...
Bảy năm rèn luyện ở xứ người, lần trở về dự đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2002 cũng là ngày Hưng và đồng đội Ngân Thương, Hà Thanh trình làng và lập tức có vàng. Liên tiếp trong các cuộc thi đấu trong và ngoài nước sau đó Hưng đều đoạt được huy chương. Sự nghiệp đang lên thì năm 2006 Hưng phát hiện bị lao cột sống!
Hưng tham gia SEA Games 26 tại Indonesia năm 2011.
Hưng nhớ lại, lúc đầu em thấy đau lưng mỗi lần tập, rồi các cơn đau tăng dần, ngủ phải nằm co người, sụt cân, những cơn mệt mỏi ập đến. Không nghĩ mình bệnh do tập luyện quá sức, Hưng ráng nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng những cơn đau vẫn không buông tha. Là vận động viên chuyên nghiệp, hơn ai hết Hưng hiểu nghỉ tập một ngày sẽ ảnh hưởng đến phong độ thi đấu, nên dù còn đau lưng nhưng kết thúc đại hội thể dục thể thao lần thứ năm Hưng mang theo cả cơn đau sang Trung Quốc luyện tập tiếp.
“Mỗi lần tập xong, các cơn đau hành hạ cả ngày, nước mắt em chỉ muốn ứa ra. Thầy giáo thấy em đau quá, sờ lưng thấy có dấu hiệu không tốt nên đưa đi kiểm tra: bác sĩ kết luận em bị lao cột sống! Bác sĩ còn cho biết 2 – 3 đốt xương sống đã bị ăn mòn, phải tiến hành mổ. Mà có mổ hay không thì sau này em cũng phải bỏ nghề vì sức khoẻ không cho phép”, Hưng kể.
Tinh thần Hưng suy sụp. Bao năm luyện tập, bây giờ mới là thời điểm cống hiến cho thể thao nước nhà thì lại bị thế. Dù được mọi người trong đội cũng như thầy giáo động viên nhưng Hưng vẫn thấy lo lắng. “Nhiều lúc em định buông xuôi, nhưng lại nghĩ bao công sức của thầy cô và kỳ vọng của gia đình cũng như người hâm mộ chẳng lẽ xuống sông xuống biển?”, Hưng nhớ lại.
Trở về nước, Hưng tới bệnh viện Lao và phổi Trung ương kiểm tra. Kết quả không có gì khác. Các bác sĩ đã cho Hưng dùng thuốc, kháng sinh và trị liệu chứ không phẫu thuật. Muốn tiếp tục sự nghiệp, Hưng dành hẳn thời gian cho việc điều trị tới nơi tới chốn.
Niềm vui đã quay trở lại
Ông trời đã không phụ lòng Hưng: sau sáu tháng kiên trì điều trị, những cơn đau giảm dần. “Vì muốn trở lại với môn thể thao yêu thích nên em tuân thủ đúng quy trình điều trị mà bác sĩ đề ra. Gia đình giúp đỡ em rất nhiều trong thời gian đó. Bố mẹ, các em luôn ở bên động viên, an ủi nên em phần nào giảm bớt những căng thẳng, lo lắng”, Hưng kể.
Một thời gian ngắn sau, Hưng sang Trung Quốc kiểm tra lại sức khoẻ. Tin vui đã đến khi bác sĩ báo cho biết xương đã liền. Nhưng các bác sĩ vẫn khuyên Hưng tập nhẹ, hạn chế những bài tập mạnh. Tháng 6.2007, Hưng trở lại Trung Quốc chuẩn bị cho SEA Games 24. Và chàng trai vừa qua khỏi bệnh tật này đã mang về tấm huy chương vàng cho thể thao Việt Nam ở môn xà đơn và hai huy chương bạc ở xà kép và đồng đội.
Từ khi khỏi bệnh, Hưng càng say mê luyện tập. Hàng ngày, Hưng dành 7 – 8 tiếng tập luyện và có thể tập những bài khó. Thêm một tin vui khi Hưng vừa trở về từ Anh với tấm vé tham dự Olympic London vào tháng 7.2012.
“Mơ ước hiện nay của em là có sức khoẻ tốt, tập trung cho một giải đấu lớn sắp tới. Tuy mọi người không tạo áp lực cho em nhưng bản thân em luôn có mục tiêu để nỗ lực phấn đấu. Mục tiêu xa hơn là hoàn thành tấm bằng đại học thể dục thể thao để sau này làm huấn luyện viên”, Hưng chia sẻ.
Nếu phát hiện sớm, có thể chữa khỏi lao cột sống ThS.BS Nguyễn Tiến Sơn, chuyên gia xương khớp, khoa khám bệnh C1 bệnh viện Việt Đức, cho biết: Lao cột sống là bệnh nhiễm khuẩn xương khớp và đĩa đệm đặc hiệu do vi khuẩn lao gây ra khu trú ở cột sống. Điều trị lao cột sống gồm hai quá trình: điều trị bệnh lao và xử trí các vấn đề liên quan đến cột sống. Bệnh nhân phải điều trị hết vi khuẩn lao, sau đó bác sĩ sẽ đánh giá lại tình hình và quyết định phẫu thuật hay không. Người bệnh cần điều trị đúng phác đồ và tuân thủ nghiêm các khâu điều trị, bởi nếu cột sống gãy sẽ rất nguy hiểm. ThS.BS Sơn khẳng định: Bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu điều trị muộn, có thể để lại di chứng nặng nề gây vẹo cột sống, liệt chi dưới, tàn phế vĩnh viễn. |