- Có nhiều việc phải làm sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Thiết thực, cụ thể nhất cần phải triển khai ngay, để từ đó kết nối hàng triệu, hàng triệu trái tim VN, là cần phải tổng kết, đúc kết di sản văn hóa, nhất là quân sự mà Đại tướng đã để lại. Chẳng hạn hơn 100 cuốn sách về đường lối, chủ trương, về học thuyết quân sự của Đại tướng. Không chỉ vậy, cần tổng kết đúc kết những kho tàng, những công trình về văn hóa, thơ ca của Đại tướng. Chúng ta phải có toàn tập, tổng tập về Đại tướng. Vì lâu lắm rồi VN chúng ta mới có một người như Đại tướng, một người mà cả thế giới phải kính trọng, ngay đến các đối thủ của Đại tướng cũng phải ngả mũ ngưỡng mộ Người.
* Cụ thể, theo PGS-TS, chúng ta cần phải làm gì?
- Chúng tôi là những người nghiên cứu lịch sử và thấy: tư duy, tư tưởng quân sự của Đại tướng ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng quân sự của VN. Chúng ta là người VN, chúng ta phải tự hào về điều này. Vì thế chúng ta cần nghiên cứu, có chương trình nghiên cứu về học thuyết quân sự, tư tưởng quân sự của Đại tướng, cần phải tổng kết, đúc kết để thấy rõ tư tưởng quân sự của Đại tướng, của VN. Tôi nghĩ nếu làm sẽ rất nhiều nhà khoa học, rất nhiều người VN hào hứng tham gia việc này.
Thứ hai, theo tôi, cần phải có những tượng đài hoành tráng về Đại tướng. Việc này không mới, bởi trong lịch sử chúng ta đã có những tượng đài hoành tráng về các anh hùng dân tộc, danh nhân nổi tiếng như Quang Trung, Trần Hưng Đạo... Với Đại tướng, cá nhân tôi cũng mong sẽ có những tượng đài và phải có ở khắp nơi, nhất là những địa danh lớn, địa danh gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng như Quảng Bình, Hà Nội, TP.HCM, Điện Biên...
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà - Ảnh: Đức Bình
* Một bảo tàng thì sao, thưa PGS-TS?
- Chắc chắn phải có bảo tàng. Chúng ta đã có Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng thì cũng nên có thêm Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua đám tang, tôi có thể hiểu cả triệu người VN muốn tìm hiểu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng và họ cũng muốn bày tỏ tâm tư, tình cảm với Đại tướng.
Bảo tàng sẽ là nơi tập hợp tất cả kỷ vật, hiện vật về Đại tướng. Từng là một người lính, từng được gặp trực tiếp Đại tướng, tôi cũng có nhiều bức ảnh, nhiều kỷ vật liên quan đến Đại tướng muốn hiến tặng bảo tàng. Bảo tàng sẽ là nơi kết nối triệu trái tim Việt. Đến đó, mọi người, nhất là thế hệ trẻ sau này, sẽ thấy tự hào, cảm nhận được sức mạnh vô cùng to lớn từ Đại tướng.
* Theo ông, bảo tàng này sẽ xây dựng như thế nào, ở đâu?
- Những ngày qua, tôi thấy cả triệu người, trong đó rất nhiều là những bạn trẻ, những người chưa từng gặp mặt Đại tướng nhưng vẫn tìm về ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để bày tỏ lòng cảm phục, niềm tiếc thương vô hạn với vị tướng huyền thoại của dân tộc. Chúng tôi - những người nghiên cứu lịch sử - thấy sau sự ra đi của Đại tướng là một hi vọng khi thấy hàng triệu người đang bày tỏ một niềm tin vào đất nước VN - đó là một niềm tin tươi sáng vào ngày mai.
Theo tôi, bảo tàng nên đặt ngay tại thủ đô Hà Nội, nơi Đại tướng gắn bó gần như cả cuộc đời mình. Bảo tàng mang tên Đại tướng phải ở Hà Nội, nằm cạnh chuỗi công trình, cụm di tích tiêu biểu để đông đảo đồng bào, du khách đến thăm. Tôi ủng hộ việc xây dựng một bảo tàng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay nơi Người từng ở - 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Tôi cũng muốn nhà Đại tướng sẽ thành thư viện, thành bảo tàng Đại tướng để các thế hệ sau đến đó tìm hiểu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng.
GS Phan Huy Lê (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN): Bảo tồn nhà 30 Hoàng Diệu Mặc nhiên, tôi cho rằng nên giữ ngôi nhà 30 Hoàng Diệu làm nhà lưu niệm để tiến tới làm Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi vì nơi đây bảo tồn nguyên vẹn dấu tích về cuộc sống của Đại tướng chứ không chỉ là những kỷ vật, hình ảnh. Trong ngôi nhà còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị gắn liền với cuộc đời Đại tướng, ngoài ra còn có các kỷ vật do bạn bè nước ngoài tặng Đại tướng. Đây cũng là ngôi nhà có kiến trúc đặc biệt, phía dưới có hầm kiên cố mà Đại tướng sử dụng để làm việc trong những năm chiến tranh ác liệt. Tôi cho rằng ngôi nhà 30 Hoàng Diệu rất cần thiết phải được bảo tồn nguyên vẹn. Dĩ nhiên công việc này không hề đơn giản. Các cơ quan nhà nước có liên quan và cả gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần phải có kế hoạch, phối hợp với nhau để thẩm định trước khi thực hiện ý tưởng. Nếu muốn xây dựng Bảo tàng Võ Nguyên Giáp trước hết phải làm được hai việc. Thứ nhất là bảo tồn nguyên vẹn những gì hiện có trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Thứ hai là phải thu thập thật nhiều hiện vật từ bên ngoài để bổ sung vào. Riêng Hội Khoa học lịch sử VN cũng sẵn sàng đóng góp xây dựng Bảo tàng Võ Nguyên Giáp. |