Trước thông tin giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu nhưng giá xăng, dầu trong nước lại không giảm. Lý giải điều này, Bộ Công thương cho rằng giá xăng dầu thế giới không quyết định giảm giá xăng trong nước. Bình luận vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng "đó là nhận định hoàn toàn vô căn cứ".
Giá xăng trong nước phải giảm theo thế giới
PV:- Bộ Công thương cho rằng, giá xăng dầu thế giới không quyết định để giảm giá xăng dầu trong nước, nhưng khi cần tăng thì luôn viện cớ giá thế giới tăng. Ông nhận xét thế nào về những lý giải trái ngược như vậy?
Ông Lê Đăng Doanh: Việt Nam là nước không tự túc được về xăng dầu mà phải nhập khẩu. Khi đã nhập khẩu thì giá xăng thế giới tác động rất mạnh.
Trên thế giới chỉ có một số nước như Venezuela, Ả rập quá nhiều dầu xuất khẩu và nuôi được cả nền kinh tế thì mới có thể tự quyết định giá xăng dầu mà không bị phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Còn lại hầu hết các nước đều bị phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới.
Ai đó nói giá xăng dầu Việt Nam không phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới là hoàn toàn không có căn cứ. Trừ khi Bộ Công thương làm được như Venezuela, hạ giá dầu xuống còn mấy xu để ai muốn dùng bao nhiêu cũng được.
PV:- Sau nhiều phiên giảm giá sâu, giá xăng dầu thế giới theo nhận định sẽ còn tiếp tục giảm. Ông dự đoán xăng trong nước có giảm nữa không hay vẫn cứ một mình đi một đường và đi ngược chiều thế giới, thưa ông?
Ông Lê Đăng Doanh: Bộ Công thương đã trả lời giá xăng dầu thế giới không quyết định giá xăng dầu trong nước thì việc có giảm hay tiếp tục tăng chắc chỉ có Bộ công thương mới trả lời được.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng giá xăng dầu trên thế giới giảm thì trong nước cũng phải giảm. Bên cạnh đó, cần phải rút ngắn thời hạn là 30 ngày lại, 30 ngày là khoảng thời gian quá dài để điều chỉnh giá xăng dầu hợp lý. Trong khoảng thời gian đó giá xăng dầu có thể lên hoặc xuống, giá nhập khẩu có thể nhập rồi xuất hàng bao nhiêu lần rồi mà không có được động thái kiểm soát giá kịp thời.
Hơn nữa, vấn đề kiểm soát giá rất quan trọng. Phải làm rõ cơ chế kiểm soát, hoạt động kiểm soát được thực hiện như thế nào, theo nguyên tắc nào? Tôi cho rằng, ở đây rõ ràng có yếu tố cạnh tranh và độc quyền. Nếu để độc quyền rơi vào tay doanh nghiệp thì nó sẽ có tác động rất lớn tới toàn bộ nền kinh tế.
Petrolimex có dọa cũng không khiến ai sợ
PV:- Nghị định mới thay thế Nghị định 84 sẽ cho phép doanh nghiệp được tăng giá 5% mà không cần thông báo, đồng nghĩa với việc cho Petrolimex tự quyết giá xăng dầu (vì doanh nghiệp này chiếm trên 50% thị phần). Trước thực tế là giá tăng thì tăng ngay, giá giảm thì mãi chưa giảm, ông nghĩ sao trước những lo lắng này của người dân?
Ông Lê Đăng Doanh: Cần phải xem lại căn cứ pháp lý của một nghị định. Bộ Công thương nói cho phép như vậy thì phải dựa trên những căn cứ nào.
PV:- Petrolimex là doanh nghiệp kinh doanh đặt mục tiêu có lãi (như phát biểu của ông Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex mới đây), trao cho họ quyền thích thì tăng giá thì có đồng nghĩa với việc bắt người dân gánh chịu mọi rủi ro tăng giá hay không và vì sao?
Ông Lê Đăng Doanh: Điều đó là đương nhiên. Nếu đưa ra quyết định như vậy là ngành kinh tế phải chịu chứ không phải ai khác.
PV:- Petrolimex đã đánh tiếng, nếu mà than thở nhiều về giá xăng dầu, họ có thể rút vốn, ngừng kinh doanh xăng dầu. Nhiều người nghĩ rằng, Petrolimex đang muốn dọa cơ quan quản lý. Ông có đồng tình với ý kiến đó không? Ông nghĩ sao về đề xuất phá thế độc quyền kinh doanh xăng dầu hiện nay?
Ông Lê Đăng Doanh: Nếu Petrolimex rút vốn thì Chính phủ hãy mở ra cho các doanh nghiệp tư nhân họ làm. Lúc đó sẽ có tự do kinh doanh, phá thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu, tất cả cùng có lợi.
Petrolimex đừng dọa rút vốn mà hãy làm đi vì dù có dọa thì cũng không làm ai sợ hãi đâu.
PV: Xin cảm ơn ông!