Bệnh viện trả về, ông Láo ra tay?
Để đến được với nhà ông Láo, khách phải men theo con đường làng quanh co, nằm sâu hút trong những cánh đồng thuộc xã miền núi Duy Tân. Thế nhưng, chỉ cần tới được địa phận xã, hỏi nhà ông Láo, ai cũng chỉ rành rẽ, dù vẫn còn những hơn 20km nữa. Ông Láo đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng dáng vóc vẫn còn quắc thước, nhanh nhẹn. Đang lúi húi bên vườn cây thuốc trước nhà, thấy có khách tới, ông tưởng người bệnh tìm đến nhờ giúp đỡ, liền bỏ dở chạy vào hỏi han.
Ông Láo kể, mình có khoảng 40 năm đến với nghề “tay trái” này. Và cũng từng ấy năm, ông đi giành giật mạng người từ tay “tử thần”. Ban đầu, bệnh nhân của ông cũng chỉ loanh quanh ở trong huyện như bị rắn cắn, chó dại cắn, ong đốt.... Sau này, một số người được ông cứu giúp đã truyền tai nhau qua lại, cứ thế tiếng ông dần vang ra cả ngoại tỉnh.
Ca bệnh khiến ông “lao tâm khổ tứ” và nhớ nhất, phải kể đến trường hợp của một ngư dân ở Sơn Trà (Đà Nẵng) trong một lần đi lặn bị rắn biển cắn. Người này kịp thời đi cấp cứu, nhưng trước độc tính quá mạnh của loài rắn biển, các bác sĩ của bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, rồi bệnh viện Quân y 117 Đà Nẵng cũng đành bó tay sau 7 ngày điều trị. Người nhà bệnh nhân thuê xe ô tô lên tận nhà mời ông Láo “hạ sơn” đưa thẳng đến Bệnh viện Quân y. “Vua trị bách độc” Ba Láo khi ấy không kịp cả đánh tiếng cho người nhà biết, vội lôi bộ đồ nghề theo xe đi “cứu người”. Vào phòng bệnh nhân, trước những ánh nhìn đầy nghi hoặc của các y bác sĩ, ông điềm đạm lôi “y cụ” của mình ra tiến hành thăm khám, hút độc và cho uống thuốc.
Thời gian trôi qua căng thẳng như dây đàn, 30' sau, mạch đập của bệnh nhân trở nên ổn định, tỉnh táo dần. Tiếp tục ở lại theo dõi, đến ngày thứ 2, bệnh viện Quân y kiểm tra tổng quát với kết quả bất ngờ: Bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh nên cho làm các thủ tục xuất viện. Bây giờ ngồi hồi tưởng lại, ông cho biết, nếu lần đó chỉ cần xuống chậm khoảng vài tiếng đồng hồ, tính mạng của bệnh nhân chắc chắn không thể giữ lại được.
Bài thuốc trị “bách độc”?
Ông Láo kể tiếp, cơ duyên đưa ông đến với nghề này hoàn toàn tình cờ. Năm 1961, trong chuyến công tác ở một vùng núi thuộc Lào, được nghỉ phép cuối tuần, ông Láo lang thang tản bộ. Mới rảo một vòng, tình cờ, ông bắt gặp đằng xa có 1 người phụ nữ mang bầu, sau một hồi nhìn xung quanh, chị này cúi hái một vài lá cây rừng rồi đi thẳng về phía bụi rậm. Tò mò, ông Láo kiên nhẫn chờ coi điều gì rồi bất ngờ nghe tiếng trẻ con khóc, lúc sau cô gái ẵm con đi ra, khoẻ lạnh, miệng vẫn nhai nắm lá cây. Kinh ngạc không biết người phụ nữ này có vị thuốc gì mà sinh nở không cần ai “đỡ”, cũng không kiêng cữ gió máy gì… ông liền đi theo, rồi phát hiện nơi đây có một bộ tộc người Lào đang sinh sống. Già làng còn cho rằng ông Láo “có duyên” mới đến được đây, nên truyền dạy cho ông bài thuốc trị độc.
Về phương thuốc bí truyền, ông Láo vào nhà lôi ra một vật tròn, nhỏ nhắn màu đen, chuyên dùng để di chuyển quanh miệng vết thương. Ông cho biết, đây chính là “bảo bối” năm xưa, gọi tên hột Mã Lai, dùng để cố định nọc độc, không cho chúng tiếp tục di chuyển trong người bệnh nhân, rồi cũng chính nhờ vật này, ông hút chất độc ra. Tiếp theo, ông cho bệnh nhân uống kết hợp các loại thảo dược từ một số loại cây để giải độc. Những cây này giống như cây nghể rong, cây phèn đen, lá cây kim hoàng, lá bồ ngót…
Điểm chú ý, khi biết chính xác độc tính trong người bệnh nhân mạnh hay yếu, còn bao nhiêu, ông lấy lượng thảo dược thích hợp rồi trộn lẫn với nhau, giã lấy nước cho uống. Trường hợp nhẹ, mất chưa đầy 15', nặng thì cỡ 1 ngày đã được “xuất viện”. Đặc biệt các bệnh nhân của ông đều không phải kiêng khem gì, ăn uống thoải mái như những người khỏe mạnh khác. Với cách chữa chạy đó, mỗi bệnh nhân, dù nặng hay nhẹ ông cũng không lấy hơn 50 nghìn đồng gọi là góp mua thảo dược, chi phí còn lại ông không tính đến.
Hột Mã Lai chính là trái đậu Lào?
Tìm hiểu tính chính xác của những lời ông Láo kể, PV đã trò chuyện với một số người liên quan.
Theo anh Lê Đức Toản (SN 1976, ngụ Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam, một người được cho là ông Láo đã cứu sống), cho đến nay, anh vẫn không quên giây phút mình được sống lại sau gần 7 ngày tưởng đã “qua bên kia thế giới” vì bị rắn cắn vào năm 2009. Ngày đó, tại Bệnh viện huyện Duy Xuyên, các bác sĩ đã cố gắng làm mọi cách để giải độc cho anh Toản nhưng đành phải trả anh về để gia đình chuẩn bị lo hậu sự. Tuy nhiên, với ý nghĩa “còn nước, còn tát” gia đình đã “vác” anh Toản chạy đôn đáo tìm đến ông Láo. “Trong hơi thở đứt quãng, tui chỉ biết ông Láo lấy vật gì đó rà vào vết thương, một lúc sau ông cho tui uống nước có mùi lá cây. Hơn 2 tiếng đồng hồ trôi qua, ông Láo làm lại lần 2 và tui cảm thấy khỏe dần. Dưỡng thêm 1 ngày, tui hoàn toàn khỏe hẳn”, anh Toản kể.
Theo bác sĩ Nguyễn Tương, nguyên bác sĩ Khoa nọc độc, Bệnh viện quân y Đà Nẵng, câu chuyện về “vua rắn” Ba Láo từng đến Bệnh viện cứu người theo yêu cầu của gia đình nạn nhân, đã được nơi đây ghi nhận có thật. Về vật màu đen mà ông Láo dùng (có người đồn thổi ngọc rắn), có thể là trái đậu Lào (còn gọi trái quà quạ). Trong y học, trái đậu Lào chứa một số hoạt chất có thể giải được nọc độc của rắn, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Sau đó, bằng kinh nghiệm dân gian truyền lại, tùy mức độ nhiễm nặng nhẹ, lâu ngày hay ít ngày (thể hiện trên màu da nạn nhân), ông cho kết hợp thêm uống thuốc để thải độc và ổn định sức khỏe. “Việc điều trị này buộc người chữa phải có rất nhiều kinh nghiệm, khả năng ước lượng thuốc nam cho bệnh nhân uống cũng cực kỳ tinh thông. Nếu làm được như vậy, khả năng cứu sống có thể 95%, cả những trường hợp Tây y không thể cứu và trả về”, bác sĩ Tương nhận định.