Tầm quan trọng của chữ Hán
Bài thơ Ông Đồ đã đi vào lòng nhiều thế hệ học sinh Việt Nam khi nó có thời gian được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Với nỗi niềm tiếc nhớ một kho tàng văn hóa Hán học, tác giả Vũ Đình Liên đã viết hai câu thơ cuối: “Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?”.
Bài thơ lần đầu tiên được đăng lên báo năm 1936. Lúc ấy cũng đã là mấy chục năm xóa bỏ Hán học rồi. Trong mấy năm từ 1915 đến 1918, chữ Hán đã mất dần địa vị là chữ chính thống dùng trong thi cử. Năm 1915 ở Bắc Kỳ bỏ thi Hương bằng chữ Hán, kế đó đến Trung Kỳ bỏ vào năm 1918. Ở Nam kỳ thì chữ Hán đã bị bỏ trong thi cử học hành từ khi bị rơi vào tay người Pháp. Sang năm 1919, kỳ thi Hội cuối cùng của nhà Nguyễn dùng chữ Hán đã khép lại một thời vàng son khoa bảng suốt ngàn năm của lịch sử dân tộc.
Mặc dù trong thi cử chữ Hán đến đầu thế kỷ 20 mới bị thay thế nhưng trong dân gian thì từ trong thế kỷ 19, qua các cuộc tiếp xúc văn hóa Đông Tây, chữ Hán đã dần bị mất vai trò. Trong bối cảnh đó, niềm hoài cổ của nhà thơ Vũ Đình Liên đã cô đọng lại để viết nên bài thơ Ông Đồ nổi tiếng.
Chữ Hán có những nhược điểm của nó song xét về một khía cạnh nào đó nó lại là một phần trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Thẳng thắn mà nói thì đa số từ ngữ chúng ta nói hàng ngày là từ Hán Việt, tức là từ vựng được vay mượn từ tiếng Hán, trải qua nhiều thế hệ người Việt cải biến mà thành như ngày nay.
Mặt khác, chữ Hán lại là chiếc chìa khóa duy nhất để mở kho tàng văn hóa đồ sộ của dân tộc Việt được tích lũy qua mấy ngàn năm. Bởi lẽ, từ thế kỷ 10, khi nước Việt thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc và lập ra triều đình riêng thì các triều đình Đinh, Lý, Trần, Lê đã liên tục quan tâm phát triển việc giáo dục chữ Hán nói riêng và Nho học nói chung. Đến thời Lê thì Nho học phát triển cực thịnh. Suốt ngàn năm ấy, những thư tịch, tài liệu về mọi phương diện của đất nước Việt Nam đều ghi chép bằng chữ Hán.
Lớp học chữ Hán tại xã Ninh Hiệp
Do đó, cho đến nay, sau gần 1 thế kỷ chữ Hán bị loại bỏ ra khỏi nền giáo dục thì số người đọc thông viết thạo chữ Hán trên cả nước có lẽ chỉ còn vài chục hoặc trăm người. Nhưng nghịch lý ở chỗ, ở mọi đền chùa miếu mạo người ta vẫn treo câu đối hoành phi bằng chữ Hán. Treo thì treo vậy nhưng dân cư trong cộng đồng dễ đến 99% là mù chữ Hán nên chẳng ai hiểu được trên đó viết cái gì.
Những tín hiệu đáng mừng
Trong bối cảnh đáng lo ngại ấy thì những tín hiệu đáng mừng cũng đã xuất hiện. Trên địa bàn quanh quanh Hà Nội hiện tại đã xuất hiện một số các địa chỉ dạy chữ Hán – Nôm miễn phí. Ở Sơn Đồng, Hoài Đức thì có lớp của cụ Nghiêm Quốc Đạt còn vùng phía bên kia sông Hồng thì câu lạc bộ học chữ Hán do những người dân xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) mở đã phát triển ra rất rộng rãi.
Người thày tâm huyết Trong số 6 thày giáo của câu lạc bộ Hán Nôm Ninh Hiệp thì ông Nguyễn Tiến Hùng là người duy nhất còn đang chưa nghỉ hưu nhưng ông chưa bao giờ nghỉ một buổi học nào. Ông chia sẻ: “Ai cũng có cuộc sống riêng nhưng mình đã dồn tâm huyết cho môn này thì mình phải sắp xếp thời gian cho nó”. Đến với chữ Hán và nền Nho học, ông Hùng cảm thấy mình được biết bao điều bổ ích, chẳng những về tri thức mà cả về phong cách, lối sống: “Trước kia tôi nóng tính vô cùng nhưng khi tiếp cận với những lời răn dạy trong sách thánh hiền thì tôi thấy mình trầm đi rất nhiều, làm gì cũng nhìn trước ngó sau cẩn thận”. Từ nhà ở Kim Liên sang Ninh Hiệp đoạn đường không hề ngắn song ông Hùng chưa khi nào cảm thấy vất vả. Điều ước ao của ông là: “Tôi chỉ mong muốn các bác ở đây đều học được và đón nhận được những bài học của cổ nhân qua từng con chữ. Đón nhận được thì thấy cuộc sống rất nhẹ nhàng tươi đẹp”. |
Đứng trước thực trạng đó, năm 1995 những cụ có tâm huyết của làng mới vận động thành lập hội Đông Y của làng và sang năm 1996 thì mở lớp dạy chữ Hán đầu tiên. Lý do là muốn làm Đông Y thì phải học chữ Hán để nghiên cứu sách vở cổ. Buổi ban đầu, các cụ như: Hoàng Đình Đá, Nguyễn Khắc Quýnh, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Bá Kim, Nguyễn Văn Thực là những người mở mang ra lớp học này. Nhưng đến nay chỉ còn duy nhất cụ Hoàng Đình Đá là còn sống.Vốn dĩ đất Ninh Hiệp xưa là làng Nành với nghề làm thuốc Bắc nổi tiếng và có từ lâu đời. Qua nhiều thế hệ, các lang y làng Nành đã chép lại nhiều bài thuốc gia truyền rất hay nhưng đến thời hiện đại thì do không mấy ai đọc được chữ Hán cho nên những bài thuốc cũng dần thất truyền.
Ông Lý Duy Cẩm, hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ Hán Nôm của Ninh Hiệp cho biết: “Cho đến giờ phút này, câu lạc bộ đã đào tạo được 500 nho sinh. Riêng tại Ninh Hiệp hiện tại có 3 lớp ở xóm 7, xóm 6 và Điếm Kiều. Năm 2007 chúng tôi mở được 2 lớp ở xã Yên Thường, Phù Chẩn thuộc huyện Gia Lâm và 1 lớp ở thị trấn Lim (Từ Sơn, Bắc Ninh) với tổng số 90 nho sinh theo học. Hiện tại câu lạc bộ có 6 thày dạy phụ trách các lớp ở các nơi. Theo thống kê của chúng tôi, hiện tại có 6 tỉnh đã có nho sinh theo học chữ Hán ở câu lạc bộ. Có người xa nhất là ở Thọ Xuân, Thanh Hóa cứ thứ 7 bắt xe khách ra học, ở trọ lại một đêm rồi chiều chủ nhật lại về”.
Những thông tin của ông Cẩm chứng tỏ không phải chữ Hán đã hết thời, nhiều người vẫn còn quan tâm tới nó.
Những chia sẻ của các nho sinh
Chứng kiến tận mắt một buổi học của lớp học chữ Hán ở đình xóm 7, Ninh Hiệp, Gia Lâm, tôi mới tin rằng giữa thời buổi sính đồ ngoại này vẫn còn nhiều người yêu mến vốn cổ. Nho sinh trong lớp tuy phần đông là những người đứng tuổi và hưu trí nhưng cũng không ít những người đang ở độ tuổi lao động. Thậm chí có những em học sinh còn đang học cấp 2 hoặc những thanh niên tuổi đời mười tám đôi mươi.
Các Nho sinh đang chăm chú nghe giảng
Bên cạnh những người lớn tuổi có cả những thanh niên, học sinh phổ thông cũng rất yêu thích tìm hiểu Hán Nôm
Các Nho sinh trao đổi với nhau ngoài giờ
Thày Nguyễn Tiến Hùng đang trao đổi, giải đáp thắc mắc của một Nho sinh
Qua giới thiệu của ông Cẩm, chủ nhiệm câu lạc bộ, tôi được gặp vợ chồng ông Hoàng Văn Minh ở thành phố Bắc Giang. Hai vợ chồng ông Minh đã theo học đến nay là 3 năm và hầu như chưa nghỉ học buổi nào. Cứ vào chiều thứ 7 ông Minh lại đèo vợ đi xe máy từ Bắc Giang về Ninh Hiệp để học chữ. Ông Minh chia sẻ lý do mình ham mê môn này: “Tôi cảm thấy thứ chữ này rất là quý mà giờ không mấy ai đọc được. Ở đình chùa quê tôi có bao nhiêu là văn bia, hoành phi câu đối cổ mà mình chẳng hiểu viết gì. Những cái đó là văn hóa hun đúc hàng bao nhiêu thế hệ của ông cha mà con cháu không đọc được thì rồi nó phí đi”.
Không chỉ người lớn tuổi, có những em còn rất trẻ cũng miệt mài học chữ Hán Nôm. Tôi chú ý đến hai em còn rất trẻ ở cuối lớp. Đó là Hùng và Thế. Hùng quê ở xã Kim Lan, Gia Lâm còn Thế nhà ở mãi Hưng Yên, mỗi lần đi học phải vượt hơn 40 km. Hùng đang là học sinh lớp 8 nên gặp người lạ hỏi chuyện cậu cứ ấp úng bảo: “Em thích học môn này nên theo”. Còn Thế, năm nay 21 tuổi thì tâm sự: “Em thích học chữ Hán từ lúc còn bé nhưng trước đây không có ai dạy. May mắn có một cô người quen biết ở đây dạy chữ Hán nên giới thiệu em thế là em lên đây theo học. Bây giờ em đang rảnh rỗi nên đi học thường xuyên nhưng mai kia mà đi làm rồi không còn rảnh nữa thì em cũng cố gắng thu xếp, học đến khi không thể học được nữa thì mới thôi”.
Một mùa xuân đang đến, nhưng có lẽ giờ đây câu hỏi “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?” đã có những lời giải đáp nhất định. Qua những lớp học chữ Hán khá thành công của cụ Đạt, của câu lạc bộ Hán Nôm Ninh Hiệp, chúng ta có thể tin tưởng rằng nhiều người đang có xu hướng tìm về với văn hóa cổ truyền của cha ông để giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc.