Ông Công ông Táo nhà nghèo

Nếu như mọi năm, đồ cúng ông Công ông Táo thôi thì đủ bộ, từ vật phẩm nhỏ đến hàng xa xỉ thì năm nay dường như khiêm tốn hơn rất nhiều.

Lồng đèn, câu đối năm mới đã được trưng bày từ Tết dương lịch. Song song với đó là đồ lễ đưa ông Táo lên trời vào 1 tuần tới theo đúng truyền thống của Tết cổ truyền.

Mũ áo hay cá chép giấy đều đã được bày biện đầy đủ, phục vụ nhu cầu của người dân.

Thân cây hay xe máy đều trở thành móc treo hàng ông Công ông Táo.

Giá cả cũng không có nhiều thay đổi so với năm ngoái. Mặc dù các chủ hàng thách giá lên 90.000 đồng - 120.000 đồng một bộ mũ áo và hia nhưng thường được đồng ý bán cho khách với giá 60.000 - 80.000 đồng, tùy kích cỡ.

Tháp phát tài làm bằng vàng mã là mặt hàng được nhiều khách tỏ vẻ quan tâm và hỏi giá nhất.

Tháp phát tài 8 tầng này được bán với giá 180.000 đồng.

Đa dạng chủng loại và kích thước tháp phát tài vàng mã cho người tiêu dùng chọn lựa.

Các mặt hàng tranh ảnh, bộ ấm trà uống nước, áo quần các kiểu, TV, Ipad, Iphone, xe đạp, xe hơi, nhà lầu... Tuy đầy đủ như vậy nhưng nếu so với độ xa xỉ và hoành tráng như mọi năm thì năm nay kém hơn hẳn. Đồ vật "hạng sang" cũng vắng bóng hơn, không thấy ồ ạt biệt thự, nhà lầu như trước. Còn ô tô thì họa hoằn lắm mới thấy có hàng bán.

Lượng người đổ dồn tới Hàng Mã mùa này khá lớn, làm ách tắc đường phố khiến lực lượng cảnh sát luôn phải túc trực dẹp đường...

Tuy nhiên, khi hỏi ra mới hay, dân tình chỉ đổ xô tới Hàng Mã để chụp ảnh, vui chơi và "xem" chứ không phải để "mua".

Một chủ gian hàng cho biết: "Năm nay bán được ít lắm. Kinh tế khó khăn, người dân không có nhiều tiền như trước nên mua ít. Vì thế, năm nay chúng tôi cũng bày bán ít hàng hơn. Mấy hôm nay, họa hoằn lắm mới có người mua cho 1 bộ".

Bác cho biết thêm: "Bày hàng ông Táo ra lâu rồi mà bán được tầm 20 - 30 bộ mũ áo, người dân cũng  toàn mua loại nhỏ, không sính hàng xịn, hàng đẹp, hàng độc như mọi năm".

Và trên những nẻo đường Hà Nội, những hàng gánh rong bán đồ lễ ông Táo vẫn đang chờ người mua hàng cho ngày 23 tháng Chạp.