Tôi tham gia rất nhiều phiên tòa hình sự với tư cách là người bào chữa cho bị cáo, nhưng có lẽ chưa có phiên tòa nào làm tôi xúc động, phải hết sức kìm nén cảm xúc khi thực hiện bào chữa cho bị cáo như trong phiên tòa xét xử Lê Thị Tuyết về tội “Làm nhục người khác” đến như vậy.
Thân chủ đặc biệt
Tôi là luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo tại phiên tòa này. Sự tham gia của tôi cũng hết sức tình cờ. Tôi không quen biết bà Lê Thị Tuyết, và bà cũng không hề biết tôi.
Trước đây, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Tuyết vào ngày 20/9/2013 của TAND TP. Thủ Dầu Một, PV của một tờ báo đến dự đưa tin về vụ án này.
Theo PV, diễn biến phiên tòa có nhiều tình tiết “lạ”, khác hoàn toàn so với những thông tin trên internet theo kiểu bị cáo là người đàn bà đanh đá, ghen tuông mù quáng, hành xử quá đáng…
Nhưng vì lúc ấy, bà Tuyết ra tòa một mình, không có luật sư, bản thân không biết chữ nên những tình tiết “lạ” đó chỉ lướt qua trong phần xét hỏi mà không được đề cập trong phần tranh tụng tại phiên tòa. Ngược lại, người bị hại ra tòa với sự hỗ trợ của luật sư.
Cảm thương hoàn cảnh của bà Tuyết nên PV này đã điện thoại nhờ tôi tham gia bào chữa miễn phí giúp.
Bản án của TAND TP. Thủ Dầu Một tuyên phạt bà Tuyết 6 tháng tù về tội “Làm nhục người khác”. Sau khi bị tuyên án, bà xin gặp tôi để nhờ trợ giúp pháp lý miễn phí.
Quả thật, trước khi gặp bà, tôi cũng không mấy thiện cảm bởi những thông tin về người “đàn bà đánh ghen, lột đồ tình địch”. Thế nhưng, gặp bà, tôi hoàn toàn bất ngờ trước thái độ ứng xử và hoàn cảnh của bà.
Trong suốt buổi nói chuyện, bà không có một từ nào nặng lời với chồng (ông Lê Đình Phú) và bà B (bị hại trong vụ án) - người đã phá hoại hạnh phúc gia đình bà.
Một tiếng “chồng tôi”, hai tiếng cũng là “chồng tôi”. Còn với “tình địch”, bà cũng rất nhã nhặn. Tôi quyết định bào chữa giúp bà tại phiên tòa phúc thẩm.
Sự phẫn nộ của HĐXX đối với người bị hại
Khi đọc hồ sơ vụ án, tôi phát hiện ra nhiều chứng cứ mà cấp sơ thẩm không đi sâu, làm rõ nhưng lại là chứng cứ quan trọng, chứng minh nguyên nhân dẫn đến hành vi đánh ghen của bà Tuyết đối với bà B.
Hồ sơ vụ án đã thể hiện: Do không chịu nổi sự bạo hành của ông Phú, cùng với sự quan hệ tình cảm nam nữ đã thiếu trong sáng, nhưng lại công khai, thách thức địa phương của ông Phú với bà B nên bà Tuyết đã làm đơn nhờ chính quyền can thiệp.
Ban hòa giải khu phố đã mời ông Phú và bà B lên để yêu cầu chấm dứt quan hệ tình cảm, nhưng họ thản nhiên trả lời với khu phố là họ không đồng ý chấm dứt quan hệ.
Sau đó, UBND phường Phú Hòa mời ông Phú, bà B lên để giải quyết. Tại phường, ông Phú thừa nhận có quan hệ với bà B nhưng không đồng ý chấm dứt quan hệ tình cảm này.
Không chỉ công khai quan hệ tình cảm với nhau, ông Phú còn có hành động bạo lực gia đình, đánh đập bà và ba đứa con “như cơm bữa”, đốt quần áo, đuổi mẹ con bà Tuyết ra khỏi nhà, bắt phải đi ở trọ hoặc ra ở trong căn nhà hoang gần đó.
Hàng ngày, bà Tuyết và các con nheo nhóc, vật vã tìm cái ăn, cái mặc, còn ông Phú dẫn bà B đi ăn hết quán nọ đến quán kia. Bà Tuyết không chịu nổi cảnh này, đã hai lần uống thuốc quyên sinh.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã xét hỏi xung quanh hai biên bản hòa giải của chính quyền địa phương. Trong phần xét hỏi, một vị thẩm phán đã xác định đây chính là căn cứ quan trọng để chứng minh ông Phú và bà B có quan hệ tình cảm nam nữ.
Việc họ không đồng ý chấm dứt quan hệ trước mặt chính quyền địa phương là điều không thể chấp nhận được.
“Đạo lý của người Việt Nam và pháp luật của nhà nước không chấp nhận người đang có vợ có chồng lại đi quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với người khác. Ở đây, cả ông Phú và bà B đều là những người đang có vợ có chồng mà lại quan hệ nam nữ với nhau thì càng không thể chấp nhận được.
Lẽ ra chính quyền địa phương cần phải mạnh tay hơn, phải xử lý kể cả hình sự với ông Phú và bà Bình về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng thì mới thỏa đáng.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo nên cần phải xem đây là tình tiết “phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Không có lửa, làm sao có khói?”.
Sau câu nói của vị thẩm phán, khuôn mặt bị cáo giãn ra, nước mắt không ngừng rơi. Bà Tuyết nghẹn ngào: “Những gì mà ông thẩm phán nói cũng là tâm tư của tôi, nhưng vì tôi không biết chữ, không biết pháp luật nên tôi không nói ra được.
Ở phiên tòa sơ thẩm, tôi không được nói những gì mà tôi bị dồn ép, uất ức trong lòng suốt mấy năm trời. Thực tế, nếu ai ở vào hoàn cảnh của tôi thì mới thấu hiểu được nỗi thống khổ mà mẹ con tôi đã phải chịu đựng trong suốt hơn 2 năm trời.
Có lần, ông Phú bắt tôi phải nằm một bên, bà B một bên, ông nằm giữa, để tôi chứng kiến họ ôm ấp, tình tứ với nhau. Tôi không chịu được cảnh này nên đã quyên sinh. Tôi cũng đã làm đơn gửi chính quyền nhờ can thiệp, nhưng ông Phú và bà B vẫn nhất quyết không chịu bỏ.
Tôi thật sự bị bế tắc mới có hành động như vậy. Việc làm của tôi là sai, tôi chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật nhưng mong mọi người hãy hiểu sự việc cho đúng, đừng áp đặt đối với tôi”.
Tòa án lương tâm
Điều rất xúc động trong vụ án này là HĐXX cho công bố nội dung lá đơn xin xem xét cho bà Tuyết được hưởng án treo của 40 hộ dân sống lâu năm ở khu phố 9, phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một. Trong đơn này, có xác nhận của khu phố và có chữ ký, con dấu đỏ của lãnh đạo phường Phú Hòa.
Trong đơn, người dân đã trình bày với HĐXX về sự bức xúc của họ trước sự công khai quan hệ nam nữ của ông Phú, bà B bất chấp sự phản đối của chính quyền, người dân.
Họ cho biết, nếu không có sự công khai, bất chấp đạo lý, pháp luật của “cặp đôi” này thì bà Tuyết không phản ứng như vậy. Mặc dù họ không đồng tình với cách làm của bà Tuyết nhưng họ mong muốn HĐXX xem xét cho bà Tuyết được hưởng án treo, để có điều kiện chăm sóc các con bà còn quá nhỏ.
Khi phiên tòa tạm dừng để HĐXX nghị án (dự kiến tuyên án vào ngày 9/12/2013), HĐXX, đại diện VKS đi ngang qua nơi hai đứa con bà Tuyết ngồi bên ngoài phòng xử án chờ mẹ. Cả HĐXX, đại diện VKS không ai bảo ai, cùng dừng lại, hỏi han mấy đứa nhỏ. Một hình ảnh đầy cảm động và hết sức nhân văn.
Dù bản án phúc thẩm có chấp nhận cho bị cáo hưởng án treo hay giảm án như đề nghị của VKS thì những gì diễn ra ở phiên tòa này, cho thấy không phải người bị hại nào cũng được thông cảm, còn bị cáo lại được thông cảm, sẻ chia như vậy.
Còn với tôi, dù bà B là bị hại trong vụ án này, nhưng rồi đây khi dư luận xã hội hiểu nguồn cơn, nguyên nhân của vụ án thì liệu bà còn giữ được thái độ lạnh lùng như trong suốt phiên tòa diễn ra hay không?. Dân gian đã có câu : “ Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn con trơ trơ”…