Ở tù oan - những mảnh đời éo le, xót xa

Trước khi được minh oan, những người vô tội này đã từng một lần bị gọi là “bị cáo”, từ mà chỉ dành cho những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật.

Được giải oan sau 10 năm chịu án chung thân tội giết người

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 4/11, khi Viện trưởng VKS nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định kháng nghị tái thẩm bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); cùng ngày, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cũng ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.

Trở lại vụ án mạng 10 năm về trước, ngày 15/8/2003, tại thôn Me xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp… dẫn đến tử vong.

Từ ngày 17/8/2003 đến 27/72007, sau quá trình điều tra và xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX hai cấp đã tuyên chung 1 bản án, phạt bị cáo Nguyễn Thanh Chấn chung thân về tội Giết người.

Quãng thời gian sau đó, từ trong trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã một số lần kêu oan. Bà Nguyễn Thị Chiến cũng nhiều lần gửi đơn kêu oan cho chồng. Một diễn biến bất ngờ đã làm thay đổi tính chất vụ án, ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.

Anh Nguyễn Thanh Chấn hạnh phúc ngày trở về

Sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm bản án của VKSNDTC, ông Chấn đã được trở về với gia đình. Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xét xử tái thẩm, tại phiên tòa xét xử ngày 6/11.

Nỗi oan sau vụ án “bộ xương khô dưới cống”

Chiều tối ngày 16/1/2004, Ngô Hoàng Trung (SN 1986, ngụ xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đạp xe về nhà. Khi đi qua đoạn cống ngầm dưới kênh thủy lợi N22 gần quốc lộ 1A thuộc xã Bình Trung thì thấy 4 thanh niên tên Hồ Ngọc Vân, Hồ Ngọc Tình, Hồ Ngọc Bình, Nguyên Hoàng Anh (cùng ngụ tại xã Bình Trung) đang cãi nhau.

Mặc dù đã cho xe đi qua nhưng anh Trung lại bị 4 thanh niên lao vào đánh đấm vì họ cho rằng anh “nhìn thấy bọn chúng đánh nhau”. Trở về nhà, anh Trung đem chuyện kể lại cho anh trai là Ngô Song Tùng (SN 1984) và chú ruột là Nguyễn Hoàng Linh (SN 1970).

Lập tức, cả 3 chú cháu kéo nhau ra khu vực cống ngầm và ẩu đả với 4 thanh niên kia. Tại đây, khi bị đuổi đánh, anh Vân đã nhảy xuống cống để trốn. Lúc này, anh Tùng bị một chiếc xe tải va quệt khiến anh bất tỉnh và được Trung và anh Linh đưa đi cấp cứu.

Anh Trung và tập hồ sơ vụ án

Tháng 9/2004, người dân bất ngờ phát hiện một bộ xương người dưới con kênh thuộc xã Bình Trung. Kết quả giám định pháp y cho thấy bộ xương trên là của anh Hồ Ngọc Vân, một trong bốn thanh niên đã từng gây sự với Trung vào tháng 1/2004. Sau khi điều tra xác minh, công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố và bắt tạm giam Ngô Hoàng Trung, Nguyễn Hoàng Linh về tội gây rối trật tự công cộng và không tố giác tội phạm. Riêng Ngô Song Tùng bị khởi tố về tội giết người. Ngay cả khi bị khởi tố, Trung vẫn không hiểu mình thực sự đã phạm tội gì bởi các anh còn không biết anh Vân bị thương chứ đừng nói là bị đánh đến chết.

Sau 2 lần xử sơ thẩm và 1 lần phúc thẩm, do không đủ chứng cứ kết tội nên Ngô Hoàng Trung và Nguyễn Hoàng Linh được trả tự do. Riêng bị cáo Ngô Song Tùng bị tòa kết án 8 năm tù giam vì tội giết người.

Chàng cựu sinh viên và 900 ngày ngồi tù oan

Đó là câu chuyện của anh Trương Hoàng Hiếu (SN 1983, trú tại xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế Nha Trang. Khoảng 21h ngày 1/12/2006 tại ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện đã xảy ra một trận ẩu đả giữa anh Hiếu và nhóm thanh niên gồm Nguyễn Văn Tèo, Nguyễn Xuân Kiền, Chiêm Hoàng Nhanh, Nguyễn Hoàng Dinh, Trần Trung Hiếu, Thanh và Du.

Trong lúc hỗn loạn, Hiếu đã cầm 1 con dao rượt đuổi Tèo thì gặp Chiêm Hoàng Nhanh và tiếp tục xảy ra xô xát. Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã kết luận: ‘Hiếu đã cầm dao chém vào Chiêm Hoàng Nhanh khiến anh này bị tổn hại sức khỏe 25%’. Hiếu bị truy bắt tạm giam và bị VKS truy tố tội “cố ý gây thương tích”.

Sau nhiều lần xét xử qua các cấp sơ và phúc thẩm, ngày 10/9/2010, cơ quan CSĐT Công an huyện Mỹ Tú ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Trương Hoàng Hiếu với lý do: Hết hạn điều tra mà không thể kết tội.

Tính từ lúc bị bắt tạm giam cho đến ngày được trả tự do, cựu sinh viên Trương Hoàng Hiếu đã phải ngồi tù oan 884 ngày.

Cựu sinh viên Trương Hoàng Hiếu

Được trả tự do sau 32 năm ngồi tù oan

Câu chuyện có phần ly kỳ này xảy ra ở bang Illinois (Mỹ), một người đàn ông da đen có tên Andre Davis (52 tuổi) đã được trả tự do sau 32 năm ngồi tù oan về tội cưỡng hiếp và giết chết một bé gái 3 tuổi.

Theo hồ sơ của cảnh sát, tối 8/8/1980, Davis (lúc đó mới 19 tuổi) uống bia với hai người anh. Do quá say nên Davis ngủ lại tại một căn nhà ở thị trấn Rantoul, bang Illinois, còn hai người anh của ông sau đó đã đi ra khỏi nhà. Chỉ vài giờ sau đó, Davis đã bị bắt khi cảnh sát phát hiện thi thể bé Brianna Stickle (3 tuổi) tại căn nhà này trong khi hai người anh của ông đã biến mất.

Kết quả giám định ADN đã chứng minh ông Davis không phải là thủ phạm hiếp dâm và sát hại bé Brianna. Do sai sót trong quá trình xử án, dù trải qua nhiều lần kháng cáo nhưng Davis vẫn phải ngồi tù oan suốt 32 năm qua.

Vẫn “mang tiếng” sau khi được tự do?

Mặc dù được tuyên bố là người vô tội trong các vụ trọng án, song những người đã từng phải chịu ngồi tù oan khi đã trở về với cộng đồng vẫn phải mất một thời gian dài để xóa dần dư luận xã hội.

Sau khi xảy ra các vụ án, không chỉ các bị cáo mà ngay cả gia đình, người thân của họ lần lượt phải hứng chịu “búa rìu dư luận”.

Trở về với gia đình, người thân, những “bị cáo” từng được minh oan sẽ phải có thêm nhiều cố gắng để làm phai mờ quãng thời gian bị coi là “tội phạm”. Thêm vào đó, thái độ của cộng đồng cũng là một sự khích lệ tích cực đối với những con người này để họ lấy lại nghị lực sống.