Ngoài kia, những đứa con của bà đã thành đạt, chồng thì đang mang bệnh nặng, ước mơ còn lại bây giờ của bà chỉ là mong cải tạo thật tốt để mong có ngày gia đình được đoàn tụ.
Trong suốt buổi trò chuyện, người đàn bà một thời được mệnh danh là bà hoàng tại Sài Gòn vì nắm giữ trong tay hàng chục triệu USD ngập trong nước mắt và những lời ăn năn hối cải.
Nữ doanh nhân thành đạt
Sáng đầu tuần, dòng người đổ về khu thăm nuôi phạm nhân phân trại K5, trại giam Z30 A Bộ công an (đóng tại địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) ngày càng đông.
Khi chúng tôi đến, một nữ phạm nhân luống tuổi đang lúi cúi dọn dẹp, trên gương mặt sáng của bà vẫn còn đậm nét của một người phụ nữ quý phái.
Cán bộ quản giáo cho biết đó là công việc hàng ngày của nữ phạm nhân Trần Phương Mai (57 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP. HCM) - người từng được mệnh danh là bà hoàng ô tô, một nữ đại gia tại Sài Gòn ngày trước.
Gương mặt được trang điểm nhẹ, nước da trắng ngần, mái tóc cột cao sau gáy, dù đã gần bước sang cái tuổi ngũ tuần nhưng nữ phạm nhân trong trẻ hơn so với tuổi. Được sự thuyết phục của giám thị trại giam, nữ phạm nhân miễn cưỡng ngồi tiếp chuyện với chúng tôi.
“Tôi có gì đặc biệt đâu, cũng như những phạm nhân khác tại đây thôi. Giờ tôi chỉ biết cố gắng phần đấu và hi vọng vào sự khoan hồng của pháp luật để mong được giảm án” - bà Mai nói chuyện trong khi đôi tay vẫn không ngừng sắp những chiếc ghế thẳng tăm tắp.
Nữ phạm nhân Trần Phương Mai trong trại giam Z30A.
Ánh mắt buồn, giọng nói cứng cỏi nhưng cũng rất nhã nhặn cùng vẻ từng trải là những ấn tượng đầu tiên chúng tôi nhận thấy ở nữ phạm nhân này khi trả lời những câu hỏi. Chọn chiếc ghế phía đối diện, người đàn bà là đại gia một thời khó nhọc ngồi xuống.
Đôi mắt ngấn lệ, Trần Phương Mai nhắc lại câu chuyện đời mình. Một câu chuyện tưởng như đã chôn chặt sâu thẳm trong quá khứ giờ đây vụt hiện ra như một ảo ảnh chập chờn trước mắt người đàn bà.
Bà kể rằng thời điểm những năm 1990, công ty TNHH mỹ nghệ sơn mài Hoàng Long (trụ sở tại quận Thủ Đức, TP. HCM) là một trong số những doanh nghiệp đầu tiên đứng ra nhập khẩu ôtô về Việt Nam. Công ty của bà Mai phát triển mạnh mẽ và trở thành thế lực lúc bấy giờ.
Chính sự thành công này khiến bà Mai ngày càng lóa mắt trước những hợp đồng béo bở mà không biết trong kinh doanh luôn ẩn họa những bất ngờ. “Có thể thắng lớn nhiều vụ nhưng chỉ một vụ thì có thể đã mất hết tất cả. Đến bây giờ tôi mới thấm thía được triết lý kinh doanh này nhưng đã muộn” - bà Mai nói.
Năm 1995, mang trên mình chức danh Phó giám đốc công ty, Trần Phương Mai đã ký nhiều hợp đồng ủy thác cho hàng loạt các doanh nghiệp khác nhập khẩu một số lượng lớn ô tô tải các loại, xe đào đất bánh hơi, bánh xích, máy ô tô đã qua sử dụng của các công ty Hàn Quốc.
Với lượng lớn hàng hoá như vậy, để có tiền thanh toán cho phía đối tác, bà Mai đã làm thủ tục vay tiền ngân hàng Tân Việt thông qua hình thức là những chứng thư bảo lãnh trả chậm. Tài sản mà bà này đem thế chấp chính là những lô hàng xe nhập khẩu này.
Biến động thị trường làm đồng tiền bị trượt giá, những chiếc xe giá bạc tỷ đang ở trong kho chưa bán đã lỗ nên công ty bà Mai lỗ nặng nề.
Để cứu vãn tình hình, tận dụng những mối thân thiết từ những lãnh đạo trong ngân hàng Tân Việt, bà Mai đã nghĩ cách để lấy được số hàng hoá này ra ngoài nhằm thế chấp ở những ngân hàng khác.
Cũng chính từ “tay trong” này, bà Mai còn thế chấp được cả những hoá đơn đã bán hết hàng hoá cho ngân hàng lấy được hàng triệu USD. “Tiền công ty là của tôi, nhưng là phận đàn bà không có uy tín trên thương trường nên tôi để chồng tôi đứng làm chủ tịch hội đồng quản trị” - bà chia sẻ.
Chồng bà cũng vì quá tin tưởng nơi người vợ giỏi giang nên mọi việc bà làm ông đều tán đồng không bao giờ có ý kiến. Được toàn quyền quyết định, bà Mai liên tiếp nhập những lô hàng lớn hơn để mong kéo công ty trở lại ngày hoàng kim nhưng càng nhập càng lỗ.
Để gom tiền trả nợ, những lô hàng nhập khẩu lấy được ra ngoài bà Mai phải bán tống bán tháo với giá rẻ mạt khiến khoản lỗ ngày càng vây kín hơn.
Cho đến một ngày, khi sự việc không thể cứu vãn được, công ty bà Mai đã nợ hàng chục triệu USD. Nữ doanh nhân này cùng chồng mình và nhiều cán bộ ngân hàng thân thiết đã phải trả giá trước pháp luật.
Ngày 31/5/2002, nữ đại gia này đã bị cơ quan công an bắt về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến giới doanh nhân ở Sài Gòn không khỏi ngỡ ngàng. Bởi vì lúc đó, không ai có thể ngờ rằng người phụ nữ thành đạt, từng được mệnh danh là bà hoàng ô tô đã nhiều năm tung hoành trên thương trường lại là kẻ lừa đảo.
Trần Phương Mai đã bị tuyên án chung thân cho những hành vi mình gây ra. Chồng bà cũng mang tội danh tương tự nhưng chỉ có vai trò giúp sức nên chỉ bị kết án 13 năm. Tuy nhiên, do bị tai nạn giao thông khiến sức khoẻ ông yếu ớt, nên ông đã được tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh.
“Tôi và gia đình đã cố gắng khắc phục hậu quả bằng cách bán tài sản để bù đắp trả lại phần lớn số tiền. Tuy nhiên, việc tôi làm đã sai rồi và tôi phải chịu cảnh tù đày như ngày hôm nay” - bà cúi mặt nức nở.
Vào trại chưa được bao lâu, bà Mai lại đón nhận thêm tin buồn khi cha bà không chịu đựng nổi vì tuổi già sức yếu cộng với đau buồn trước hoàn cảnh cả con gái và con rể đều bị buộc tội.
Đưa chiếc khăn tay thấm những giọt nước nơi khóe mắt, Trần Phương Mai cho biết đã thụ án được gần 10 năm nhưng không bao giờ bà ngừng suy nghĩ về những chuyện bà đã làm. Không lường trước được hậu quả, bà đã quá hiếu thắng để đến khi cơ nghiệp sụp đổ, gia đình chia ly.
Phải chi bà biết dừng đúng lúc thì đâu có những ngày hôm nay. Đó là cái giá quá đắt ngay cả dân kinh doanh sành sỏi như bà cũng không thể tính toán được. Bên ngoài kia, chồng bà vẫn đang ngày đêm phải chiến đấu với bệnh tật, bà chỉ biết trông đợi nơi sự hiếu thảo của những đứa con của mình.
Niềm tin ngày đoàn tụ
Nhắc đến những đứa con, bà Mai tự hào cho biết, là gia đình gia giáo, bà đã lo cho 4 đứa con ăn học tử tế và đều tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước.
“Hiện 2 đứa lớn đang ở nước ngoài, chúng đang làm việc để thay tôi lo cho các em và cha khiến tôi cũng phần nào được an ủi. Nhiều năm trong trại giam, đến bây giờ, bà vẫn đang phải đối diện với căn bệnh thoái hóa khớp quái ác đi lại rất khó khăn.
Không lao động được như những phạm nhân khác, bà được các giám thị bố trí làm việc tại khu thăm nuôi của trại. Đây cũng là công việc mà bà cảm thấy rất tự hào vì hàng ngày được góp một phần nhỏ vào niềm vui của những phạm nhân.
“Gặp được những người thân, ruột thịt của mình ở bên ngoài là chuyện thường nhưng đối với những phạm nhân chúng tôi thì đó là những điều rất thiêng liêng, rất hạnh phúc. Đó là những giây phút ít ỏi chúng tôi được sống lại bên gia đình mình” - bà Mai nghẹn giọng.
Những công việc tưởng như bình dị nhưng đối với nữ phạm nhân này ý nghĩa biết bao. Vì đó là cơ hội cho bà làm được cái gì đó để hoàn trả cho những tội lỗi mình gây ra khiến nhiều người khác vì bà mà dính vào lòng lao lý.
“Thường thì người ta rất sợ thời gian trôi nhanh vì mỗi ngày qua đi, đồng nghĩa với cuộc đời ngắn lại. Nhưng với tôi, tôi mong mỗi buổi sáng như trẻ con mong ngày Tết, bởi tôi thấy mình đã làm được thêm một việc có ý nghĩa” - bà kể.
Một cán bộ giám thị nơi đây cho biết, với mức án chung thân thì nhiều phạm nhân tỏ ra tuyệt vọng và thường sống cho hết ngày được sống. Tuy nhiên, đối với những trường hợp như Trần Phương Mai thì vẫn có ngày về.
Bởi theo ông, nữ phạm nhân này còn có gia đình bên ngoài xã hội, còn có những đứa con yêu thương và lao động chính là con đường ngắn nhất để nhận được sự khoan dung của pháp luật và có ngày trở về.
Được sự động viên của các giám thị trại giam, Trần Phương Mai đang ngày ngày phấn đấu. Mỗi năm nhìn thấy hàng trăm người được đặc xá, giảm án, thấy được niềm hạnh phúc của sự tự do, sự đoàn tụ khiến lòng nữ phạm nhân này lại thêm xốn xang, hy vọng.
Dường như cũng hiểu được điều đó là thành quả của sự hồi tâm, hối cải nên bà Mai đang cố gắng từng ngày sống sao cho thật ý nghĩa. Suốt nhiều năm trong trại, bà chưa từng nghỉ một ngày nào.
Vẫn đều đặn mỗi sáng bà lại đến khu thăm nuôi, dọn dẹp bàn ghế, ân cần sắp xếp, chỉ bảo những người thân đến thăm nuôi. Bà hy vọng với những gì mình đã làm sẽ có một ngày cái tên Trần Phương Mai có trong danh sách được giảm án.
Những lần có các con đến thăm nuôi, bà Mai lại khóc rất nhiều. Bởi bà biết rằng không được ở gần các con là một tổn thất lớn lao của người mẹ.
“Ở tuổi của tôi, đáng lẽ bây giờ phải được gần con, gần cháu. Nghe tiếng bi bô con trẻ tôi như khao khát được chăm sóc, được cưng chiều như bao người ông, người bà khác. Âu cũng là cái giá phải trả cho những gì tôi đã gây nên” - nữ phạm nhân tâm sự mà ánh mắt nhìn về phía xa xăm.
Nhìn sâu vào trong ánh mắt u buồn, thiết tha của nữ phạm nhân này, tôi thấy thực sự tin tưởng những điều bà nói. Rằng sẽ có một ngày, một ngày không xa nữa những phấn đấu, hối cải của bà hoàng một thời này sẽ thành sự thực.