Là trưởng phòng nhân sự một ngân hàng lớn tại Hà Nội, anh Trọng luôn được nhân viên nể sợ vì sự uy nghiêm và tác phong làm việc dứt khoát. Nhưng ít ai biết, bên trong người đàn ông ấy luôn có nỗi đau giằng xé.
Vợ chồng anh Trọng đều là con nhà danh giá. Chị xinh đẹp, giỏi giang. Anh cũng thành đạt, phong độ. Kết hôn hai năm chưa có con, hai bên gia đình mặc nhiên cho đó là lỗi của người vợ và giục chị đi khám, chữa. Vốn tự tin hoàn toàn vào bản thân, anh Trọng cũng nghĩ vậy, và nhiều lần, vừa do mong con, lại bị áp lực gia đình, anh có những lời lẽ không hay khiến vợ rơi lệ.
Vài năm trước, nghe vợ nài nỉ mãi, anh mới đi khám. Kết quả khiến anh muốn quỵ xuống: không có tinh trùng trong tinh dịch.
Từ đó, người vợ như tức nước vỡ bờ, quay sang chì chiết chồng. Đặc biệt, sau vài lần thực hiện hỗ trợ sinh sản không thành do tinh trùng được chọc hút của anh quá yếu, chị càng chán nản và không hợp tác chữa trị nữa. Đỉnh điểm của mọi chuyện là lúc người phụ nữ công khai có bồ, nhắn tin đong đưa với người đàn ông khác trước mặt chồng. Hai người không ly hôn bởi sợ ảnh hưởng tới danh tiếng gia đình và vẫn phải đóng vở kịch hạnh phúc.
"Tôi đau đớn vì có cảm giác mình hoàn toàn bất lực: không có con, bị vợ coi thường, cũng chẳng có quyền ghen tuông khi vợ cặp bồ. Bác sĩ ơi, có cách nào cứu tôi. Tôi không biết có thể chịu đựng được cuộc sống này tới khi nào!", giọng anh Trọng nặng trĩu khi chia sẻ với bác sĩ sau khi trấn tĩnh lại.
"Tôi thực sự bối rối khi thấy một người đàn ông trông vẻ ngoài to lớn, mạnh mẽ, thậm chí có vẻ lạnh lùng nức nở trước mặt mình. Khi ấy họ coi mình như một vị thần linh, là chỗ bấu víu cuối cùng trong nỗi tuyệt vọng. Nhưng thực tế, có những tình huống khó khăn mà y học cũng đành bó tay. Tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc đóng vai một thầy tu để trấn an và nâng đỡ tinh thần cho những con chiên", thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm nam học, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc (bên trái) và đồng nghiệp trong một ca phẫu thuật chữa bệnh nam khoa. Ảnh website namhoc
Bác sĩ Bắc cho biết, đây không phải là lần duy nhất anh chứng kiến cảnh suy sụp của nam giới trong quá trình khám chữa bệnh nam khoa. Người bác sĩ khi ấy cũng mang cảm giác nặng nề vì không thể giúp được bệnh nhân tìm lại sức mạnh, sự tự tin vào bản thân và hạnh phúc gia đình.
"Bị thất thế trong gia đình, tình trường là sự tổn thương ghê gớm đối với người đàn ông. Họ đau khổ, bất lực, nhưng nhiều khi lại không dám thể hiện điều ấy với ai, kể cả người thân nhất. Họ cố chịu đựng, dồn nén nhưng cũng có những khi phải bật ra, nhất là đứng trước người chữa bệnh cho mình", bác sĩ Hoài Bắc nói thêm.
Trường hợp một vị giám đốc 55 tuổi với gương mặt thiểu não, thất vọng tìm đến nhờ nối lại ống dẫn tinh cách đây không lâu cũng khiến bác sĩ phải trằn trọc nhiều đêm.
Ông tên Quảng, ở Hải Hậu, Nam Định. Vì điều kiện gia đình, sau khi sinh được một cậu con trai, ông đi thắt ống dẫn tinh vì thương vợ lúc nào cũng ngay ngáy lo mang bầu bởi đặt vòng không hợp mà uống thuốc cũng chẳng xong. Cuộc sống tưởng như rất ưu ái khi sự nghiệp của ông thăng tiến tốt, kinh tế gia đình cũng khá giả dần lên, cậu con trai thì học giỏi, thành danh. Thế nhưng, mọi chuyện rẽ sang hướng khác khi người con gặp tai nạn và mất lúc gần 30 tuổi.
"Bầu trời sụp xuống đầu tôi. Vợ tôi như hóa điên. Bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc, kỳ vọng của chúng tôi đều tan tành. Bây giờ, chỉ sinh được một đứa con khác có lẽ mới giúp chúng tôi tìm lại cuộc sống", ông Quảng nghẹn lời.
Người đàn ông với gương mặt tiều tụy càng đau đớn khi nghe bác sĩ giải thích khả năng giúp ông làm cha lần nữa không nhiều, khi ống dẫn tinh đã thắt từ 20 năm trước: "Thắt ống dẫn tinh thì dễ, mà nối lại rất khó. Hơn nữa, không hẳn cứ nối thông là sẽ có con bởi khi thắt ống dẫn tinh, cơ thể sản xuất một loại kháng thể kháng tinh trùng, nên dù nối lại tinh trùng cũng yếu. Thời gian thắt càng dài thì cơ hội có con lại sau nối càng khó".
Ngay khi bác sĩ vừa dứt lời, người đàn ông bỗng gục mặt trên bàn khám, đôi vai rung lên. Dù vậy, sau đó, ông vẫn nhất quyết xin bác sĩ nối lại cho mình. "Dù gì tôi cũng muốn thử, bởi nếu không có con nữa, cuộc sống của tôi chẳng còn ý nghĩa gì", ông nài nỉ.
Bi kịch cuộc sống cũng đến với những người đàn ông còn rất trẻ, do những khó khăn của cuộc sống và dòng đời xô đẩy.
Tìm tới bác sĩ nam khoa sau gần nửa năm cưới vợ mà vẫn chưa thể "làm ăn" gì, Bình (Vĩnh Phúc) trải lòng về "cuộc sống trong bóng tối" của mình trước đây - nguyên do dẫn tới tình trạng "trên bảo dưới không nghe" của anh hiện nay.
Mấy năm trước, anh làm nghề buôn bán đồ thờ. Thời gian đầu, anh chán nản vì cửa hàng vắng khách, thu nhập èo uột. Đúng lúc đó, một vài đồng cô tới mua đồ, thấy Bình cao to, đẹp trai nên đã gạ gẫm anh. Sau một vài lần từ chối - đồng nghĩa với việc mất khách - Bình bắt đầu chấp nhận cặp bồ. Bằng cách này, mối quan hệ mở rộng dần, công việc làm ăn cũng phát triển nhanh chóng, và Bình trở thành một "trai bao" chuyên nghiệp cho những người đàn ông chỉ thích tìm vui thú với người cùng giới.
Vài năm sau, khi đã có một số vốn lớn và ghê sợ cuộc sống "trai bao" của mình, Bình chuyển nghề, chấm dứt các mối quan hệ cũ và lấy vợ. Thế nhưng, hậu quả của những lần thâu đêm suốt sáng cùng đồng cô bóng cậu đã làm cho thân xác anh tàn tạ, tinh thần mệt mỏi, không còn hứng thú với "chuyện ấy". Cứ mỗi lần gần vợ thì hình ảnh của những cuộc yêu với người đồng giới lại hiện lên khiến cho “cậu nhỏ” của anh cứ trơ ra, không thể làm nhiệm vụ.
"Nhìn vợ tuyệt vọng, tôi thấy lòng đau như thắt. Có lẽ đây là cái giá tôi phải trả cho những dại dột của một thời trai trẻ...", giọng anh lạc đi vì không ngăn được dòng nước mắt tuôn trào.