Nó vẫn còn dai dẳng kéo dài khiến nhiều bà mẹ không dám ngẩng mặt nhìn thiên hạ. Cũng có những bà mẹ cuống cuồng tìm mọi cách cứu con thoát khỏi án tử...
1. Cứu con
Theo hồ sơ vụ án, Tuấn quen biết và nảy sinh tình cảm với H.T.L.. Yêu nhau được hai tháng, vào Ngày tình nhân thấy L. đi chơi với bạn trai khác, Tuấn ghen tức. Gặng hỏi thì L. trả lời không có gì. Sau đó L. du học ở Singapore và không hề liên lạc gì với Tuấn. Kế đó nghe tin chị mình chuẩn bị làm đám cưới nên L. về nước. Gặp nhau thấy L. thờ ơ, lạnh nhạt, nghĩ L. đã trở về với người yêu cũ nên Tuấn đâm chết L..
Án sơ thẩm đã tuyên phạt Tuấn tù chung thân về tội giết người. Sau đó gia đình nạn nhân đã làm đơn kháng cáo. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên phạt tử hình Tuấn...
Kể từ ngày con trai vung nhát dao oan nghiệt là cuộc sống của bà bị đảo lộn... Trong căn nhà rách nát ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, khi gặp lại bà Trần Thị Gết, 61 tuổi, tôi không ngờ chỉ mới vài năm mà khuôn mặt bà biến dạng: miệng méo, mắt bị lệch - hậu quả của những năm tháng sống trong triền miên lo sợ.
Tôi không thể nào quên hình ảnh phiên tòa hôm đó bà té đập đầu xuống nền khi nghe kiểm sát viên đề nghị mức án tử hình con trai, nhưng bà vẫn cố lết tới năn nỉ cha mẹ nạn nhân: “Tôi lạy anh chị, xin tha tội cho con tôi...”.
Bà khóc nhớ lại: Trước khi tòa án tỉnh Hậu Giang đưa ra xét xử vụ án con mình, đầu óc bà cứ ong ong, ruột gan bấn lên bởi sợ con bị tuyên án tử. Rồi nghe tòa sơ thẩm tuyên chung thân, hồn vía bà như từ cõi chết trở về cõi sống. Sau đó biết bên bị hại kháng cáo, bà lại thấy rơi dần vào vùng tối đen kịt.
Rồi nghe con bị tòa phúc thẩm tòa án tối cao tại TP.HCM tuyên tử hình, bà như đang rớt thẳng xuống tận miền âm ti.
Những ngày đó bà không thiết sống nhưng với bản năng làm mẹ, bà lo cuống lo cuồng tìm mọi cách cứu mạng sống của con. Tòa tuyên án hôm trước là hôm sau bà viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá cho con, kèm theo đó là xấp giấy tờ dày cộm gia đình có công với cách mạng, chữ ký của bà con láng giềng xác nhận con bà trước đây sống tốt ở địa phương.
Ngày nào bà cũng viết đơn và mỗi tuần đem đi gửi. Mặc dù ra tận bưu điện tỉnh Hậu Giang gửi thư bảo đảm, nhưng vẫn không an tâm nên bà đi xe đò đến các bưu điện của những tỉnh thành khác như Sài Gòn, Cần Thơ, Vĩnh Long... để gửi. Cứ vậy, bà đã viết không biết bao nhiêu lá đơn.
Những nơi linh thiêng, cầu tự bà cũng đã đi đến để mong phép mầu xuất hiện. Tiền không có nhưng đi suốt. Con cái cũng nghèo khó nên thời gian đầu mỗi người góp chút đỉnh cho bà nhưng sau đó ai cũng “đuối” nên bà vay tiền bên ngoài để đi.
Nỗi lo sợ cứ chia làm nhiều đợt, ào ạt như sóng xô bờ khiến bà cảm thấy sự sống như bị tiêu hủy. Bệnh tình cũng theo cơn khủng hoảng mà xuất hiện: huyết áp, bệnh tim. Bà khóc đến đỗi giờ mắt sụp xuống, miệng méo đi, suốt ngày lẩm nhẩm gọi tên con. Người thân hốt hoảng sợ bà qua không khỏi.
Đúng lúc đó “phép mầu” xuất hiện: Chủ tịch nước đã ra quyết định ân giảm hình phạt tử hình con bà xuống tù chung thân.
Bà xúc động: “Mừng lắm, cháu ơi! Như mình được tái sinh vậy. Khi dì gặp thằng Tuấn, nó khóc như mưa. Nó trách sao nó cạn nghĩ, ích kỷ, cố chấp, giết đi một mạng người. Lúc chưa được ân giảm, còn ở trong phòng biệt giam, mỗi lần có người kêu ra là nó cứ nghĩ mình sẽ bị đưa đi bắn...”.
Con thoát án tử. Giờ bà đang rối bời với tiền bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại trên 100 triệu đồng. Đối với bà, đây là khoản tiền rất lớn bởi bà sống bằng việc đội từng mớ rau, trái dừa khô mang ra chợ bán... Tiền không có nên bà tìm mọi cách để lo.
Bà nói làm thế lương tâm bà cũng bớt dằn vặt. Bà đã kêu bán nhà nhưng khách tìm đến nghe nói đây là nhà của kẻ sát nhân, người ta sợ không dám mua nữa. Những người đồng ý mua thì đòi với giá quá rẻ... Bà định hỏi vay mượn nhưng số tiền đi gửi đơn, đi cầu an vay mượn cả chục triệu đồng khiến giờ vẫn chưa trả dứt nên không ai dám cho mượn cả.
Nỗi đau quá lớn nên hễ nghe hung tin ai đó điên cuồng mù quáng vì tình là tim bà đau như bị ai cưa bởi một lưỡi cưa cùn. Vì vậy thấy ai hành động giống con mình là bà khuyên nhủ hết lời rồi đem bản thân mình ra làm bằng chứng bởi bà sợ rơi vào tình cảnh giống như mình. Nhờ vậy bà đã cảnh tỉnh vài trường hợp.
Bà tâm sự: “Mạng người quý lắm. Người ta không còn yêu mình thì thôi. Nếu mối tình này không còn thì còn mối tình khác, biết đâu mình gặp người khác hợp ý hơn người trước. Đừng giết người bởi cha mẹ người thân người ta đau lòng lắm, oán ghét mình cũng là lẽ đương nhiên.
Bản thân mình cũng bị pháp luật trừng trị. Thân xác do cha mẹ tạo ra phải biết quý trọng. Gia đình mình cũng khốn đốn theo. Nếu thằng Tuấn không mù quáng, ích kỷ trong tình yêu thì giờ đây đã an lành với nghề đầu bếp và lương tâm nó đâu cắn rứt trăm chiều...”.
2. Nỗi đau của mẹ
7g ngày 21/10 tại TAND TP Cần Thơ, nắng tràn xuống những băng ghế thưa thớt người ngồi khiến sân tòa như rộng thêm. Dãy ghế đá gần phòng xử khoảng vài người đang túm tụm bàn chuyện. Cách đó chừng 5m, người phụ nữ 60 tuổi gầy rạc, bên dưới cặp mắt là hai quầng thâm sẫm như ai đó đã đóng dấu mực buồn lo lên đó.
Bà mặc áo bà ba, quần vải lá nem, đôi dép mủ, ngồi co ro trên băng đá với đôi tay luôn ôm lấy đầu. Tôi lân la bắt chuyện. Có lẽ nỗi đau quá lớn ở tuổi cao niên khiến bà trút tâm sự với một người dưng xa lạ như tôi.
Hóa ra những người ngồi băng đá phía kia là bên bị hại. Bà đến dự với tư cách người có nghĩa vụ liên quan. Bị cáo là con trai út. Bị hại là cháu nội, con gái của người con thứ hai.
Câu chuyện miên man kéo về thuở chia tay chồng, một mình làm mướn nuôi đàn con sáu đứa. Gặt lúa thuê đến đâu, bà “tha” sáu đứa theo đến đó. Bà che lều để mấy mẹ con cùng ngủ trên cánh đồng. Vừa buông tay liềm, bà thổi lửa nấu cơm, cho con bú. Gặt xong cánh đồng này, bà lại “tha” con đến cánh đồng khác.
Rồi bà gặp người chồng thứ hai. Những tưởng hạnh phúc nhưng nào ngờ tính ông rất bạo hành, đánh bà suýt chết khiến bà hoảng loạn ôm con trai út bỏ trốn...
Rồi các con bà khôn lớn, lập gia đình ra riêng. Bà sống với con trai út. Con lớn lên chịu khó đi làm thuê ở các tỉnh xa bằng nghề thợ sơn nhà, lâu lâu về thăm nhà gửi ít tiền cho mẹ. Bao năm vắt kiệt sức nuôi con, ở tuổi 60 những tưởng cuộc sống của bà sẽ bình an trong phận nghèo, nào ngờ...
Hôm đó bà đi đốn củi xa, thằng út ở nhà làm chuyện trái luân thường đạo lý với con của người anh thứ hai. Nghe hung tin bà rụng rời tay chân. Bà nói với con thứ hai xin tha tội cho thằng út. Nhưng bà mới mở miệng nói vài câu thì đứa con gạt phắt.
Sự căm phẫn đã khiến người anh báo công an về hành vi tội lỗi của đứa em cùng mẹ khác cha với mình. Giọng bà nghèn nghẹn rằng xấu hổ, hoảng loạn khi người con út làm chuyện bại hoại gia phong phải vướng vòng lao lý. Cộng thêm đau đớn, dằn vặt khi người con thứ hai không chịu nhìn mặt mẹ dù bà không có lầm lỗi chi, rồi buồn rầu, lo lắng cho cháu nội.
Những nỗi đau nhức nhối vây hãm ám ảnh bà từng giờ từng phút...
Kể đến đây thì xe chuyên dụng từ cổng chạy thẳng vào. Bà lật đật ngưng câu chuyện chạy theo xe. Phiên xử bắt đầu.
Theo hồ sơ vụ án, Dương Văn Minh, 21 tuổi, là em cùng mẹ khác cha với cha của bé P.T.M.T., 10 tuổi. Khoảng 10g ngày 4/5/2014, bé T. đến nhà Minh chơi. Minh đã gọi cháu vào phòng ngủ, dụ dỗ và thực hiện hành vi giao cấu với bé. Sau đó, bé T. đã kể lại cho gia đình và gia đình đã báo cơ quan chức năng.
Nghe chủ tọa nhận định hành vi của con là trái luân thường đạo lý và tuyên phạt con mức án 14 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em”, bà bật khóc. Con bị dẫn giải đi, bà nước mắt lã chã chạy theo nhìn mặt con nhưng không kịp... Xe tù đã lăn bánh.
Giọng bà đau đớn đến cùng cực: “Làm chi chuyện trái đạo để khổ cả gia đình, khổ dòng họ, mẹ làm sao dám nhìn mặt bà con lối xóm đây con ơi”.
Người mẹ bước thấp bước cao lủi thủi ra về, dưới chân bà bóng liêu xiêu ngả nghiêng bám theo...