Liên quan đến vụ việc một nữ sinh viên tử vong trong đám cháy xảy ra ở khu nhà tạm gần khách sạn La Thành (Hà Nội) ngày 2/1 vừa qua khiến dư luận quan tâm, điều lạ lùng là một căn phòng rộng có 30m2 khi xảy ra cháy, 55 cán bộ, chiến sĩ đã tham gia cứu hộ cùng 6 xe của lực lượng PCCC nhưng sau 6 tiếng mới tìm thấy xác nạn nhân.
Căn phòng 30m2 và 55 chiến sĩ cứu hỏa: "Đã tìm kiếm rất kỹ và không phát hiện gì"
Nạn nhân là Trần Thị Huế (21 tuổi, quê Hà Nam), sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm Hà Nội bị chết cháy trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu nhà tạm gần khách sạn La Thành (đường Vạn Phúc, phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội).
Sự việc xảy ra vào sáng 2/1. Vào thời điểm xảy ra vụ cháy, Huế đang ngủ trong phòng trọ cùng một người phụ nữ. Khi xảy ra hoả hoạn, cả hai tỉnh dậy và phát hiện nhà mình đang cháy nên hoảng hốt tìm phương án thoát ra ngoài.
Trong khi đám cháy xảy ra, theo như lời người trọ cùng phòng với Huế kể lại: "Khi đó đã cố tìm cách chạy ra ngoài thoát thân thì lại thấy Huế chạy vào bên trong nhà trọ".
Sau đó, người thân không thấy Huế liền lao đi tìm kiếm khắp nơi. Lúc này, bà Nguyễn Thị Tuyết (51 tuổi, quê ở tỉnh Hà Nam), mẹ của nạn nhân cho rằng con gái mình vẫn bị kẹt trong đám cháy nhưng các chiến sĩ cảnh sát PCCC quả quyết rằng, họ đã tìm kiếm khắp hiện trường nhưng không thấy ai cả và rút quân về.
Người phụ nữ này đã yêu cầu cơ quan công an cho vào trong để tìm kiếm nhưng bị ngăn cản. Những cảnh sát trông giữ hiện trường đều một mực khẳng định rằng: "Đã tìm kiếm rất kỹ và không phát hiện gì".
Điều đáng nói là khu nhà tạm này rộng chưa đầy 30m2, hơn nữa, khi vụ cháy xảy ra, có 6 xe của lực lượng PCCC với 55 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy. Ngoài ra có thêm lực lượng công an phường và bảo vệ của khách sạn La Thành cũng tham gia dập lửa, vậy mà sau 6 tiếng mới tìm thấy xác nạn nhân? Điều lạ lùng hơn là xác nạn nhân chỉ cách cửa ra vào chưa đầy 1,5m.
"Nhà có nguy cơ sập, lính cứu hỏa không thể vào tự sát"
Sau khi dập được lửa, các chiến sĩ khẳng định là đã tìm kỹ nhưng không thấy nạn nhân Huế. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân lại cho rằng đội PCCC chưa làm hết trách nhiệm.
Thượng tá Ngô Thanh Lâm - Phó phòng Cảnh sát PCCC quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Đến 10h, khi đám cháy được cơ bản dập tắt, tôi giao cho anh em ở lại dập tàn và làm hiện trường rồi mới quay về đơn vị thì mẹ Huế cũng vẫn chưa về.
Tuy nhiên, một lúc sau, anh em tại hiện trường báo cáo lại, khi chị ấy về, chị ấy có nói rằng: “Cháu sáng nay có ở nhà và không đi học. Hiện tại gia đình không liên lạc được với cháu và cũng không biết là cháu đi đâu”.
Khi đến đám cháy, tôi có hỏi cô Quế - người chạy ở trong ra - rằng có ai ở trong đó không thì được cô trả lời là có một cô bé nhưng cháu đã chạy ra ngoài rồi. Khi đi sâu vào thì tôi gặp cháu Mai Linh đang chạy ra. Lúc ấy tôi nghĩ Mai Linh chính là cô bé mà cô Quế nhắc đến”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, khi có đám cháy, về nguyên tắc điều đầu tiên là phải hỏi có người bị kẹt bên trong không, bởi con người là quan trọng nhất.
“Tuy nhiên, khi ở đám cháy và khi chữa cháy xong, tại đám cháy không ai có thông tin cho tôi về sự thất lạc của Huế. Chỉ đến khi tôi về thì anh em sau đó mới được biết" –ông Lâm nói.
Trao đổi với PV ngày 6/1, ông Nguyễn Minh Khương, trưởng khoa Chữa cháy - Trường Đại học PCCC cho biết: "Nguyên tắc chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn phải dựa vào thông tin của chính chủ nhà, đấy là thông tin tin cậy nhất, sau đó đến thông tin của người vừa chạy ra khỏi khu vực cháy. Đấy là thông tin rất quan trọng để biết được người bị nạn có trong đấy hay không.
Tuy nhiên nếu không có thông tin từ người thân thì cứu hộ phải dựa vào tình hình thực tế. Tình hình thực tế ở đây chính là phương tiện cho lực lượng cứu hộ tiếp cận, khả năng có thể tiếp cận được nó hay không? Ví dụ như loại nhà như thế sắp có nguy cơ sập đổ đến nơi thì lính cứu cháy không thể vào tự sát được".
Hiện trường vụ cháy
"Hơn nữa phải có các phương tiện phòng cháy như mặt nạ phòng cháy, quần áo cùng nhiều phương tiện khác để lính cứu cháy tiếp cận tìm kiếm người cứu nạn. Ngoài ra phải dựa vào tình hình thực tế để lính cứu hỏa có thể quyết định vào bằng cách nào và vào như thế nào để tìm kiếm người gặp nạn" - ông Khương nói.
Ông Khương cũng chia sẻ: "Nếu đầy đủ phương tiện, nhưng do điều kiện quá nguy hiểm, điều kiện không có phép thì lính cứu hỏa không vào được. Nếu biết vào mà chết thì đôi khi phải lựa chọn không vào vì chưa chắc đã có người bị nạn.
Nếu trường hợp có người bị nạn, điều kiện khó thì cũng không nên vào. Cũng cần phụ thuộc vào thời gian cháy bao lâu, nếu lính chữa cháy vào có nguy cơ chết mà nạn nhân cũng đã chết rồi thì sẽ không hiệu quả".