Ngay sau khi tai nạn xảy ra, bà N. đã được đồng nghiệp và gia đình đưa lên Viện Bỏng Quốc gia để điều trị.
Theo thông tin ban đầu, bà N. bị phỏng nặng ở vùng cổ và tay, trên mặt bị một vết phỏng nhẹ. Bà N. là phóng viên của báo Thanh Niên theo dõi địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tối cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết đã nhận được tin báo về việc phóng viên báo Thanh Niên bị tạt axit.
Hiện cơ quan điều tra đang khoanh vùng đối tượng, thu thập thông tin, chứng cứ để làm rõ nguyên nhân nhân vụ việc.
Cũng trong cùng ngày, một đối tượng lạ mặt đã nhắn tin dọa giết phóng viên Trọng Đức báo Lao Động Nghệ An.
Theo kẻ đe dọa, phóng viên Trọng Đức đã viết bài đăng trên báo Lao Động Nghệ An phản ánh một số cơ quan nhà nước ở TP. Vinh cho thuê mặt tiền làm ki ốt kinh doanh. Sau loạt bài này, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các cơ quan vi phạm thu hồi ngay ki ốt cho thuê trái phép.
Ngay sau khi bị đe dọa, phóng viên Trọng Đức đã gửi bản tường trình đến Báo Lao Động Nghệ An. Chiều cùng ngày Báo Lao Động Nghệ An đã gửi văn bản đề nghị công an Nghệ An điều tra làm rõ kẻ đã gọi điện dọa chặt tay và giết phóng viên Trọng Đức.
Trước đó, một phóng viên của báo Nông nghiệp Việt Nam cũng liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa từ một số điện thoại nặc danh sau khi đăng tải loạt bài điều tra về vấn đề nuôi Chồn nhung đa cấp.
Cần coi hoạt động báo chí là hoạt động công vụ Theo báo cáo công bố ngày 19/12/2012 của Tổ chức nhà báo không biên giới (RSF), nghề báo vẫn là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới với 135 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thiệt mạng chỉ trong năm 2012. Còn riêng ở Việt Nam, theo ông Lê Quốc Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Thời gian gần đây, việc các phóng viên đang tác nghiệp bị cản trở, hành hung xảy ra khá nhiều và xảy ra ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam, thậm chí ở ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội. Hai năm trở lại đây, hiện tượng này càng có chiều hướng gia tăng đáng kể. Có những vụ hành hung trắng trợn như vụ phóng viên báo Người Lao động bị đánh ở Lạng Sơn, hay những vụ trả thù có tính toán như việc phóng viên báo Khánh Hòa bị tấn công ngay trước cửa trụ sở của mình, phóng viên báo Tiền Phong tại bị đánh tại Hà Tĩnh…" Còn theo ông Ngô Huy Toàn, trưởng phòng thanh tra báo chí xuất bản Thanh tra, Bộ Thông tin - truyền thông: Cần coi hoạt động báo chí là hoạt động công vụ để tăng cường tính bảo vệ hoạt động hợp pháp, hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo. |