Nữ đại gia tự nhận là má mì trở thành ni cô chuyện làm việc thiện

"Lúc huy hoàng nhất, tôi sở hữu 4 cái nhà hàng, karaoke tại huyện Bình Chánh. Có thể nói, lúc ấy tôi như "má mì", trong tay có cả trăm em út...", bà Sự nói.

Đi kinh tế mới và trở thành doanh nhân

Cơ duyên cùng thầy Tèo (Nguyễn Hữu Hiệp – nhân vật chữa bệnh miễn phí mà báo chí đã đăng tải) về tịnh thất An Nhiên chữa bệnh, PV đã được gặp sư cô Diệu Thiện. Sư cô Diệu Thiện (65 tuổi, trụ trì tịnh thất An Nhiên – xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) tên thật là Nguyễn Thị Sự. Tịnh thất này còn được người dân nơi đây gọi là chùa Lá. Bà cho biết, từ ngày thầy Tèo tới chùa, bà rất bận rộn vì phải lo chỗ ăn nghỉ cho bệnh nhân. Bệnh nhân về chùa có ngày lên gần cả ngàn người, quá tải so với sức chứa của nhà chùa…

Bà Sự kể, ông ngoại của bà là 1 quan lớn trong triều đình Bảo Đại, sau đó trốn sang Pháp khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào năm 1954. Bà ngoại của bà đành dắt con gái và 2 đứa cháu nhỏ (2 anh em bà Sự) từ Huế vào Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đó cha bà Sự đã qua đời. Rồi bà ngoại mất, mẹ cũng mất, 2 anh em bà Sự lang thang, đi bán báo dạo để kiếm sống… Thời làm trẻ bán báo, bà từng biết và có lần đánh lộn với… Năm Cam (trùm giang hồ khét tiếng), khi ấy mới là cậu thiếu niên 15 tuổi, làm “tà lọt” cho chủ sòng bài Bảy Xi. Dù có quen biết giao du, nhưng bà cương quyết cự tuyệt việc gia nhập nhóm với Năm Cam sau này… Năm 1967, bà lập gia đình với 1 thanh niên cùng phận mồ côi.

Bà Sự kể: “Sau giải phóng, chồng tôi đi tàu đánh cá, rồi tổ chức đưa người vượt biên ra nước ngoài. Hồi ấy mỗi lần tàu đi trót lọt là chủ tàu được trả công 2 cây vàng/người. Về hình thức, họ giao cho chồng tôi làm chủ để khi vượt biên bị bắt thì họ không chịu trách nhiệm. Cũng từ chuyện này mà chồng tôi mê người phụ nữ có chồng làm sĩ quan. Biết chuyện, tôi chủ động chia tay, ôm 4 con thơ về vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Lúc ấy đứa con lớn nhất của tôi mới 10 tuổi, còn thằng út mới 4 tuổi”.

Bà làm đủ nghề để nuôi con: Mua bán mía đường, cừ tràm, than đước, mở quán nhậu, cò đất… Cuối cùng, bà kinh doanh nhà hàng, karaoke. Bà kể: “Lúc huy hoàng nhất, tôi sở hữu 4 cái nhà hàng, karaoke tại huyện Bình Chánh. Có thể nói, lúc ấy tôi như… “má mì”, trong tay có cả trăm em út. Khi đó, tôi kinh doanh nhà hàng, karaoke rất đắt khách, còn mua bán đất thì đắt như tôm tươi do sốt đất ở Sài Gòn. Những năm đó hễ mua đất xong là tôi loay hoay bán ra, lời mấy chục cây vàng liền”.

Bà kể tiếp: “Tôi công nhận mình là “má mì” của những cô đào ở nhà hàng, karaoke thật. Nhưng hoạt động ở các nhà hàng tôi lành mạnh lắm. Chẳng hạn như nhà hàng A4/99 Lê Minh Xuân có 8 phòng karaoke với 14 nhân viên đến từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ. Mấy em đẹp lộng lẫy nhưng không làm gì bậy bạ và sau này đều có chồng. Quán tôi toàn cán bộ, giám đốc, chủ tịch đến ăn uống, hát karaoke. Do tôi mua bán đất rồi giao thiệp rộng nên hễ giao dịch mua đất người ta cùng kéo tới quán tôi nhậu, rồi bán được đất cũng tới nhậu. Những năm đó việc nhậu nhẹt giao thiệp làm ăn xảy ra thường xuyên”.

Năm 2001, 2 đứa con bà có gia đình riêng và sang Pháp định cư. Còn 2 người ở lại Sài Gòn kinh doanh. Sau đó, một người con bảo lãnh bà sang Pháp du lịch 3 tháng, rồi sang thêm nhiều nước châu Âu.

Sự thay đổi kỳ diệu chỉ từ 1 con cá

Ngày 18/10/2005, có một người bạn đến nhà hàng của bà đặt làm 20 bàn tiệc. 20 con cá điêu hồng tươi sống đã bị người phụ bếp nhà hàng đập đầu, móc mang. “Lúc ấy tôi đi chợ về, đi ngang thau nước đựng số cá điêu hồng đang làm. Tôi thấy các con cá nằm im, riêng có một con vẫn vẫy đuôi bơi lội trong thau nước. Tôi kêu người phụ bếp đem con cá đó ra rửa sạch và để vào chậu nước khác. Con cá vẫn bơi lội. Thấy vậy tôi đem con các ra sông thì thật lạ lùng, con cá bơi 2-3 vòng rồi mới lặn mất. Tôi chợt nhớ câu: Cuộc đời sắc sắc không không. Chúng sanh hãy sống hết lòng với nhau”. Tôi quay về và ngay ngày hôm sau ngưng ngay việc nấu bếp, giết chóc động vật”, bà kể về cơ duyên đến với cửa Phật.

Năm sau, bà nhường giấy phép kinh doanh karaoke cho người khác, rồi đi học nghề y học cổ truyền, quyết trị bệnh cứu người. Bà về huyện Đức Hòa (Long An) mở điểm hốt thuốc Nam từ thiện. Dịp ấy, vị sư trụ trì tịnh thất An Nhiên lâm bệnh nên bà được mời về đây mở thêm điểm khám chữa bệnh miễn phí.

Bà kể: “Ngày 2/2/2006, tôi chính thức được sư huynh bàn giao cho quản tự và tôi được xuất gia trở thành sư cô Diệu Thiện. Lúc đầu, các con tôi không đồng ý. Chúng khóc nói tôi đã trải qua tuổi thơ đầy bất hạnh, rồi khi có chồng phải lam lũ lo toan mọi việc, bây giờ lại tìm đến khổ hạnh, các con đau lòng lắm. Riêng tôi hoan hỷ giải thích: “Vô thường một kiếp con người công danh sự nghiệp một thời phù du. Các con hãy để mẹ tìm cảnh giới thanh tịnh”. Tôi không còn người thân, các con thì đều thành đạt. Mọi thứ hỷ, nộ, ái, ố, tôi đều nếm trải rồi, nên đi tu không còn gì vướng bận”.

Từ đó, bà khám bệnh, hốt thuốc từ thiện trong ngôi tịnh thất cũ kỹ, xuống cấp nhưng lòng bà luôn vui vẻ. Vì chùa ở vùng sâu nên Phật tử đa số là người nghèo, lại đau bệnh nhiều nên đến trị bệnh miễn phí rất đông. Hết bệnh, họ trả ơn bằng cách đi tìm chặt cây thuốc về cho chùa.

Chỉ mong giúp đời

Sư cô Diệu Thiện cho biết, trong chùa Lá hiện đang nuôi dưỡng miễn phí hơn chục người già neo đơn và trẻ mồ côi. 2 năm nay, ngôi chùa được xây dựng lớn và khang trang hơn. Lúc thầy Tép từ tỉnh Kiên Giang chuyển đồ đạc, thuốc men về chùa và bắt đầu sắc thuốc cho bệnh nhân uống (ngày 18/11/2014), thì trong chùa chỉ còn 50kg gạo. Sư cô lo lắng về chuyện ăn nghỉ cho bệnh nhân. Bởi khi thầy Tèo về chùa thì mỗi ngày bình quân có 300-400 người bệnh đến chữa trị. Chùa có nấu cơm từ thiện phục vụ và có khoảng 200 người ở lại dùng cơm chùa. Tối đến, có khoảng 100 người ngủ lại chùa. Ngôi chùa đã trở nên quá tải.

Sư cô Diệu Thiện tâm sự: “Từ ngày thầy Tèo về chùa, có ngày cả ngàn bệnh nhân kéo tới. Chuyện phục vụ cơm nước, chỗ ngủ cho người bệnh quả thật là ngoài sức của chùa. Rất may là khi gần hết gạo thì có người cúng tiến cả tấn, nên bây giờ chùa không lo về gạo nấu cơm miễn phí. Chỉ còn chuyện điện trong chùa nhấp nháy, yếu quá, mà chùa thì chưa có kinh phí kéo đường điện mới. Dù chùa thiếu thốn nhưng không dám vận động ai, vì sợ mang tai tiếng”.