Năm 2005, NSƯT Chánh Tín cùng công ty của gia đình (CTCP điện ảnh và truyền thông Chánh Tín do con trai ông là Nguyễn Chánh Minh Thức làm giám đốc) sản xuất bộ phim “Dòng máu anh hùng”. Để có chi phí làm phim, Chánh Tín đã phải đứng ra bảo lãnh vay của Ngân hàng Phương Nam 8,3 tỷ đồng.
“Dòng máu anh hùng” sau khi xuất xưởng đã tạo được tiếng vang với cả điện ảnh trong nước và quốc tế. Thế nhưng khi đem ra trình chiếu, vì bộ phim bị đánh cắp bản quyền nên doanh thu rất ít, không đủ bù vào chi phí sản xuất. Từ đó, nam diễn viên nổi tiếng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Theo đơn khởi kiện ngày 25/8/2010 của Ngân hàng TMCP Phương Nam, trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất kí ngày 9/7/2008, ông Chánh Tín cùng vợ là bà Ngọc Bích dùng căn nhà trên đường Ba Vì, quận 10 thế chấp để bảo lãnh số nợ vay của Công ty Chánh Tín.
Do sau đó Công ty Chánh Tín không có tiền trả nợ nên ngày 20/4/2009, ông Tín và bà Bích có đơn xin giao tài sản cấn trừ nợ. Ngày 19/5/2009, Ngân hàng Phương Nam ra thông báo giải chấp trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở cho ông Chánh Tín.
Theo luật sư Nguyễn Văn Giáp (Đoàn luật sư TP.HCM) nhiều khả năng NSƯT Chánh Tín sẽ được chấp nhận đơn xin tạm hoãn thi hành án có điều kiện.
Đến ngày 28/5/2009, ông Tín và bà Bích quyết định bán căn nhà cho Ngân hàng Phương Nam với giá 10,5 tỷ đồng, tiền bán căn nhà đã được chuyển theo phiếu chi ngày 1/6/2009.
Sau đó, hai bên kí thỏa thuận với nhau cho gia đình ông Tín được tiếp tục sử dụng căn nhà trong vòng 12 tháng tính từ ngày 28/5/2009. Nếu quá thời hạn 12 tháng mà không thanh toán đủ số tiền 10,5 tỷ đồng thì ngân hàng được quyền nhận nhà theo hợp đồng mua bán đã kí. Tuy nhiên, đến tháng 8/2010 ông bà Tín - Bích vẫn không chịu giao nhà, vì thế Ngân hàng Phương Nam quyết định làm đơn khởi kiện.
Một số giải thưởng danh giá mà Chánh Tín đã đoạt được trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật. Ảnh: Khắc Thành
Còn bị đơn NSƯT Chánh Tín thì cho rằng, điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng là Ngân hàng Phương Nam phải thanh toán một lần số tiền 10,5 tỷ đồng. Nhưng ngân hàng chưa thanh toán như đã thỏa thuận, nên ông bà mới đề nghị hủy hợp đồng mua bán nhà. Đối với số nợ của Công ty Chánh Tín, ông đề nghị ngân hàng giải quyết riêng với công ty này.
Người có quyền và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Chánh Minh Thức cho biết ngày 9/7/2008, Công ty Chánh Tín và Ngân hàng Phương Nam có giao kết hợp đồng với nội dung ngân hàng sẽ cung cấp hạn mức tín dụng cho công ty 10 tỷ 380 triệu đồng.
Để đảm bảo số tiền vay 2 bên thỏa thuận, ông Chánh Tín và bà Ngọc Bích đã thế chấp căn nhà trên đường Ba Vì. Hiện nay, do hai bên có tranh chấp về mức lãi suất và cách tính tiền lãi nên công ty Chánh Tín chưa thanh toán số tiền trên kèm lãi suất cho Ngân hàng Phương Nam.
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 18/7/2012, HĐXX TAND quận 10 công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa ông bà Tín - Bích với Ngân hàng Phương Nam là hợp pháp. Bị đơn phải có trách nhiệm bàn giao căn nhà cho ngân hàng này. Không đồng ý với phán quyết, sau đó diễn viên Chánh Tín đã làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.
Đến đầu tháng 3/2014, Chánh Tín nhận được quyết định thi hành án với nội dung ngày 20/3 phải bàn giao nhà cho ngân hàng Phương Nam. Lúc này ông đang lâm vào tình cảnh khá bi đát, trắng tay, bị bệnh tật hành hạ nên đã làm đơn xin tạm hoãn thi hành án có điều kiện gửi TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Cục Thi hành án dân sự quận 10.
Theo luật sư Nguyễn Văn Giáp (Đoàn luật sư TP.HCM) nhiều khả năng NSƯT Chánh Tín sẽ được chấp nhận đơn xin tạm hoãn thi hành án có điều kiện. Khoản 1 điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định một số trường hợp được hoãn thi hành án, trong đó có đoạn người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên thì được hoãn.
Tuy nhiên, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành án sẽ tiến hành xác minh và xem xét vào trường hợp cụ thể của Chánh Tín để đưa ra quyết định cuối cùng.
Điều 48, Luật thi hành án dân sự về hoãn thi hành án: 1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây: a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định; b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án; c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên; d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết; đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này. |