Tiếp tục xét xử ‘bầu’ Kiên và đồng phạm
Phiên tòa xét xử ‘bầu’ Kiên và đồng phạm bước vào ngày xét xử thứ 4 (ngày 23/5), TAND TP Hà Nội tập trung làm rõ việc 19 nhân viên của ACB ôm tiền gửi vào các Ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất và “hoa hồng” tiền gửi. Đại diện NHNN được triệu đến để hỏi về luật tín dụng tiền gửi.
Tòa đã chuyển sang xét hỏi các bị cáo về hành vi đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB. Khi phiên tòa bước sang phần truy xét về việc ủy thác tiền gửi của Ngân hàng ACB tại Ngân hàng Vietinbank thì khi đại diện ngân hàng ACB đề nghị trước tòa Huyền Như là mượn danh nghĩa ngân hàng Vietinbank để chiếm đoạt tiền, Huyền Như phải chịu trách nhiệm thì ‘bầu’ Kiên lại cho rằng nhân viên ACB không giao dịch với cá nhân Huyền Như, mà giao dịch với quyền trưởng phòng giao dịch, do đó không nên đánh lận giữa chủ thực thi giao dịch.
Ông Dương Tự Trọng được tòa phúc thẩm giảm án
Chiều 23/5 HĐXX Tòa phúc thẩm TAND tối cao tiến hành tuyên án đối với Dương Tự Trọng và các đồng phạm trong vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Tòa phúc thẩm đã tuyên giảm án cho Dương Tự Trọng từ 18 năm tù xuống còn 16 năm tù. Các bị cáo còn lại vẫn y án sơ thẩm.
Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 xin trả vương miện
Mới đây, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011 - Triệu Thị Hà - đã viết đơn xin trả lại vương miện. Lý do được Triệu Thị Hà đưa ra là vì sức khỏe không được tốt, không đủ điều kiện để thực hiện các quy chế của Ban tổ chức và Ban chỉ đạo.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn thừa nhận Cục đã tiếp nhận hồ sơ xin rút vương miện của Hoa hậu Triệu Thị Hà cũng như báo cáo từ phía công ty CIAT. Tuy nhiên, ông Chương cũng cho biết cần phải xác minh thêm từ phía Triệu Thị Hà nhưng hiện nay vẫn chưa thể liên lạc với cô vì lý do sức khỏe không tốt.
Nếu xét theo quy định hiện hành về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thì không có quy định cụ thể về vấn đề này.
Sắp xét xử lưu động vụ gây rối ở Bình Dương
Tính đến ngày 22/5 Công an Bình Dương và các huyện, thị xã đã khởi tố 117 vụ án, 259 bị can với các hành vi: gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tải sản, chiếm đoạt tài sản và chống người thi hành công vụ.
Trong đó, Cơ quan tố tụng huyện Tân Uyên, Bình Dương đã đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố và dự kiến đưa một trường hợp nằm trong đợt gây rối ở Bình Dương vừa qua ra xét xử vào chủ nhật tuần này (tức 25/5). Theo đó, đối tượng đầu tiên bị xét xử là Châu Minh Tường với tội danh Trộm cắp tài sản doanh nghiệp. Bị can Châu Minh Trường bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”.
Đảo chính quân sự ở Thái Lan
Chiều 22/5, Tổng tư lệnh lục quân Thái Lan tướng Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố đảo chính quân sự để ngăn chặn mất mát thêm sinh mạng cũng và tình trạng bạo lực leo thang.
Bộ chỉ huy bảo vệ trị an (POMC) đã chiếm quyền lực từ chính phủ lâm thời, tướng Prayuth tuyên bố như vậy trên truyền hình. Ông Prayuth nói đảo chính là cần thiết để lập lại trật tự và thúc đẩy cải tổ. Đảo chính tại Thái Lan xảy ra 2 ngày sau khi quân đội ban bố thiết quân luật, điều mà giới quan sát chỉ trích là một cuộc bán đảo chính.
AFP dẫn lời người phát ngôn lực lượng lục quân cho biết Tổng tư lệnh lục quân tướng Prayuth Chan-ocha hôm 21/5 đã giao “bài tập về nhà” cho các bên tham gia đàm phán. Nhiệm vụ của họ là về nhà và vẽ ra các đề xuất cho một giải pháp.