Do đó, người tiêu dùng nên thận trọng để tránh bị “sập bẫy” khi quá ảo tưởng về giá trị của loại đá quý này.
Vấn đề trên đã được nêu ra tại hội thảo “Kim cương và các loại đá quý thay thế kim cương” diễn ra ngày 2/11, trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế trang sức Việt Nam 2012 ở TPHCM.
Làn sóng “kim cương nhân tạo” đã bước vào giai đoạn thoái trào trong thời gian gần đây vì đây là những loại đá có giá thành sản xuất rất thấp với một số loại thường thấy như Moissanite, Corundum và phổ biến nhất Cubic Zirconia (gọi tắt là đá CZ). Tuy nhiên, khi được gắn mác “kim cương nhân tạo” kèm theo các quy trình sản xuất, người bán thường đẩy giá lên rất cao để đánh lừa người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng bản thân tên thương mại “kim cương nhân tạo” cũng không được cơ quan chức năng thừa nhận.
Điều mà các chuyên gia tại hội thảo cảnh báo là trên thị trường hiện nay, bên cạnh các loại đá thay thế có hình dạng giống kim cương, người tiêu dùng còn được quảng cáo về loại kim cương đen với giá bán khá cao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Nghiêm, Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý SJC Chợ Lớn, kim cương đen trên thị trường hiện nay chỉ là xỉ kim cương được sinh ra cùng lúc với kim cương nhưng mang theo nhiều tạp chất, có độ cứng thấp hơn nhiều và độ bóng cũng bị hạn chế so với kim cương nên giá trị thương mại rất thấp, chỉ vào khoảng 10% đến 15% so với kim cương tự nhiên. Thực tế, kim cương đen tự nhiên rất quý hiếm, thị trường Việt Nam cũng chưa ghi nhận sự xuất hiện của loại này.