Lập trường chính thức của VN về việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan
Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp lý, các luận cứ của Trung Quốc nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22/5/2014 và ngày 9/6/2014 của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lần lượt trong các văn bản A/68/887 và A/68/907. Việt Nam xin nhắc lại như sau:
Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế
Cần phải khẳng định ngay rằng tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng tranh chấp này không phải là nguồn gốc của căng thẳng gia tăng hiện nay tại Biển Đông, mà căng thẳng này cần phải được giải quyết bằng cách áp dụng các quy tắc và thủ tục được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà tại đó Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Ngày 27/5/2014, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý. Hành động của Trung Quốc xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và tiến hành khảo sát thăm dò địa chấn 2D, 3D từ năm 2005. Những lần như vậy, Việt Nam đều đã cử tàu dân sự thực thi pháp luật ra yêu cầu Trung Quốc không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đã nhiều lần tiếp xúc ngoại giao, trao công hàm kiên quyết phản đối hoạt động sai trái của Trung Quốc, gồm một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, và ngày 5/8/2010 và ngày 8/8/2011, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công khai phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Từ ngày 2/5/2014 đến nay, Việt Nam đã nhiều lần gửi công hàm, tiếp xúc trên 30 lần ở nhiều cấp khác nhau để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam – hành động xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong các công hàm và tại các lần tiếp xúc này, Việt Nam luôn yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc triển khai hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Nhiều bằng chứng dưới dạng băng hình và hình ảnh được thực hiện bởi các phóng viên quốc tế được Việt Nam mời ra hiện trường cho thấy rõ ràng các hành động bạo lực và hung hăng của Trung Quốc như đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu của Việt Nam, làm bị thương hàng chục cán bộ và đâm hỏng nhiều tàu của các cơ quan thực thi pháp luật dân sự của Việt Nam và đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam (ngày 26/5/2014) mà không xem xét đến an toàn và tính mạng của ngư dân Việt Nam. Các hành động của Trung Quốc đã không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với những người đi biển.
Các nỗ lực và thiện chí của Việt Nam để giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác đã liên tục bị Trung Quốc khước từ
Kể từ khi tình hình căng thẳng hiện nay bắt đầu vào đầu tháng 5 năm 2014, Việt Nam đã nỗ lực hết sức liên lạc và đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và nhiều cấp khác nhau để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên bắt đầu đàm phán ngay lập tức để ổn định tình hình và quản lý các vấn đề trên biển giữa hai nước, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, các điều khoản có liên quan của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và các thỏa thuận khác giữa hai nước. Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc ngoại giao với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, trong đó gần đây nhất là cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 18/6/2014. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn nhất quyết từ chối rút giàn khoan Hải Dương-981 cũng như tiến hành đàm phán thực chất về tính pháp lý của các hành động của Trung Quốc.
Trung Quốc phải tôn trọng các quyền của Việt Nam được xác định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và ngay lập tức chấm dứt các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981, tàu và các phương tiện, thiết bị khác khỏi vùng biển của Việt Nam và không xâm phạm vùng biển của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam trịnh trọng yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tránh để căng thẳng kéo dài và tránh dẫn đến xung đột giữa hai nước.
Thiếu nữ xinh đẹp bị dọa tạt axít và giết vào ngày cưới
Cô gái bị dọa tạt axít và giết vào ngày cưới
Ngày 7/7, chị Hoa (25 tuổi, ở Bình Dương) đã gửi đơn kêu cứu tới cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) về việc chị bị một kẻ giấu mặt dọa tạt axít và giết chị vào ngày cưới.
Trong đơn, chị Hoa cho biết 2 năm qua chị thường xuyên bị kẻ giấu mặt dùng 4 số điện thoại nhắn tin vào nửa đêm. Người này dọa dọa cưỡng hiếp, tạt axít vào mặt Hoa.
Nội dung tin nhắn của kẻ lạ mặt đe dọa năm nay nhà chị Hoa sẽ có đám giỗ.
Hoa cho biết kẻ này còn dọa sẽ phá đám cưới của chị diễn ra trong 2 tuần tới. "Người này còn dọa rằng ngày vui của tôi cũng sẽ là ngày nhà tôi có đám giỗ. Sự việc khiến tôi hết sức hoang mang, lo sợ", cô gái 25 tuổi nói.
Nói về sự việc trên, Phương (chồng tương lai của Hoa) cũng tỏ ra hoang mang khi ngày cưới ngày càng cận kề.
Anh cho biết, mỗi lần chở vợ tương lai đi đâu đó, Hoa đều nhận được tin nhắn đe dọa. "Tôi nghĩ, kẻ lạ mặt ở rất gần nhà cha mẹ vợ tôi", anh Phương chia sẻ.
Kẻ lạ mặt dọa tạt axít vào mặt cô dâu trước khi cô này đi lấy chồng.
Một cán bộ điều tra nhận định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng cần phải ngăn chặn kịp thời trước khi kẻ lạ mặt ra tay.
Cán bộ này phân tích, đám cưới là nơi kẻ đe dọa rất dễ ra tay. Bởi là ngày vui nên mọi người sẽ ăn mừng, chúc tụng cho cô dâu, chú rể nên không ai để ý đến kẻ chuẩn bị ra tay gây án.
Đặc biệt là cả cô dâu và chú rể không biết kẻ nhắn tin đe dọa tính mạng của họ là ai để đề phòng.
"Trong ngày cưới, kẻ đe dọa tính mạng cô dâu có thể ăn mặc rất lịch sự đi dự đám cưới như bao khách mời khác. Người này có thể đứng gần cô dâu và rút dao gây án, lúc đó sẽ không kịp trở tay. Còn nếu kẻ lạ mặt muốn gây án bằng axít thì sẽ có rất nhiều người gặp nạn, hậu quả sẽ khó lường", cán bộ điều tra nói.
Sáng 8/7, trao đổi với PV, trưởng công an huyện Bắc Tân Uyên cho biết: "Tôi đi công tác 2 ngày nay nên chưa nắm được sự việc. Tôi sẽ xem lại hồ sơ người dân trình báo và cho tiến hành điều tra".
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.
Nữ sinh lớp 10 bị thầy giáo lừa cả tình lẫn tiền
Nữ sinh lớp 10 bị thầy giáo lừa cả tình lẫn tiền (ảnh minh họa)
Ngày 8/7, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ án thầy giáo giao cấu với học sinh xảy ra tại quận Tân Phú, TP.HCM.
Theo bản án sơ thẩm, vào lúc 12h ngày 6/10/2013, bà Trương Thanh Loan, ngụ phường Phú Thạnh, quận Tân Phú vào phòng riêng kiểm tra thì phát hiện bị mất tài sản gần 6 lượng vàng SJC, 2 chỉ vàng 9999 và 2 chỉ vàng kara.
Sau đó bà Loan truy hỏi Trương Như Hoa (17 tuổi) là cháu ở chung nhà thì thiếu nữ thừa nhận mình đã lấy trộm số vàng trên.
Theo cơ quan điều tra Trương Như Hoa là học sinh lớp 10 do Lê Văn Đăng (29 tuổi, quê Thanh Hóa) làm giáo viên chủ nhiệm.
Đầu tháng 9/2013, Hoa nhắn tin tỏ tình với thầy giáo và được Đăng chấp nhận. Trong thời gian yêu nhau, biết gia đình cô học sinh có điều kiện nên Đăng nhiều lần hỏi mượn tiền để trang trải nợ nần và làm ăn.
Để có tiền cho người yêu mượn, trong 9/2013, Hoa đã trộm số vàng nói trên của bà Loan, tổng giá trị là hơn 230 triệu đồng.
Từ lời khai của thiếu nữ, cơ quan công an tiến hành bắt Lê Văn Đăng. Tại cơ quan điều tra Đăng khai đã 3 lần quan hệ tình dục với học trò của mình.
Tại tòa, sau khi xem xét các tình tiết trong vụ án và lời khai của các bị cáo, HĐXX nhận thấy Đăng có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã khắc phục toàn bộ hậu quả, gia đình bị cáo có công, cha mẹ đang bị bệnh nên xét giảm án. Còn Hoa phạm tội khi mới 16 tuổi, đang là học sinh nên nhận thức pháp luật còn kém.
Từ đó, HĐXX đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo và bị hại, giảm án cho Đăng từ 9 xuống còn 8 năm tù về 2 tội Tiêu thụ tài sản người khác phạm tội mà có và Giao cấu với trẻ em. Hoa cũng được giảm án từ 3 năm tù giam thành 3 năm tù treo về tội Trộm cắp tài sản.
* Tên nữ sinh đã được thay đổi.
Mẹ mải chat với bạn trai, con 1 tuổi chết đói
Mẹ mải chat với bạn trai, con 1 tuổi chết đói
Theo báo Liên Hợp của Đài Loan, ngày 7/7, một bé trai hơn một tuổi được bà mẹ 19 tuổi và người bạn trai đưa tới bệnh viện thành phố Trung Lịch, Trung Quốc trong tình trạng không còn hô hấp, trên mặt có nhiều vết bầm, cân nặng của bé chỉ đạt 5 kg, nhỏ bằng nửa so với những em bé cùng lứa tuổi. Cảnh sát nghi ngờ hai người này đã có những hành động bạo lực với bé trai, nhưng họ nhất quyết phủ nhận.
“Chúng tôi không hề có hành động bạo lực với con, chỉ là không có tiền mua sữa cho nó”, bà mẹ họ Phạm và bạn trai phân trần. Bà mẹ 19 tuổi này kể lại, lúc 6 giờ chiều có gửi bé trai cho người hàng xóm họ Trương trông giúp, sau đó nhân lúc bé đã ngủ say thì lên mạng chat cùng bạn trai, không ngờ rằng sau khi quay lại bé đã tắt thở.
Phía cảnh sát cho biết, bé trai hơn một tuổi rất đáng thương, bé tuy có gương mặt bầu bĩnh những thân hình vô cùng bé nhỏ, chỉ có da bọc xương. Có vẻ như hai người này cũng rất ít khi tắm cho bé, chỉ dùng phấn rôm thoa lên da, nên người bé rất bẩn.
Bạn trai của bà mẹ này phân trần, khi bé khóc, họ có đánh vào tay, nhưng chưa từng nặng tay bao giờ. “Chúng tôi không đủ tiền để mua sữa bột, chỉ có thể ra chợ mua sữa bò tươi mà thôi, chúng tôi đều là người thất nghiệp”, anh ta cho biết.
Cảnh sát cho rằng bé đã bị chết do quá đói. Tang lễ của bé được tổ chức tại bệnh viện, bà mẹ trẻ này và người yêu bị lên án rất nhiều vì sự vô tâm dẫn đến giết con!
Được biết, bà mẹ họ Phạm sau khi ly hôn với chồng và có bé trai, đã quen người bạn trai họ Trương này qua mạng xã hội. Nửa năm sau họ chuyển tới sống cùng nhau, cuộc sống 3 người đều dựa vào đồng lương của anh Trương đi làm thêm lại quán ăn bình dân, nhưng hai tuần trước, anh ta cũng mất việc. Mọi người đang chờ đợi kết luận từ phía cảnh sát để kết luận tội trạng cho hai người làm cha mẹ vô tâm này.