Sau hơn hai năm vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích do Lê Văn Luyện gây ra làm chấn động dư luận cả nước, chúng tôi đã có dịp về lại Thanh Lâm (Lục Nam, Bắc Giang) để tìm những người thân khốn khổ của "kẻ sát nhân máu lạnh" này.
Và người chúng tôi muốn tìm nhất chính là bà Trương Thị Thơm, mẹ đẻ Lê Văn Luyện, một người phụ nữ đã phải chịu biết bao đắng cay, tủi nhục chỉ vì đứa con bất hiếu, gây ra tội ác kinh hoàng.
Ngôi nhà cũ hai tầng nằm đối diện trước cổng UBND xã Thanh Lâm, nơi "sát thủ" Lê Văn Luyện sinh ra và lớn lên đã khóa cửa im lìm, lạnh lẽo. Phía bên ngoài, những thanh củi khô xếp ngổn ngang trước chiếc cổng sắt cũng đã hoen gỉ vì thời gian...
Ngôi nhà cũ của gia đình "sát thủ" Lê Văn Luyện đã bỏ hoang hơn 2 năm nay.
Khi chúng tôi ngỏ ý hỏi thăm về tình hình của bà Trương Thị Thơm (mẹ Lê Văn Luyện) hiện nay ra sao, nhiều người hàng xóm đều tỏ vẻ ái ngại, dò xét và trả lời không biết.
"Từ ngày Luyện gây ra vụ việc động trời đó đến giờ bà ấy ôm con nhỏ và đứa thứ hai đi biệt luôn, nhà cửa đóng im ỉm còn họ đi đâu, làm gì, sống chết ra sao không ai biết cả...", một người hàng xóm cạnh nhà bà Thơm nói.
Theo một bé gái chừng 10 tuổi đang chơi gần nhà bà Thơm thì từ sau lần về bắt chó cách đây đã rất lâu, không thấy bà Thơm trở lại ngôi nhà này.
Theo những người dân quanh đây, từ khi xảy ra thảm án, rất nhiều phóng viên đã tìm đến đây chỉ để mong gặp người mẹ khốn khổ ấy một lần, nhưng đều không thể gặp. Dường như, bà đã bỏ nhà đi biệt xứ, không lưu lại một dấu vết dù nhỏ nhất.
Không chịu đầu hàng, rời ngôi nhà cũ đã bỏ hoang, chúng tôi hỏi thăm và tìm đến ngôi nhà của bố mẹ chồng bà Thơm (ông bà nội của Luyện) với hy vọng sẽ có thêm đôi chút thông tin về người con dâu đáng thương này.
Dường như cũng đã quá quen với sự xuất hiện của phóng viên đến gia đình nên sau khi chúng tôi chào hỏi, cả hai ông bà đều không tỏ vẻ ngạc nhiên.
Dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt hốc hác lộ rõ sự lam lũ, vất vả, ông Lê Văn Ngà (ông nội Luyện) đang chuẩn bị chút cám cho con bê mà người cháu họ gửi chăn hộ.
Tiếp chúng tôi ngay tại sân trước ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ, xuống cấp, ông bà nội của Luyện là Lê Văn Ngà và Trương Thị Nhủng đều ở cái tuổi ngoài 70 với khuôn mặt tỏ rõ nỗi buồn trĩu nặng.
Sau vài câu chuyện, chúng tôi chuyển sang hỏi thăm đến tình hình người con dâu là bà Thơm thì cả ông Ngà và bà Nhủng đều trầm ngâm một lúc và nói không biết.
"Có một lần duy nhất Thơm về thăm là khi tôi ốm còn bây giờ thì chúng tôi cũng chẳng biết nó ở đâu để mà tìm cả. Tội nghiệp nó, chỉ vì con mà chồng thì đi tù còn nó phải một thân nuôi con rồi chịu biết bao tủi nhục, chửi mắng, gièm pha của người đời.
Nó suy nghĩ nhiều, sợ người ta trả thù đến phát bệnh thần kinh, người thì gầy rộc đi. Đứa thứ hai đang học cấp 3 rồi cũng phải bỏ dở...", ông Ngà nói trong sự nghẹn ngào.
Đáp thêm vào lời ông Ngà, bà Nhủng vừa lau nước mắt vừa nói:"Cháu tôi nó gây tội như thế, người ta nói nhiều rồi con dâu tôi sợ bị trả thù, nó bỏ đi biệt luôn. Đi đâu nó cũng không nói, không liên lạc với chúng tôi...".
Tưởng rằng mọi thông tin về người mẹ bất hạnh với chúng tôi đã rơi vào tuyệt vọng sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm và hỏi han. Lúc này chúng tôi đã nghĩ rằng có lẽ người phụ nữ ấy đã thật sự bỏ đi rất xa để xa lánh mọi nỗi bất hạnh cuộc đời.
Tuy nhiên, khi tìm đến nhà ông Lê Văn Hộ, nguyên Trưởng thôn Sơn Đình 2, chúng tôi đã được nghe ông chia sẻ về những câu chuyện vô cùng bất ngờ.
Ông Lê Văn Hộ, nguyên trưởng thôn Sơn Đình 2.
Trong câu chuyện với chúng tôi, tội ác dã man mà Lê Văn Luyện gây ra vẫn là nỗi ám ảnh, không dám tin đối với ông Hộ.
Cũng theo lời ông Hộ, sau hơn 2 năm sự việc xảy ra, gia đình Lê Văn Luyện đã ly tán mỗi người một ngả. Bố Luyện thì đi tù còn riêng bà Thơm (mẹ Luyện) thì do bệnh tật và lo sợ nên đã trốn về một nơi "an toàn" để ở ẩn.
"Bố Luyện đi tù vì tội che giấu cho con, còn mẹ nó bị đồn thổi là phải bỏ đi biệt xứ vì sợ trả thù. Nhưng tôi là trưởng thôn, lại là họ nội tộc nên tôi biết rõ, trước côThơm là người phụ nữ rất khoẻ mạnh, tháo vát, hàng ngày cùng chồng làm nghề giết mổ.
Sau khi nghe tin cậu con trai gây tội ác, do suy nghĩ, lo lắng quá nhiều nên cô ấy sinh ra ức chế thần kinh, tính cách không còn được thuần như trước. Rồi do lo sợ cộng thêm sức khỏe yếu nên cô ấy mới bế con nhỏ đi ở ẩn.
Giờ sự việc cũng đã trôi qua khá lâu nên tinh thần cũng ổn định lại nhiều nhưng tôi biết cô vẫn sợ không dám đến những chỗ đám đông...", ông Hộ cho biết.
Cũng theo ông Hộ, hiện bà Thơm ngoài làm công việc đồng áng còn làm thêm một số việc phụ như đan lát, làm vàng mã để lấy tiền nuôi đứa con trai út ăn học.
Xác nhận với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm (Lục Nam, Bắc Giang) cũng khẳng định tương tự.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm (Lục Nam, Bắc Giang).
"Tôi cũng ở xóm đấy nên tôi biết rõ, sau khi vụ việc xảy ra vì suy nghĩ nhiều, cộng thêm lo sợ bị trả thù nên cô bị thần kinh một thời gian, không làm được việc nặng nhọc. Bây giờ tinh thần cô ấy cũng đã bình thường trở lại, đi làm đồng áng, làm phụ thêm để lấy tiền nuôi con nhỏ được rồi nhưng mà vẫn tránh chỗ đông người và người lạ.
Đứa thứ hai thì giờ cũng đi làm để phụ tiền cùng mẹ nuôi em. Cơ quan chức năng đã khẳng định, tất cả là do Luyện gây ra chứ còn cô ấy là mẹ nhưng đâu có biết gì nên bà con rất hiểu và vẫn thường động viên, an ủi. Tất cả là do con dại nên cái phải mang mà thôi...", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo chỉ dẫn của những người đã gặp, chúng tôi tiếp tục hành trình đến gần người phụ nữ khốn khổ này, nhưng thật không đơn giản để tiếp cận bà. Cú sốc quá lớn gần như đã khóa chặt lối trở về với đời thường của người phụ nữ nông dân quê mùa ấy...